Có một câu chuyện cười thế này: Người phụ nữ nọ được tặng một chú vẹt biết nói, tuy nhiên con vẹt này khá… hư. Bởi trong số tất cả những gì nó nói thì chẳng có câu nào nghe lọt tai cả. Mỗi lần cô chủ lại gần là con vẹt lại thốt ra những câu rất khó chịu, mặc dù cô cho nó ăn và chăm sóc nó.
Một hôm, cô chủ đã phát chán và quyết định rằng, nếu con vẹt còn giở trò ăn nói láo lếu nữa thì cô sẽ cho nó một bài học. Y như rằng, sáng hôm ấy, khi cô lại gần, con vẹt lại quen thói, tiếp tục la lên: "Ôi, cô thật xấu xí! Ôi, tôi không thể chịu được cô!". Cô chủ giận dữ lôi con vẹt ra khỏi lồng chim, mở cửa ngăn đá tủ lạnh và tống con vẹt vào đó, đóng lại. Từ trong ngăn đá, con vẹt vẫn tiếp tục la lối khoảng 5 giây nữa, rồi bỗng im bặt.
Cô chủ cũng hơi giật mình, nghĩ: "Ôi, khéo mình làm nó chết mất! Dù gì nó cũng chỉ là một con vẹt". Nên cô vội vàng mở cửa ngăn đá, thấy con vẹt đang đứng nhìn cô chăm chăm, nhưng không thốt ra thêm câu gì nữa. Cô liền nhấc nó ra. Lúc này, con vẹt mới nói:
- Tôi rất xin lỗi vì những câu nói ngu xuẩn của tôi và tôi hứa với cô rằng tôi sẽ không bao giờ làm như thế nữa. Kể từ bây giờ, tôi sẽ là một con vẹt biết nghe lời. Cô có tha thứ cho tôi không?
- Được – Cô chủ đáp – Ta tha thứ cho mi. Lời xin lỗi đã được chấp thuận.
- Ôi, cô làm tôi nhẹ cả người – Con vẹt nói tiếp – Cảm ơn cô, nhưng tôi có thể hỏi cô thêm một câu nữa không?
- Được, gì vậy?
Con vẹt ngoái lại ngăn đá của tủ lạnh, nhìn con gà đã được cấp đông, và rụt rè hỏi:
- Cái con gà trong đó, nó đã làm gì láo lếu vậy?
Con vẹt trong câu chuyện cười thì có lý do để cảm thấy nhẹ nhõm khi được tha thứ. Dù chúng ta không ở trong những hoàn cảnh tương tự như con vẹt, nhưng cảm giác được tha thứ đối với con người cũng là rất quan trọng.
Bạn đã bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình hỏng bét vì bạn đã làm điều gì đó đáng xấu hổ, hoặc sai lầm, hoặc thậm chí là phạm tội – để rồi bạn giật mình tỉnh dậy và nhận ra rằng đó chỉ là một cơn ác mộng? Cảm giác đó quả thật sẽ khiến bất kỳ ai thở phào nhẹ nhõm, phải không nào?
Nhưng sẽ thế nào nếu tình huống trong mơ đó hoàn toàn là thật? Cho dù là bạn hoặc một người thân, một người mà bạn yêu thương, phải chịu đựng?
Đó là tình huống xảy ra trong một cuốn sách từ thế kỷ thứ 19. Trong đó, nhân vật chính đã ở bên cạnh một chàng trai trẻ đang mất hết lý trí và cũng bị bệnh nặng. Anh ta bị ám ảnh bởi một tội ác mà mình đã gây ra, khiến cả gia đình anh ta cũng rất đau khổ. Cuối cùng, gia đình của người bị hại đã tới và nói rằng thực tế, họ đã tha thứ cho anh ta từ lâu – đó là cách để họ được cảm thấy bình yên mà sống tiếp. Lúc này, nhân vật chính, cũng như chàng trai đang nằm trên giường bệnh và gia đình của anh ấy, mới nhận ra một điều mà hẳn là tất cả chúng ta đều cần biết: đó là cảm giác được tha thứ. Sự nhẹ nhõm khi bạn thức dậy khỏi một cơn ác mộng vẫn chưa là gì so với việc thoát ra khỏi một nỗi ám ảnh tồi tệ, để nhận thức thực tế rằng bạn được tha thứ. Cảm giác đó được miêu tả là "quá tuyệt diệu đến mức tưởng như không thể là thật".
Tha thứ và được tha thứ là điều mà mỗi chúng ta đều sẽ và cần trải qua trong cuộc sống. Cả hai việc đều giúp chúng ta tìm thấy sự yên bình, cho cả bản thân mình và những người xung quanh.