Thang bão Saffir-Simpson là phân loại bão được sử dụng rất phổ biến, với 5 cấp độ bão. Người ta không đặt ra bão Cấp độ 6 theo thang này, một phần vì một khi gió đã đạt đến Cấp độ 5, thì việc bạn gọi nó là cấp độ mấy cũng chẳng quan trọng nữa. Lúc đó, nó đã rất, rất tệ rồi.
Theo phân loại bão này thì bão Cấp độ 1 có sức gió 119 - 153km/ giờ, còn bão Cấp độ 5 có sức gió 251km/ giờ hoặc mạnh hơn. Nếu nhất định phải tạo ra Cấp độ 6 trong thang bão Saffir-Simpson, thì gió sẽ có tốc độ (283 - 315km/ giờ).
Thang bão Saffir-Simpson là phân loại bão được sử dụng rất phổ biến, với 5 cấp độ bão. Ảnh: NOAA.
Ở Mỹ, cơn bão Wilma hồi năm 2005 cũng đã có sức gió mạnh nhất là 280 km/ giờ, sức tàn phá khủng khiếp. Năm 2017, gió của bão Irma cũng hoành hành với tốc độ 280 km/ giờ.
Nhưng gió trong những cơn bão có thể mạnh đến mức nào nữa? Một cơn bão có được sức mạnh của nó bằng cách sử dụng nước ấm làm nhiên liệu. Khi khí hậu Trái Đất nóng lên, nước đại dương có thể cũng ấm lên. Bởi vậy nên càng ngày, bão mới càng có khả năng mạnh hơn và dễ thay đổi cường độ đột ngột.
Một chiếc ô tô bị lật nghiêng trong cơn bão Wilma (2005). Ảnh: Palm Beach Post.
Theo trang Live Science thì các nhà khoa học cho rằng, đến cuối thế kỷ 21, hiện tượng ấm lên của toàn cầu sẽ khiến bão trên khắp thế giới mạnh lên khoảng 2 - 11%.
Nhưng môn Vật Lý tuyên bố rằng, sẽ phải có giới hạn. Dựa trên các điều kiện khí quyển và đại dương trên Trái Đất hiện tại, thì gió bão mạnh nhất có thể lên tới 305 km/ giờ, theo Học viện Công nghệ Massachusetts.
Nhưng cũng có ngoại lệ, như cơn bão Nancy năm 1961, được cho là có tốc độ gió duy trì tối đa lên tới 346 km/ giờ; trong một cơn lốc xoáy vào tháng 5/1999 ở Oklahoma, các nhà nghiên cứu còn đo được gió mạnh tới 512 km/ giờ.
Hình ảnh tan hoang sau bão Nancy (1961). Ảnh: NBC News.
Tuy nhiên, mọi giới hạn đều không phải là tuyệt đối. Nó có thể thay đổi theo khí hậu của Trái Đất. Trái Đất càng ấm lên, thì những cơn bão càng có tiềm năng mạnh lên. Mà năm 2020 đang được cho là sẽ đạt “danh hiệu” năm nóng nhất trong lịch sử, có lẽ bởi vậy mà nhiều cơn bão dữ dội đã xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, như bão Molave (bão số 9) quét qua Philippines và Việt Nam, bão Zeta không phải dạng vừa cũng đang vần vũ ở Mỹ, hay nhiều cơn bão liên tục ở Queensland (Úc)…
Sét đánh xuống Brisbane (Úc) trong những trận bão liên tiếp vài ngày gần đây. Ảnh: Hayley Clotworthy.
Dù sao, các nhà khoa học khẳng định, không cần phải đưa Cấp độ 6 vào thang bão Saffir-Simpson, bởi vì thang bão này dùng để đo mức độ thiệt hại do gió bão gây ra. Mà với tốc độ gió trên 251 km/ giờ, thì mức độ tàn phá sẽ giống nhau, tức là tan nát hết cả thôi.