Một đời hát Lệ Thu

Lệ Thu trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 4/2017 ảnh: nguyễn mạnh Hà
Lệ Thu trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 4/2017 ảnh: nguyễn mạnh Hà
TP - COVID-19 mang đi một giọng ca đã đi vào huyền thoại tân nhạc: Lệ Thu. Giọng nữ trung trầm mượt mà có độ vang rung tự nhiên đã đi vào lòng nhiều thế hệ khán thính giả. Bà từng nói ca hát chính là nghiệp, vì nếu chỉ là nghề thì bà đã không làm lâu đến thế. Những câu chuyện dưới đây ghi theo những lần bà trả lời phỏng vấn truyền hình tại hải ngoại.

SINH RA ÐỂ HÁT

Chỉ từ một lần hát tặng bạn trong ngày sinh tại phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu đã lọt tai ông chủ và được chèo kéo với số tiền lớn khiến bà không thể từ chối: “Em cứ đến đây 9h tối, hát 2-3 bài rồi về. Như đến nhà bạn làm bài thôi”… Khi đó bà mới 16 tuổi. Vì lúc đầu giấu mẹ đi hát nên bà lấy nghệ danh là Lệ Thu - cái tên bỗng nhiên bật ra trong đầu mà không có sự tính toán trước. Căn cứ vào đó, một số nhạc sĩ chiết tự để viết cho bà những bài hát nội dung buồn bã (chẳng hạn Nước mắt mùa thu của Phạm Duy), nhưng kỳ thực bà lạc quan về đời mình: “Ơn trên ban cho nhiều ơn huệ mọi bước đi đều ít gai góc”.

Khi còn nhỏ, bà đã tham gia sinh hoạt trong ban Tuổi Xuân của nhạc sĩ Ngọc Bích cùng với Mai Hương, Khánh Ly, Quỳnh Giao. Bà kể về lần đầu gặp cô bạn thân: “Khánh Ly hỏi bồ tên gì. Tôi là Lệ Thu. Tôi là Lệ Mai, Khánh Ly tự giới thiệu tên thật. Hồi đó tôi còn nhát. Không biết vì chuyện gì tôi hơi rơm rớm nước mắt, liền được Khánh Ly khuyến khích, đừng sợ gì cả”.

Tên tuổi Lệ Thu nổi lên nhanh chóng đến nỗi báo chí ví như bà “đi hia bảy dặm”. Lệ Thu lý giải: “Thời đó, các chị lớn Thái Thanh, Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước… toàn hát giọng mũi. Tôi hát giọng thổ, lấy hơi từ đan điền, rõ và mạnh. Khán giả thấy lạ nên đón nhận nồng nhiệt như vậy”. Bà được nhà văn Duyên Anh và nhà thơ Nguyên Sa đặt cho danh hiệu giọng hát vàng mười, vàng ròng.

Lệ Thu góp phần giới thiệu dòng nhạc Vũ Thành An đến với công chúng từ Tình khúc thứ nhất có thời gian được phát ròng rã trên truyền hình thời đó vào mỗi tối. Tác giả khẳng định tới lúc này Lệ Thu hát bài này vẫn thành công nhất. Vũ Thành An nhớ lại: “Có thể nói những năm 1970, Lệ Thu là ca sĩ có hợp đồng đắt nhất trong giới. Phòng trà Tự Do nghe nói đã ký hợp đồng độc quyền Lệ Thu mỗi tháng lên đến mấy trăm ngàn tiền VNCH. Trong khi lương của An chỉ có mười mấy ngàn/tháng và một tô phở 5 đồng”. Lệ Thu giải thích mức lương của mình cao vì toàn ký hợp đồng hát độc quyền: “Đời sống trước 75, số tôi rất may lúc nào cũng thoải mái. Không giàu, nhưng chưa phải bị gậy”.

Lệ Thu cũng chính là nàng thơ đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Lúc Lệ Thu thu âm các Lời buồn thánh, Diễm xưa… Khánh Ly còn ở Đà Lạt. Chính Trịnh Công Sơn đã làm thay đổi cách nhìn về nhạc Việt của Lệ Thu, trước đó bà chuyên hát tiếng Pháp, Ý, Mỹ… “Trung tâm Sóng Nhạc mời thâu Xin mặt trời ngủ yên, thấy hay quá tôi từ từ chuyển sang hát nhạc Việt. Ít lâu sau anh bèn nhờ Hà Thanh tìm tôi để gửi bài Hạ trắng. Tôi thâu bài đó đầu tiên”, bà kể.

Thuở hoàng kim, bà được rất nhiều nhạc sĩ tìm tới để gửi gắm những bài hát về sau đều nổi tiếng. Từ Hương xưa (Cung Tiến) cho tới Mười năm tình cũ (Trần Quảng Nam). Lệ Thu kể về lần đầu ra mắt Hương xưa tại phòng trà Queen Bee chỉ với một piano: “Đứng trên bục tròn dưới hàng ngàn con mắt, hát bài đó run ghê lắm. Nhạc đi một lèo, không ngưng nghỉ ở giữa. Hát xong, Thu còn nhớ mãi hôm đó có Hoàng Dược Sư và Mai Thảo đi xem có nói cùng một câu: "Lệ Thu đã bất tử với Hương xưa". Hát xong tôi hát không nổi bài tiếp, bắt tay nhạc sĩ Thoại Tinh (người đệm piano - PV) thấy tay đẫm mồ hôi. Anh ấy cũng sợ vì bài hát khó mà mới quá, vừa tập xong đã lên trình làng, hát với tất cả nỗi xúc động của mình”.

Sau khi hết hợp đồng độc quyền với phòng trà của Jo Marcel, Lệ Thu tới hát ở Tự Do, cũng độc quyền: “Tường bao của nơi này chỉ là tấm mành,” bà kể. “Xung quanh lá me chao bay, mọi người đi qua nghe hết. Anh ấy nghe tôi hát ở đó chắc về sáng tác sau đó đem đến cho tôi hát đầu tiên: ‘Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng’”. Đó chính là Xin còn gọi tên nhau của Trường Sa. Và liên tục sau đó là Mùa thu trong mưa, Rồi mai tôi đưa em, Một mai em đi…

CHỈ CÓ KHÁN GIẢ

Thời khắc lịch sử 30/4/1975, bà đã chọn ở lại trong nước để chăm sóc người mẹ có bệnh về mắt. Bà tham gia hát trong đoàn kịch Kim Cương, từng nhiều lần ra Hà Nội trình diễn. Bà để lại ít nhất ba bản thu “nhạc đỏ” trong album Đường chúng ta đi (1976): Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tự nguyện, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát.

Một đời hát Lệ Thu ảnh 1 Lệ Thu - Khánh Ly

Lệ Thu định cư ở Mỹ năm 1980. Bà về nước du lịch bày tỏ nguyện vọng về ca hát trong nước năm 2007 và chính thức trở về cuối 2012. Bà từng nói: “Với các nghệ sĩ cũng như với riêng tôi, âm nhạc không có ranh giới, không có phân biệt chính trị, dân tộc hay bất cứ cái gì. Chỉ có âm nhạc và người thưởng thức là đủ. Khi hát, trước mặt tôi chỉ có khán giả”.

Bà cho hay nhiều năm trước đó đã nhận được những lời mời về nước hát nhưng e ngại không biết lớp khán giả của mình còn không. Cho đến một buổi chiều nhập nhoạng ở Hà Nội, bà không trang điểm, ăn mặc bình thường, nhưng một thanh niên tuổi chừng 30 vẫn nhận ra: “Điều đó thúc đẩy tôi trở về. Quả thực tôi được khán giả chào đón nồng nhiệt, tôi rất xúc động”. Bà kể, nhìn thấy những giọt nước mắt của khán giả sau khi hát Mười năm tình cũ. Kết thúc chương trình, khán giả vẫn chưa chịu về, và bà phải hát thêm 2-3 bài: “Đó là hiện tượng tôi chưa hề thấy bên Mỹ”.

Lệ Thu nhận được nhiều lời mời đóng phim thời trẻ. Bà kể từng được đạo diễn Thái Thúc Nha mời đến thử vai nhưng không có duyên nên “chỉ có hát và hát”.

Mối duyên với Trịnh Công Sơn

“Hồi Trịnh Công Sơn du ca qua các phân khoa đại học, tôi có đi với anh ấy rồi. Lúc Khánh Ly còn trên Đà Lạt. Tôi đi với anh không được lâu. Rồi Jo Marcel mời tôi ký độc quyền để hát ở Queen Bee. Tôi suy nghĩ rất lâu, tôi có mẹ già, con cái, nếu cứ kéo dài du ca, mình không lo được cho gia đình. Tôi nói với anh Sơn: "Thu thú thật cái vai của Thu còn phải gánh nặng gia đình anh thông cảm cho Thu". Anh Sơn buồn lắm, tôi cũng buồn. Buổi chót tôi hát ở phân khoa Luật hay Dược gì đó, gặp anh Lưu Kim Cương là trung tá hay đại tá không biết. Anh nói: "Lệ Thu coi chừng đó sẽ có đối thủ"  Tôi bảo, tốt quá vậy là có người thế chỗ tôi, nếu cả 2 người cùng hát thì cùng "múa kiếm dưới trăng". Trong khi tôi ký độc quyền từ phòng trà này đến phòng trà khác thì Khánh Ly về và tiếp nối dòng nhạc của anh Sơn. Tôi cho đó là định mệnh. Vì Khánh Ly hát nhạc đó hợp”. 

 
MỚI - NÓNG