Một Đời Một Kiếp được xem là phần 2 của Châu Sinh Như Cố, là câu chuyện kiếp sau của hai nhân vật Châu Sinh Thần (Nhậm Gia Luân) và Thôi Thời Nghi (Bạch Lộc). Châu Sinh Như Cố có bối cảnh cổ trang, còn Một Đời Một Kiếp bối cảnh hiện đại.
Cuối Châu Sinh Như Cố, Châu Sinh Thần bị vu oan tạo phản, phải chịu hình phạt róc xương đau đớn; Thôi Thời Nghi biết tin quá đau khổ nên sau đó cũng gieo mình từ trên thành cao xuống. Do câu chuyện của Châu Sinh Như Cố quá bi thương, nên khán giả rất mong cả hai sẽ tiếp nối mối duyên dở dang và có cái kết hạnh phúc cho mình ở Một Đời Một Kiếp.
Thế nhưng so với Châu Sinh Như Cố, chất lượng của Một Đời Một Kiếp bị đánh giá kém hơn hẳn. Điều đó thể hiện qua điểm Douban thấp hơn cũng như mức độ thảo luận của khán giả ít hơn. Châu Sinh Như Cố được 7.4 điểm, còn Một Đời Một Kiếp chỉ được 6.7 điểm trên Douban.
Xét theo nguyên tác, Một Đời Một Kiếp mới là phần phim phụ thuộc vào tiểu thuyết nhất bởi cốt truyện chính chủ yếu nói về thời hiện đại. Nhưng thay vì tóm tắt phần kiếp trước như một ký ức, một kỷ niệm của nhân vật nữ chính ở 3 - 5 tập đầu phim thì nhà sản xuất đã đắp nặn thêm các tình tiết để nó trở thành một bộ phim hoàn chỉnh.
Châu Sinh Như Cố đã rất thành công. Nhưng vô tình, thành công của phần phim cổ trang đã đặt Một Đời Một Kiếp ở ngưỡng kỳ vọng cao, vì vậy mà cũng dễ khiến khán giả thất vọng hơn.
Thực tế, Một Đời Một Kiếp không phải là một phim tệ, nhưng nếu so với phần phim trước đó thì nó có nhiều điểm trừ hơn. Xét về cốt truyện Châu Sinh Như Cố có lợi thế hơn hẳn, bởi thường những gì bi thương thì thường dễ để lại ấn tượng sâu đậm hơn.
Còn cốt truyện hiện đại khiến Một Đời Một Kiếp không khác gì đa số bộ phim tình cảm đô thị khác. Mở đầu có thể khiến khán giả hào hứng, bởi họ chờ đợi khoảnh khắc Thôi Thời Nghi nhận ra Châu Sinh Thần dẫu đã trải qua ngàn vạn thời gian. Nhưng dần về sau, chuyện phim không còn mới mẻ nữa.
Phần đọc thoại của diễn viên cũng là một điểm trừ. Theo đó, giọng nói của nhân vật Thôi Thời Nghi chưa đủ truyền cảm để đạt đến trình độ một diễn viên lồng tiếng.
Ở Châu Sinh Như Cố, phần thoại của Châu Sinh Thần do diễn viên lồng tiếng đảm nhận, sang Một Đời Một Kiếp Nhậm Gia Luân tự thoại. Nhưng phát âm của nam diễn viên có vẻ yếu hơi, không có khí lực, nghe không tạo đủ cảm giác vững chãi và ấm áp - điều đã khiến khán giả ấn tượng về Châu Sinh Thần ở phần trước.
Một số bình luận của khán giả:
“Châu Sinh Thần của Một Đời Một Kiếp đối với tôi không phải là Châu Sinh Thần của nguyên tác. Trong truyện, nam chính ăn mặc xuề xòa, nhưng trên phim là bộ dạng của một người trong giới giải trí tạo kiểu để trông xấu đi thôi. Tính cách nhân vật thì ngớ ngẩn một cách dễ thương. Diễn viên chính khá tốt, nhưng họ không phải là nhân vật mà tôi đã kỳ vọng.”
“Tại sân bay, Thôi Thời Nghi đuổi theo Châu Sinh Thần vì cô ấy đã nhận ra người mà mình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù gương mặt không giống, giọng nói không giống, tất cả mọi thứ bên ngoài đều không giống nhưng Thôi Thời Nghi vẫn biết đó là Châu Sinh Thần. Chi tiết này trong nguyên tác rất cảm động, rất lãng mạn, nó khiến cảm xúc của tôi chấn động. Nên khi phim để Thôi Thời Nghi đuổi theo Châu Sinh Thần chỉ vì trùng tên nhân vật trong bộ phim mà cô lồng tiếng, bỗng dưng tôi thấy hụt hẫng.”
“Cảm giác về nhân vật đều không đúng. Châu Sinh Thần ở thời hiện đại chưa bao giờ là một người nhút nhát và dễ thương.”
“Ban đầu thì ổn, nhưng dần về sau thì cốt truyện đang dần trở nên sáo rỗng. Mình tua nhanh 1,5 lần mà phim vẫn rất lê thê.”
“Tôi được biết Châu Sinh Như Cố và Một Đời Một Kiếp được thực hiện bởi hai ê-kíp khác nhau. Điều này có lẽ đã giải thích cho tôi lý do tôi có cảm giác Châu Sinh Thần không phải là Châu Sinh Thần, Thôi Thời Nghi không phải là Thôi Thời Nghi nữa. Tốt nhất là tách riêng biệt cả hai phim ra.”
“Xem Một Đời Một Kiếp tôi không cảm nhận được gông cùm của kiếp trước đã khiến Châu Sinh Thần và Thôi Thời Nghi không thể đến bên nhau. Nên những phân cảnh ngọt ngào của cả hai dễ thương đó, nhưng nó không khiến tôi có cảm giác mãn nguyện và cảm động, rằng cuối cùng đã chẳng còn gông cùm nào trói buộc họ nữa.”