Mới đây, một đoạn clip được cho là do chính những kẻ quấy rối lớp học online ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ đã khiến nhiều người bức xúc. Theo nội dung đoạn clip, một lớp học đang trong giờ học online với lượng sinh viên khá đông thì bất ngờ một số tài khoản lạ liên tục thao tác, tác động đến nội dung buổi học.
Lớp học online đang trong giờ học thì xuất hiện những kẻ lạ mặt với những hành động phá rối. |
Các tài khoản dưới tên sinh viên đồng loạt bật lên những đoạn nhạc ầm ĩ kèm theo đó là những hình ảnh nhảy nhót. Chưa hết, có một tài khoản còn ngang nhiên show hình ảnh bản thân đeo mặt nạ kèm loạt hành động thách thức.
Những người lạ mặt này đứng trước màn hình nhảy nhót rồi thực hiện những động tác thách thức trong sự ngỡ ngàng và tức giận của thầy và trò. Chỉ ít phút sau khi nhóm người lạ này phá rối, lớp học trở nên ầm ĩ với tiếng nhạc, hình ảnh nhảy loạn xạ. Đáng chú ý, sau khi thực hiện hành vi phá rối lớp học online, nhóm người này còn chủ động quay clip sau đó tự tay đăng tải trên mạng. Cùng với đó là quảng cáo "nhận phá phòng zoom" như một lời thách thức.
Vụ việc đã trở thành tâm điểm tranh cãi với hàng loạt bình luận chỉ trích, nhiều học sinh, sinh viên cũng như cộng đồng mạng bức xúc đề nghị truy tìm những kẻ đã tấn công các lớp học online.
Những kẻ lạ mặt sau đó còn đăng tải clip quảng cáo "nhận phá phòng zoom". |
Theo Thanh Niên Online, các lớp học trực tuyến bị người lạ tham gia phá rối phần nhiều xuất phát từ việc chính sinh viên trong lớp học chia sẻ ID, mật khẩu cho những người này tham gia vào lớp học hoặc thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài. Với thiết kế của các phần mềm học trực tuyến, cần phải có ID, mật khẩu thì mới có thể đăng nhập vào lớp.
Hiện tại, trên Facebook có rất nhiều fanpage, nhóm được lập ra với mục đích phá rối các lớp học trực tuyến. Các nhóm này kêu gọi những sinh viên không muốn học trực tuyến chia sẻ ID, mật khẩu tham gia lớp học thì sẽ đăng nhập và phá rối. Chỉ cần gõ từ khoá "phá zoom" là có thể thấy hàng loạt trang, nhóm này do những người còn rất trẻ lập ra. Chỉ cần có người nào chia sẻ ID, mật khẩu là những thành viên này đồng ý tham gia vào lớp học trực tuyến để phá rối miễn phí.
Các lớp học trực tuyến của học sinh THCS, THPT cũng thường xuyên được chia sẻ ở những nhóm này. Thậm chí, ở đây ID và pass được chia sẻ nhiều nhất là ở các buổi học... đa cấp.
Đây là câu trả lời cho tình trạng các lớp học trực tuyến thường xuyên bị phá rối trong thời gian gần đây. Vấn nạn này càng dễ xảy ra đối với các lớp học mà giảng viên của trường Đại học ít để ý đến việc quản lý các thành viên, để các thành viên trong lớp tự do chia sẻ hình ảnh hoặc đàm thoại trong lớp.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết qua một thời gian dài dạy học trực tuyến, các lớp học chưa bị phá rối. Trường dạy trực tuyến bằng phần mềm Zoom có bản quyền và MS Team do Microsoft hỗ trợ. Có lẽ cũng nhờ trường đã tổ chức tập huấn giảng viên thật kỹ trước khi giảng dạy trực tuyến cho sinh viên. Tại tất cả các lớp học trực tuyến, giảng viên phải là người quản lý chặt và sinh viên chỉ được phép chia sẻ màn hình hoặc phát biểu ý kiến khi giảng viên cấp quyền. Việc này sẽ giúp phòng ngừa được các thành phần vào phá rối lớp học.
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng cho biết tại trường chưa xuất hiện tình trạng phá rối các lớp học trực tuyến. Theo thạc sĩ Vũ, trừ khi chính giảng viên bị hack, chiếm quyền điều khiển (host) thì mới đáng ngại. Còn ngay cả khi tài khoản của sinh viên bị chiếm quyền nhưng nếu giảng viên không cấp quyền cho sinh viên tự do chia sẻ màn hình hoặc nói trong lớp học thì cũng khó phá rối được.