Khoa học và công nghệ đang khiến những điều tưởng chừng bất khả thi trở thành hiện thực. Nếu gạt sang bên những nỗi lo về robot dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thống trị thế giới, thì khoa học công nghệ đang giúp ích cho con người rất, rất nhiều.
Giờ đây, nhờ có khoa học mà một người đã có thể đi lại được sau khi bị liệt nhiều năm.
Anh Gert-Jan Oskam, 40 tuổi, người Hà Lan, phải chấp nhận sự thật rằng anh không bao giờ đi lại được nữa sau khi anh bị gãy cổ trong một vụ tai nạn giao thông ở Trung Quốc vào năm 2011.
Nhưng giờ thì anh có thể leo cầu thang, đi bộ mỗi lần hơn 100 mét. Đây cũng là lần đầu tiên anh có thể thực hiện được những việc này kể từ sau ca phẫu thuật giữ tính mạng vào 12 năm trước.
Anh Oskam. Ảnh: Gilles Weber. |
Những bước đi của anh Oskam là nhờ bước tiến của khoa học công nghệ. Cụ thể hơn là nhờ có “cây cầu không dây kỹ thuật số”, giúp anh Oskam di chuyển được chỉ trong vòng vài ngày.
Nhưng “cây cầu” này hoạt động thế nào? Công nghệ này được gọi là “giao diện não - máy tính”, được tạo thành bởi 2 thiết bị cấy ghép điện tử, một ở não và một ở tủy sống.
Thiết bị thứ nhất được đặt trên vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát cử động chân, có thể quyết định những tín hiệu điện được tạo ra khi anh Oskam nghĩ đến việc đi lại. Thiết bị còn lại được đặt trên vùng tủy sống điều khiển đôi chân.
Đây hiển nhiên là điều làm thay đổi cuộc đời anh Oskam. Anh nói: “Vài tháng trước, tôi còn không thể tin được rằng mình có thể đứng dậy. Giờ thì tôi đã có thể đi gặp gỡ bạn bè”.
Anh Oskam lần đầu tiên có thể đi lại sau 12 năm. Ảnh: Gilles Weber. |
Giáo sư Jocelyne Bloch, bác sĩ phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện Đại học Lausanne (Thụy Điển), cũng là một trong những người thực hiện dự án này, nói: “Điều chúng tôi có thể làm là dùng cây cầu kỹ thuật số để tái lập sự giao tiếp giữa não và vùng tủy sống điều khiển cử động của đôi chân… Hệ thống này có thể nhận biết những suy nghĩ của Oskam và “dịch” những suy nghĩ đó thành những tín hiệu gửi tới tủy sống”.
Hiện nay mới chỉ có anh Oskam được dùng công nghệ này, nhưng tất nhiên ai cũng hy vọng trong tương lai gần, nó có thể được áp dụng để giúp đỡ nhiều người khác khôi phục hoạt động của các bộ phận cơ thể.