Khi hầu như mọi thông tin đều được số hóa thì việc bị hacker tấn công, chiếm dữ liệu là một cơn ác mộng đối với bất kỳ tổ chức nào.
Chẳng hạn, trường Đại học California, San Francisco (UCSF, Mỹ), mới đây đã phải trả cho nhóm tội phạm mạng 1,14 triệu đôla (hơn 26 tỷ đồng) để giải quyết vụ tấn công bằng mã độc tống tiền. Phía nhà trường cho biết, nhóm hacker đã mã hóa dữ liệu trên các máy chủ trong khoa Y của trường.
Trung tâm y tế của UCSF.
Nhóm hacker lần này có vẻ rất “cao tay”, và nhà trường đang phải làm việc với những công ty về an ninh mạng mà cũng chỉ hy vọng có thể “sớm” phục hồi những máy chủ bị đánh sập.
Nhà trường đã đưa ra thông báo: “Những dữ liệu bị hacker mã hóa là rất quan trọng đối với một số công việc học thuật mà chúng tôi theo đuổi để phục vụ lợi ích cộng đồng. Do đó, chúng tôi đành phải đưa ra quyết định khó khăn là trả một phần của khoản tiền chuộc”.
Nhóm hacker cao tay đã tấn công các máy chủ và chiếm dữ liệu.
Vụ xâm nhập được phát hiện ra vào đầu tháng này, và dù UCSF đã chặn được giữa chừng, nhưng nhóm hacker vẫn giành được và tiết lộ một số dữ liệu, khiến UCSF đành xuống nước, tham gia thảo luận về tiền chuộc. Tiếp theo đó là trả khoản tiền hơn 26 tỷ đồng nói trên.
Để đổi lại, nhóm hacker đã cho UCSF mã số để có thể truy cập vào các file và trả cho nhà trường bản sao của các văn bản bị đánh cắp. Tuy nhiên, nhà trường từ chối công bố rằng trong các file và văn bản này chứa thông tin gì mà có giá trị đến hơn 1 triệu đôla như vậy.
Vụ tấn công đòi tiền chuộc này khiến nhiều người lo lắng, vì UCSF là một trong những tổ chức hàng đầu nghiên cứu về COVID-19.
Thông tin về vụ tấn công này của hacker khiến nhiều người rất lo lắng, bởi các nhà nghiên cứu ở UCSF nằm trong số những đội nghiên cứu hàng đầu về kháng thể liên quan đến COVID-19. Tuy nhiên, UCSF đã khẳng định rằng vụ tấn công không gây hại gì cho công việc nghiên cứu, cũng không làm lộ dữ liệu của bệnh nhân.