Một vé cho điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tối qua, lễ bế mạc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF I) đã lần lượt xướng tên chủ nhân các giải thưởng. Không mấy ngạc nhiên, khi bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Việt Nam Hà Lệ Diễm đã vượt lên 11 bộ phim châu Á dự thi còn lại nhận giải Phim hay nhất cho Hạng mục Phim châu Á dự thi.

Và cũng không ngoài dự đoán, bộ phim trăm tỷ Nhà bà Nữ của Trấn Thành giành giải Phim hay nhất của hạng mục Phim Việt Nam dự thi

Ngót một tuần diễn ra sự kiện phim ảnh tầm cỡ châu lục lần đầu tiên, nhưng có vẻ cũng không đủ sức làm xáo trộn vẻ bình lặng của thành phố biển nhỏ nhắn Đà Nẵng. Ngoài hơn 12 ngàn vé xem phim miễn phí đã nhanh chóng có chủ.

Nhớ tại một hội thảo trong khuôn khổ LHP, sau khi vị lãnh đạo ngành văn hóa thể thao của Đà Nẵng giới thiệu về những sự kiện tầm quốc tế của thành phố, ông Stephen Jenner, Phó chủ tịch Truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đã tiếp lời “Tôi biết điều đó. Nhưng tôi nghĩ không có ngành nào của văn hóa có thể cạnh tranh được với điện ảnh”. Bởi công nghiệp điện ảnh đã tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ, thậm chí là trụ cột kinh tế của không ít địa phương, quốc gia.

Thực sự ai cũng có thể thấy sức mạnh kết nối và lan tỏa vô hạn vượt thời gian mà một bộ phim nổi tiếng đem lại. Và Đà Nẵng cũng không giấu tham vọng duy trì thường niên LHP này để tạo dựng thành một thương hiệu.

LHP quốc tế Đà Nẵng nếu duy trì tốt, thì khoảng bao nhiêu năm nữa có thể đạt tầm khu vực và thế giới? Hầu hết các quốc gia từ lâu đều đã có LHP quốc tế thường niên của mình. Dù vậy, những thương hiệu lớn vẫn chỉ đếm đầu ngón tay. Là những LHP Pusan (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), danh giá hơn là những Sundance, Berlin, Toronto, Venice, Cannes,…

Có thể nói vươn tới tầm đó là cực khó. Bởi không chỉ cần biết cách làm ra những bộ phim đẳng cấp, riêng lạ, mà song hành với đó đòi hỏi phải có một nền “công nghiệp phụ trợ” cho điện ảnh thật mạnh và hiện đại, thậm chí phải trở thành chiến lược của quốc gia, như với Hàn Quốc chẳng hạn. Chứ không phải “mạnh ai nấy bơi” như bây giờ.

Cho dù ở ta không thiếu những câu chuyện, những sự kiện-hoàn cảnh-nhân vật lịch sử khiến thế giới đặc biệt quan tâm. Nhớ gần 20 năm trước, ngồi cà phê với một đạo diễn nổi tiếng, tôi đã nghe anh nêu tên một số tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh", để khẳng định rằng hiện giờ chưa nên làm phim về những tác phẩm ấy, vì như thế "phí lắm". Sau ngần ấy năm, liệu thời cơ đã đến?

Thời đại số hóa, khái niệm “màn ảnh rộng” đã thay đổi. Nên việc thành lập Cộng đồng Điện ảnh châu Á Toàn cầu trên không gian mạng như đề xuất của các nhà sản xuất phim Nhật Bản tại LHP lần này, có vẻ thiếu tìm được tiếng nói chung từ các nền điện ảnh, nhưng nghĩ cho cùng đó là điều sẽ phải đến.

Trên chuyến tàu toàn cầu, điện ảnh Việt Nam đã được dành sẵn cho một vé. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì, và đi được đến ga nào?

MỚI - NÓNG