Nhớ hương vị quê nhà
Trải qua 3 mùa Tết xa nhà, Hương Giang (21 tuổi, du học tại Đức) còn nhớ như in khoảnh khắc ngồi bên mâm cơm cùng gia đình, được “hít hà” những món ăn do chính tay mẹ nấu hay những cuộc chuyện trò cười nói rôm rả. Giang cho rằng những hạnh phúc đơn giản đó khi đi xa mới thấy đáng trân quý biết bao: “Cuối năm tuyết rơi đầy trời, đôi khi nhiều ngày không thấy Mặt Trời đâu khiến mình nhớ những bữa ăn nóng hổi và cả thời tiết ấm áp ở quê nhà. Mùa thi sắp tới trùng với Tết Nguyên đán tại Việt Nam, một lần nữa mình lại lỡ hẹn”.
Hương Giang (bên phải) cùng bạn đi chợ Giáng sinh ở Đức. Ảnh: NVCC |
Tương tự Hương Giang, bạn Trà Tú (21 tuổi, sinh viên năm 3 Đại học Khoa học Ứng dụng Haaga-Helia, Phần Lan) cũng không tránh được nỗi nhớ nhà. Ở Việt Nam, Tú có nuôi một bé mèo. Bé mèo cũng giống như một người bạn của Tú nên khi sang Phần Lan, Tú cảm thấy nỗi nhớ như tăng lên gấp bội. Tú chia sẻ: “Không khí nhộn nhịp cuối năm làm mình nhớ mọi thành viên trong gia đình. Mỗi lúc như vậy, mình sẽ tìm những quán ăn Việt Nam để tìm lại hương vị quê nhà”.
Trà Tú (thứ 3 từ phải qua) và hội bạn đang tận hưởng mùa Đông ở Phần Lan. Ảnh: NVCC |
Đồng cảnh ngộ, Phương Khanh (du học sinh người Việt tại Canada) cũng từng nhiều đêm ngồi khóc một mình. Đặc biệt, du học cũng chính là lúc bạn bắt đầu yêu xa. Mặc dù sống cùng anh trai nhưng bạn ước được dịp về lại Việt Nam đón Giáng sinh cùng gia đình và người yêu. “Mình nhớ đồ ăn mẹ nấu, nhớ ba hay nuông chiều và nhớ người yêu đã bên cạnh mỗi khi cần tâm sự. Dù biết phải học cách trưởng thành nhưng mình ước được gần gia đình thay vì phải cách xa như vậy”, Khanh bộc bạch.
Khi nhiệt độ ngoài trời xuống đến âm độ, cái lạnh như “cấp số nhân” khiến nỗi nhớ nhà của Khanh càng mãnh liệt hơn. Ảnh: NVCC |
Hòa nhập để “xử lý” nỗi cô đơn
Từ đầu tháng 12, chợ đêm Giáng sinh truyền thống ở Đức đã bắt đầu tấp nập. Là một cô nàng hướng ngoại, không khó để Giang “bắt nhịp” với không khí nhộn nhịp nơi trời Tây. Gần hết một năm, chợ Giáng sinh này vẫn luôn là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong bạn.
Theo lời kể của Giang, mỗi lần đến phiên chợ thì ký ức Việt Nam liền ùa về. Cũng giống như chợ đêm ở quê nhà, người người thì nô nức, còn hàng ẩm thực vô vàn món ăn từ Á đến Âu thơm nức níu chân thực khách. Hình ảnh quen thuộc này vô tình tạo nên cảm giác ấm cúng khiến nỗi nhớ nhà trong bạn phần nào được xoa dịu mỗi khi đông đến.
Bên cạnh đó, với tính tình hòa đồng, Giang nhanh chóng tìm được hội bạn cho mình. “Giáng sinh và Tết Tây mình thường chọn ở nhà. Mình sẽ làm “host” pha trò cho hội bạn cũng xa gia đình giống mình. Chỉ đơn giản như vậy nhưng mình cảm thấy vui và đỡ nhớ nhà hơn”, Giang chia sẻ.
Chợ đêm truyền thống ở Đức vào những ngày cuối năm. Ảnh: NVCC |
Ở Phần Lan, trường học và nơi làm việc được nghỉ Giáng sinh nên Trà Tú thường cùng bạn tự mở tiệc tại nhà. "Giáng sinh ở đây tuyết nhiều lắm nên mình lười đi đây đi đó. Mình thích ở nhà với bạn, cùng nhau nấu ăn, chơi board game hoặc nếu cảm thấy quá lạnh thì chúng mình đi sauna (xông hơi)”.
Vào mùa Đông, người Phần Lan có truyền thống đi xông hơi. Đây là một loại hình văn hóa đã trở thành thói quen của họ vào những ngày giá lạnh. Từ lần đầu đặt chân đến đây, Trà Tú bị lôi cuốn bởi nét văn hóa độc đáo này. Vì vậy, sauna là gợi ý tuyệt vời không thể thiếu trong những ngày cuối năm của bạn.
Trà Tú cùng bạn bè mở tiệc tại nhà trong kỳ nghỉ đông. Ảnh: NVCC |
Còn Phương Khanh lại thích xuống phố cùng bạn bè. Mùa Đông ở Canada trùng với dịp “săn sale” lớn nhất năm nên nhà nhà thi nhau đổ ra đường dạo chơi hoặc mua sắm. Bất kì nơi nào được trang trí lung linh, nổi bật cũng đều thu hút mọi người đến check-in, chụp ảnh vô cùng náo nhiệt.
Do thời tiết khắc nghiệt và cuối năm trùng với dịp Giáng sinh nên người bản xứ thường có thói quen dùng đèn tông vàng để trang trí nhà cửa nhằm tạo cảm giác ấm cúng. Cũng chính thói quen này mà bạn cảm thấy ấm áp hơn mỗi khi Đông lại về.
Phương Khanh dạo chơi giữa trời tuyết rơi dày đặc. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, Khanh cũng bật mí để khép lại một năm cũ sao cho hoàn hảo, bạn sẽ lên kế hoạch để Giáng sinh năm nay trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn sau mùa thi học kỳ dài đằng đẵng.