Áp thấp nhiệt đới vượt qua đảo Luzon (Philippines) đã mạnh lên thành bão vào tối qua, tên quốc tế là Khanun. Sáng 13/10, bão vào biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 880 km, sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8), giật tăng hai cấp.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ngày và đêm 13/10 bão theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 10 - 15 km/h và mạnh thêm. Ngày 16/10, bão sẽ đổ bộ đảo Hải Nam (Trung Quốc) và hướng đến Việt Nam.
Bắc biển Đông hôm nay có mưa bão, gió mạnh dần từ cấp 7 đến 10, giật cấp 13. Biển động rất mạnh. Đài TSR của Đại học London (Anh) cũng dự báo bão đi vào đảo Hải Nam, sau đó chúc xuống phía Nam, hướng đến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Phạm vi ảnh hưởng của bão khá rộng, khắp Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh phía Tây như Yên Bái, Hòa Bình - những nơi đang chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt.
Dự báo xa của đài TSR, Đai học London.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, bão vào bắc biển Đông gặp không khí lạnh tràn xuống đêm 15/10 sẽ bị bẻ xuống phía tây.
"Dự kiến bão gây mưa vừa và mưa rất to ở các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Ngãi từ đêm 15 đến hết 18/10. Các tỉnh ở Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ có mừa vừa, một số nơi mưa to", ông Hải nhận định.
Ảnh mây vệ tinh của bão số 11 lúc hơn 9h ngày 13/10 cho thấy bão đã mạnh hơn so với khi còn ngoài khơi Philippines.
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các tỉnh thành và đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến bão Khanun, thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, diễn biến của bão; đồng thời kiểm tra các phương án ứng phó với mưa lũ, sạt lở.
Từ đầu năm đến nay, biển Đông đón 10 cơn bão và rất nhiều áp thấp nhiệt đới, nhiều cơn đổ bộ Việt Nam. Gần đây nhất ngày 15/9, bão Doksuri đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình làm 8 người chết, gần 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng. Nhiều huyện thị ở Hà Tĩnh, Quảng Bình bị mất điện một tuần liền.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to. Lũ sông lên cao làm hàng loạt đê điều, đập ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội gặp sự cố. Các tỉnh miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Thống kê đến sáng nay, có 54 người chết, 39 người mất tích. Con số này chưa dừng lại bởi nhiều khu vực đang bị mưa lũ chia cắt, chưa thể tiếp cận. Lũ vẫn còn đang hoành hành chưa dứt, bão đã chuẩn bị tiến vào, khiến cho cuộc sống của người dân những nơi này càng trở nên khổ cực và vất vả hơn bao giờ hết.
HOÀNG AN - Nguồn: Trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương