Bọn trẻ con trong xóm, trong làng chúng tôi dường như đứa nào cũng ghét cây sậy bởi chúng có những chiếc lá sắc lẹm, chỉ cần chạm nhẹ thôi là bị cứa đứt tay, chân, chảy cả máu. Ngay cả người lớn cũng không ưa gì loài cây dại luôn lan rộng xâm chiếm cả phần diện tích đất canh tác này. Thế nhưng, khi những đám sậy bước vào mùa trổ bông thì bọn trẻ chúng tôi lại rất yêu thích, bởi hầu như đứa trẻ nào lớn lên ở làng, trải qua quãng đời ấu thơ cũng có đầy ắp kỷ niệm gắn liền với các trò chơi cùng bông sậy.
Trò chơi phổ biến nhất với lũ trẻ chúng tôi của những buổi chiều đi chăn trâu, bò ngoài đồng ruộng, đó là cùng nhau tụ tập hái bông sậy, rồi tổ chức một cuộc thi xem đứa nào hái được nhiều bông sậy nhất. Trong đó, bông sậy to nhất, đẹp nhất sẽ được chọn làm… hoa hậu, với phần thưởng có khi chỉ là vài trái khế chua, củ khoai nướng, hay đôi khi chỉ là một nắm đậu phộng rang. Vậy mà trò này rất thu hút, vui nhộn, chúng tôi cứ chơi mê say.
Một trò khác gắn liền với bông sậy cũng rất khó quên, đó là trò đám cưới giả. Bọn trẻ chúng tôi thường chia thành hai nhóm, nhà trai và nhà gái. Dĩ nhiên không thể thiếu các nhân vật chính là cô dâu, chú rể. Ngoài các món ăn vặt trong trò đám cưới giả là: vài quả cóc chua, mấy chùm sung, ít quả bần hái vội bên kênh rạch… để chấm muối; thì sắc màu chủ đạo luôn phải có là các chùm bông sậy.
Bông sậy được hái, rồi tỉ mẩn đan kết thành vương miện đội trên đầu cho cô dâu. Bông sậy được buộc thành một bó lớn để chú rể ôm trao cho cô dâu lúc đi đón dâu. Ngay cả hoa dùng cài ngực áo của cô dâu chú rể cũng được chọn ngắt từ các nhánh bông sậy tươi nhất, đẹp nhất… Hình ảnh của những cô dâu, chú rể ôm bông sậy đi chân trần với nét hồn nhiên ngộ nghĩnh khiến tôi nhớ mãi. Bởi kỷ niệm ấy quá đẹp, quá nên thơ giữa một thời lam lũ bủa vây.
Nếu hôm nào chúng tôi chán bông sậy, cả bọn lại chuyển qua bẻ thân cây sậy làm ống hút và chơi trò thổi bong bóng xà bông. Trước khi lùa trâu bò ra đồng, một đứa nào đó trong nhóm phải thủ sẵn một con dao nhỏ để cứa thân sậy và làm ống thổi. Chúng tôi cũng phân công một đứa nào đó mang theo chút xà bông cục, hoặc ít xà bông bột.
Ra đồng, sau khi để lũ trâu, bò tự do gặm cỏ, bọn chúng tôi túm lại bẻ sậy làm ống thổi và hòa xà bông cho chúng tan thành nước. Từng đàn bong bóng to nhỏ khác nhau, với đa sắc màu hồng, tím, xanh nối đuôi nhau tuôn ra theo ống thổi bay lên trời cao, theo gió cuốn. Bọn chúng tôi thi xem đứa nào thổi mỗi lần được nhiều bong bóng nhất, và cái nào bay được cao nhất, lâu bị vỡ nhất…
Khi thời tiết chuyển hẳn sang mùa khô, cũng là khi những bông hoa sậy đã già, bắt đầu vào thời kỳ kết hạt, bọn trẻ chúng tôi hầu như không còn chơi các trò chơi gắn liền với bông sậy nữa. Lúc này, song hành với các buổi lùa trâu, bò ra đồng ăn, hầu như đứa nào cũng được cha mẹ giao phó thêm cho một nhiệm vụ là cắt bông sậy.
Những bông sậy già thường nhà nào cũng để dành bó chổi dùng quét nhà dần, nếu nhiều thì mang bán cho những hộ có nhu cầu nhưng không có người đi cắt cho. Khi đó sậy mọc bạt ngàn, tràn lan, ra ngõ, ra đồng là bắt gặp, vì thế chủ yếu bông sậy được bán giá rẻ cho thương lái mang đi tiêu thụ tại những tỉnh xa…
Thời gian trôi đi quá nhanh, bọn trẻ đồng trang lứa với tôi nơi làng quê lam lũ, lúc nào cũng lấm lem bùn đất sau những buổi ra đồng bây giờ đã lớn khôn. Nhưng bao giờ cũng vậy, hễ cứ nhìn thấy những đám sậy hoang bước vào mùa trổ bông, là tất cả chúng tôi lại nôn nao hoài nhớ về một thời tuổi thơ với những kỷ niệm khó phai mờ…