“Định vị” ngành Multimedia
Ngành Truyền thông đa phương tiện (Multimedia) là ngành được tích hợp kiến thức giữa Báo chí truyền thông và Công nghệ thông tin. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, hầu hết các sản phẩm truyền thông như quảng cáo, truyền hình, Internet cho đến giải trí hiện đại như game, điện ảnh, hoạt hình… chúng ta sử dụng hằng ngày đều là sản phẩm của ngành Truyền thông đa phương tiện. Đây cũng là nền tảng quan trọng phục vụ các lĩnh vực Marketing, truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí.
Truyền thông đa phương tiện hiện là đích đến của nhiều bạn trẻ Gen Z. Ảnh: Internet |
Tại Việt Nam, ngành học này được đào tạo tại các trường:
- Học viện Báo chí & Tuyên truyền
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cơ sở phía Nam
- Đại học FPT
- Đại học Hà Nội
- Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Đại học quốc tế Swinburne Việt Nam
Ngành học thời thượng của thế hệ Z
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân từng đề cập thế hệ Z ngày nay được sinh ra trong thế giới biến động, bất định và cực kỳ phức tạp. Điều này đòi hỏi người trẻ phải có khả năng thích ứng, linh hoạt để giải quyết khó khăn và nắm bắt cơ hội trong thế giới mới.
Được xem là nút giao giữa công nghệ thông tin và truyền thông, thiết kế, xây dựng… Truyền thông đa phương tiện cũng được đánh giá là ngành học có cơ hội nghề nghiệp đa dạng cũng như mức thu nhập luôn nằm ở top đầu. Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, nếu sở hữu khả năng sáng tạo tốt, mức lương có thể lên đến hơn 1000 USD/ tháng.
Theo chia sẻ của TS. Hoàng Việt Hà (Giám đốc ĐH Công nghệ Swinburne Việt Nam), các bạn trẻ thuộc thế hệ Z đang có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận tri thức. Thế giới gần như bé lại với nguồn thông tin khổng lồ, giúp các bạn dễ dàng xác định được thứ mình thích. Tuy nhiên khi lượng thông tin là quá lớn, rất nhiều bạn trẻ sẽ dễ bị choáng ngợp và lệch hướng.
Cùng với sự phát triển của chuyển đổi số, công nghệ 4.0, Multimedia dần bộc lộ thế mạnh của mình. Ảnh minh họa từ Internet |
Chính vì thế, Multimedia lại càng đóng vị trí quan trọng. Ngày nay, truyền thông không chỉ qua kênh báo chí, sự kiện, quảng cáo mà còn phát triển đa phương tiện với các kênh truyền thông xã hội. Truyền thông đã được đặt vào vị trí trung tâm trong mọi quan hệ với khách hàng. Hành vi của người dùng đã thay đổi rất nhiều với sự phát triển của công nghệ.
Và những “nỗi khổ” không biết tỏ cùng ai
Số liệu dẫn chứng trong báo cáo Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019. Theo đó, học sinh Việt Nam xếp hàng đầu trên thế giới, tuy nhiên sau khi học đại học, kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp của sinh viên Việt Nam lại thuộc hàng thấp nhất thế giới. Kỹ năng này chỉ xếp thứ 123, thấp hơn cả Lào và Campuchia.
Sở hữu cơ hội việc làm đa dạng, mức thu nhập “như mơ”, nhưng Truyền thông đa phương tiện cũng là một ngành học có nhiều thử thách, với những “nỗi khổ” chẳng biết tỏ cùng ai. Không chỉ đòi hỏi điểm đầu vào cao (27 điểm cho khối D01 đối với trường Khoa học Xã hội và Nhân văn), bạn trẻ còn phải sở hữu nhiều những khả năng khác nếu muốn thành công trong lĩnh vực này.
Bạn đã sẵn sàng để trở thành Công dân toàn cầu của thế kỷ 21 chưa? Ảnh minh họa từ Internet |
Yếu tố không thể thiếu đó chính là khả năng sáng tạo. Theo chia sẻ của bạn Quỳnh Như (Đại học HUTECH, TP.HCM), thần chú của ngành học này chính là: “Sáng tạo, sáng tạo nữa, sáng tạo mãi…” để cho ra đời những sản phẩm (dù ở lĩnh vực nào) đánh "trúng" thị hiếu của khách hàng, tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp mà mình đầu quân.
Khả năng "bắt trend", nắm bắt xu hướng mới cũng là một yêu cầu của ngành học này. |
“Đa phương tiện” còn có nghĩa là các bạn sẽ phải học nhiều thứ, trở thành những người “đa-zi-năng”, làm chủ được nhiều sân chơi của thế giới truyền thông rộng lớn và cạnh tranh. Và một trong những khả năng khác của “người chơi hệ multimedia” chính là sự nhạy bén, nắm bắt được những thay đổi của môi trường xung quanh, để có thể tận dụng tốt nhất nguồn lợi xung quanh mình.