Heo con được chủ mua từ người Raglai mang về chăm sóc, huấn luyện 6 tháng trước khi đưa vào trường đua. Trong thời gian huấn luyện đua heo, người huấn luyện gặp khá nhiều khó khăn vì heo bất tuân mệnh lệnh.
Để heo thuần thục đua, người huấn luyện tập chạy trên trường đua cho từng con một. Thức ăn được đặt nhiều vị trí trên đường đua và ở vị trí về đích để heo vừa tập chạy, vừa ăn. Heo Raglai được 2,5 tháng tuổi thì đưa vào huấn luyện.
Hiện có 14 con heo rừng Raglai đang được đưa vào trường đua, với mỗi lượt đua là 7 con. Trong đó con '"già dặn" nhất là hơn 5 tuổi, "trẻ" nhất là 8 tháng.
"Heo tham gia trường đua có đặc điểm là mỏ dài, lông đen cứng, là giống heo rừng lai của người Raglai", anh Anh Dũng, một người tham gia huấn luyện heo cho hay.
Nói nguồn gốc đua heo xưa, anh Nguyễn Ngọc Khuê, một người huấn luyện lâu năm ở trường đua cho biết, trước đây người đồng bào Raglai có phong tục là cúng Yang (trời) vào đầu năm mới. Để có heo tốt cúng Yang, người Raglai thường lựa chọn những con đầy sức sống, khỏe mạnh nhất.
"Họ sẽ lùa một bầy heo ra, để thức ăn thật xa rồi cho bầy heo chạy đua. Con heo nào chạy về đích trước thì được chọn để cúng Yang", anh Khuê nói.
Lấy ý tưởng đó, đua heo Raglai đã được phục hồi và đưa vào phục vụ người dân và du khách ở miền Tây huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa trong thời gian qua.
Trường đua heo "độc nhất vô nhị" này thu hút khá đông người xem, mang lại tiếng cười rộn rã sau những giờ làm việc căng thẳng, phù hợp cho những ai muốn khám phá núi rừng, tìm một chút hương vị, không gian từ núi rừng.
Dưới đây là chùm ảnh trường đua heo "độc nhất vô nhị" ở Khánh Hòa: