Muốn an toàn trên mạng, bạn nên ngừng ngay và luôn 7 việc này!

Muốn an toàn trên mạng, bạn nên ngừng ngay và luôn 7 việc này!
HHT - Khi người người đều online, thì bạn sẽ thấy việc chia sẻ trên mạng là rất bình thường. Tuy nhiên, hãy thận trọng vì bạn không bao giờ biết được rằng mình đang chia sẻ những gì với những người hoàn toàn xa lạ.

Những người lạ có thể nghe/ đọc những cuộc trò chuyện riêng của bạn, biết được các mật khẩu của bạn, thậm chí kiểm soát những tài khoản trên mạng của bạn. Vậy thì, đây là danh sách 7 thói quen mà bạn nên bỏ ngay để giữ an toàn cho "con người kỹ thuật số" của mình nhé:

1. Đừng gửi bất kỳ thông tin nhạy cảm nào qua wifi công cộng

Nếu bạn không muốn cả thế giới biết, thì đừng chia sẻ qua wifi công cộng. Chẳng hạn, nếu bạn đang dùng wifi của quán café, hoặc ở sân bay, hãy cố tránh sử dụng những thông tin cá nhân, như tài khoản ngân hàng, hoặc chia sẻ những vấn đề riêng tư qua email hoặc mạng xã hội. Việc ai đó chặn được dữ liệu mà bạn đang chuyển từ máy mình khi dùng wifi công cộng là không hề khó, như thế tức là bạn có khả năng chuyển những thông tin quan trọng của mình tới "sai địa chỉ".

Mạng wifi công cộng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

2. Đừng kết nối với những mạng wifi lạ

Máy bạn bắt được mạng wifi mở, không mật khẩu, chẳng biết từ đâu. Chà, nghe thật tuyệt, nhưng dừng lại ngay nhé! Nếu bạn không chắc mạng wifi đó của ai, thì đừng vội kết nối bừa như vậy. Việc các tội phạm công nghệ lập nên những cổng wifi ở những nơi đông đúc không phải là hiếm đâu.

Nếu bạn định kết nối vào một mạng wifi lạ và miễn phí, hãy nghĩ lại.

3. Đừng chia sẻ số điện thoại của bạn

Hầu hết mọi người đều đã đủ cảnh giác với chuyện này, nhưng thỉnh thoảng, bạn vẫn thấy những dòng cập nhật trên Facebook: "Mọi người ơi, tớ đổi số, số mới của tớ nè:…". Đây là một trong những cách nhanh nhất để gửi số điện thoại của bạn cho những người quen, nhưng nó cũng: 1. Dễ bị bỏ qua, vì không phải ai cũng xem mạng xã hội liên tục, và 2. Cũng dễ bị đọc được bởi những người lạ, những người bạn của bạn bè, những công ty quảng cáo…

Đừng chia sẻ số điện thoại của bạn.

4. Đừng chia sẻ những kế hoạch về kỳ nghỉ hoặc hoạt động của mình trên mạng xã hội

Chia sẻ rằng thứ Bảy tới, mình sẽ đi chơi cả ngày ở công viên nào đó ở ngoại thành có thể là ý tưởng hay nếu bạn hy vọng rủ thêm được nhiều bạn bè, nhưng lại không phải là ý hay cho sự an toàn cá nhân và gia đình bạn. Thứ nhất, bạn đang "phát sóng" rằng vào thời điểm nhất định nào đó, bạn sẽ ở đâu - điều này là nguy hiểm nếu có ai đó muốn tìm bạn vì mục đích không tốt. Thứ hai, bạn đang chia sẻ rằng bạn không có ở nhà, làm nảy sinh nguy cơ là có những người có ý xấu (lừa đảo chẳng hạn) sẽ đến nhà bạn.

Bạn không nhất thiết phải nói rõ về kế hoạch đi chơi của mình trên mạng xã hội.

5. Đừng chia sẻ ảnh của người thân, bạn bè, đặc biệt là trẻ em, kèm theo tên thật

Rất nhiều người thích đăng ảnh của người thân, bạn bè, các em bé trong gia đình lên mạng. Nếu làm vậy, bạn có thể thấy vui, nhưng những người trong ảnh thì chưa chắc. Đặc biệt, việc đăng ảnh các thành viên nhí trong gia đình kèm theo tên thật còn là mối nguy hiểm cho các em nhỏ nữa, bởi bạn không thể biết những thông tin đó có thể được đi xa đến đâu và lọt vào tay những người như thế nào.

Rất nhiều người không thoải mái với việc bị người khác chia sẻ ảnh của họ lên mạng xã hội.

6. Đừng: chia sẻ những thông tin riêng tư khác trên mạng xã hội

Nói chuyện về thú cưng của mình trên Twitter hay Instagram có vẻ chẳng hại gì, nhưng nếu tên "Milu" của cún cưng cũng là một phần trong mật khẩu hộp thư của bạn, thì bạn không nên chia sẻ điều đó với cả thế giới. Việc này tưởng như rất rõ ràng, nhưng đôi khi bạn mải nói chuyện trên mạng và chẳng may lại buột ra ("tớ yêu nó đến mức độ còn đặt mật khẩu là "Miluyeudau" đấy!"). Bạn cũng không nên cho biết địa chỉ nhà hay bất kỳ thông tin gì mang tính cá nhân của bạn ở trên mạng xã hội - nó có thể giúp ai đó giả vờ là bạn và làm những việc không tốt thì sao?

Tốt nhất là bạn không chia sẻ thông tin riêng tư, cá nhân nào lên các mạng xã hội cả.

7. Nên bật chế độ xác thực hai nhân tố (Two-Factor Authentication)

Việc này có thể hơi bất tiện, nhưng bảo mật hai tầng là cách tốt nhất và dễ nhất để giữ an toàn cho các tài khoản trên mạng của bạn. Với việc xác thực hai lần này, khi bạn đăng nhập vào một tài khoản từ một thiết bị mới hoặc lạ, thì dịch vụ mà bạn đăng nhập sẽ gửi bạn một email hoặc tin nhắn kèm theo mật mã mà bạn sẽ phải nhập tiếp vào, ngoài mật khẩu bình thường của bạn. Vì vậy, nếu có ai đó hack tài khoản của bạn, thì đây là cách rất nhanh để chặn đứng cuộc tấn công. Bạn nên đặt chế độ xác thực hai nhân tố cho TẤT CẢ mọi thứ: Gmail, Twitter, Facebook, Microsoft…, đặc biệt là những tài khoản nào có lưu những thông tin ngân hàng, thẻ tín dụng… của bạn nhé.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm