Mỹ chuẩn bị cho bầu cử giữa kỳ bằng kính chống đạn, nút khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi cử tri ở hạt Jefferson, bang Colorado, đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11, họ sẽ nhìn thấy lực lượng an ninh đứng gác bên ngoài mỗi điểm bầu cử.
Mỹ chuẩn bị cho bầu cử giữa kỳ bằng kính chống đạn, nút khẩn cấp ảnh 1

Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11. (Ảnh: Reuters)

Tại một văn phòng bầu cử ở Flagstaff, bang Arizona, cử tri sẽ thấy kính chống đạn và phải bấm nút gọi mới có thể vào trong. Tại Tallahassee, bang Florida, các nhân viên bầu cử sẽ đếm phiếu trong một toà nhà với những bức tường được gia cố bằng sợi Kevlar siêu bền.

Trước những mối đe doạ và hành vi đáng sợ của những người theo thuyết âm mưu, cũng như của lực lượng cử tri thất vọng với thất bại của cựu Tổng thống Donald Trump năm 2020, các quan chức Mỹ đang tăng cường chuẩn bị cho một mùa bầu cử đầy chia rẽ nữa.

Một khảo sát của Reuters tại 30 văn phòng bầu cử cho thấy 15 trong số đó đã tăng cường an ninh theo những cách khác nhau, từ lắp nút ấn khẩn cấp đến thuê thêm bảo vệ hay triển khai huấn luyện xử lý nổ súng và giảm leo thang.

Khảo sát của Reuters tập trung tại các các bang chiến trường và những văn phòng luôn yêu cầu phải tăng cường an ninh.

Các quan chức phụ trách bầu cử trên khắp nước Mỹ cho biết họ đang phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng thực thi pháp luật địa phương để phản ứng nhanh hơn với bất kỳ lộn xộn nào. Nhiều điểm còn đào tạo nhân viên phương pháp xử lý xung đột và ẩn náu nếu kẻ nổ súng xuất hiện.

Cho đến mãi gần đây, những mối đe dọa như vậy vẫn chỉ là giả thuyết, vì bạo lực ít xảy ra trong các cuộc bầu cử Mỹ từ những năm 1960, khi sự hiện diện của lực lượng vũ trang đôi chỉ để đe dọa, thay vì bảo vệ, các cử tri da màu.

Giờ đây, những mối đe doạ như vậy trở nên hiện hữu, Tammy Patrick, một cố vấn cấp cao tại Quỹ Dân chủ, một nhóm cộng đồng phi đảng phái, nhận định.

“Khả năng bạo lực xảy ra chắc chắn ngày càng cao, nên mọi người đều ghi nhớ điều đó”, bà nói.

Các quan chức bầu cử tại 12 bang cho biết họ chưa nhận đủ tiền để tăng cường an ninh như mong muốn, do những thủ tục quan liêu.

Aaron Ammons, một quan chức bầu cử ở hạt Champaign, bang Illinois, cho biết ông muốn lắp thiết bị phát hiện kim loại ở văn phòng, vì nhiều người đến đây quay phim và không gian được bố trí theo cách khiến ông cảm thấy bị đe doạ.

“Nó khiến chúng tôi cảm thấy mình trở thành mục tiêu, chứ không phải được ưu tiên như những người mặc đồng phục khác. Chúng tôi cũng là những người đang ở tiền tuyến của nền dân chủ”, Ammons nói.

Tháng 8 vừa qua, Ammons có cuộc điều trần trước Quốc hội về việc ông và vợ nhận được những tin nhắn nặc danh đe dọa con gái họ trước cuộc bầu cử năm 2020. Ông nói rằng gần đây ông thấy ai đó quay phim nhà mình.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã điều tra hơn 1.000 tin nhắn gửi đến các nhân viên bầu cử từ năm 2020, trong đó hơn 100 tin có thể dẫn đến việc phải triển khai biện pháp bảo vệ.

Cứ 5 viên chức bầu cử Mỹ thì có 1 người cho biết họ có thể không tiếp tục công việc cho đến năm 2024, khi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo diễn ra, theo kết quả khảo sát mà Trung tâm Brennan vì công lý công bố hồi tháng 3. Những lý do họ nêu ra là căng thẳng, tấn công từ các chính trị gia và chờ nghỉ hưu.

Philadelphia tăng lương cho nhân viên bầu cử từ 120USD lên 250USD/ngày để giữ chân những người muốn bỏ việc vì sợ đe doạ.

Nhiều viên chức bầu cử cho rằng tình trạng phát tán thông tin sai lệch, như cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về gian lận bầu cử năm 2020, khiến những lời đe doạ tăng vọt.

Justin Roebuck, thư ký của đảng Cộng hoà ở địa hạt Ottawa, bang Michigan, nói rằng những lời hùng biện của ông Trump “thực sự giống như thả thuốc độc xuống giếng”, khiến những ứng viên khác cũng nghi ngờ quy trình bầu cử.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG