Năm học mới, “giắt túi” ngay những bảo bối chống stress này bạn nhé!

Năm học mới, “giắt túi” ngay những bảo bối chống stress này bạn nhé!
HHT - Nếu thế hệ X và Y đối mặt với vấn đề bùng phát căn bệnh thế kỷ AIDS, nạn đói, chiến tranh thì đến thế hệ Z, chúng ta đang đối mặt với vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và sức khoẻ tinh thần không được chăm sóc.

Thật may mắn, đây là lúc các sản phẩm công nghệ “vào cuộc” để từng bước giúp đỡ sức khoẻ tinh thần khi người trẻ đang loay hoay tìm kiếm người lắng nghe. 

Thế hệ “Therapy generation” 

Nền kinh tế phát triển giúp đời sống vật chất được cải thiện và người trẻ bắt đầu chú ý hơn đến sức khoẻ tinh thần so với các thế hệ trước. Nó đó không có nghĩa là chúng ta đang trở nên “yếu đuối” so với thế hệ trước. Cái tên Therapy generation (Thế hệ trị liệu tâm lý) thật ra không phải là cách gọi tiêu cực khi nói về gen Z. Điều đó chỉ thể hiện đây là thế hệ quan tâm hơn tới thế giới bên trong thôi.

Năm học mới, “giắt túi” ngay những bảo bối chống stress này bạn nhé! ảnh 1

Dù được gán cho cái tên Therapy generation, việc điều trị tâm lý vẫn còn khó khăn và bị “kì thị”. Chỉ riêng khó khăn trong việc tìm bác sĩ tham vấn thích hợp cho đến chi phí đắt đỏ để điều trị đã ngăn cản người trẻ đối mặt với vấn đề của họ. Tuy vậy, vấn đề nảy sinh thì cũng là lúc giải pháp ra đời. Các app, website hỗ trợ người trẻ tìm đến liệu pháp tâm lý online miễn phí đang bước đầu giúp đỡ và giúp các bạn tự tin tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn. 

App “trị liệu”, website “lắng nghe” hoạt động như thế nào

Những “công cụ giúp đỡ” được chia làm hai loại, một loại được lập trình sẵn và loại thứ hai là tương tác với người thật. Loại được lập trình sẵn sẽ bao gồm những app mức độ “nhẹ nhàng” như thiền định, tạo động lực… Những công cụ này hướng dẫn bạn những bài tập nhỏ giúp “chữa lành” tâm hồn chẳng khác gì đi đến các lớp học mà chẳng tốn một xu nào!  Một số app bạn có thể tham khảo như: ThinkUp, Fabulous, The Mindfulness, Calm, 10% Happier…

“Công cụ giúp đỡ” thuộc dạng thứ hai sẽ phức tạp hơn. Bạn được tương tác trực tiếp với chuyên gia về tâm lý. Họ sẽ lắng nghe cũng như cố gắng giúp bạn giải quyết vấn đề nếu cần. Thông tin của bạn cũng hoàn toàn được bảo mật.

Ngoài ra, chính bạn cũng có thể đăng kí trở thành “người lắng nghe” để giúp những người khác đang gặp vấn đề giống mình. Đương nhiên bạn sẽ phải trải qua khoá đào tạo ngắn cách lắng nghe trước khi bắt đầu giúp đỡ người khác. Một số website hoặc app trong phân loại này bạn có thể tham khảo là: 7cups, E-counseling, Betterhelp…

Năm học mới, “giắt túi” ngay những bảo bối chống stress này bạn nhé! ảnh 2

Liệu pháp “online” có thực sự hiệu quả?

Dù tiện lợi nhưng bạn cũng cần biết rằng, liệu pháp online hoạt động theo phương pháp “lắng nghe” chứ không phải “hoàn toàn thấu hiểu”. Liệu pháp online là bước đầu giúp bạn đối mặt với những vấn đề tâm lý. Ngoài ra, nó giúp bạn mở lòng hơn và giảm thiểu sự thiếu an toàn khi chia sẻ vấn đề bản thân với người khác. Như đã nói các app, website này xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản của tham vấn tâm lý nên chỉ giải quyết được những câu chuyện “bề nổi”. Việc điều trị bệnh tâm lý rất phức tạp nên không thể phụ thuộc hoàn toàn vào những công cụ trên để chữa bệnh.

Các app, website, phần mềm phần lớn đảm nhận nhiệm vụ lắng nghe vì đôi khi tất cả mọi người không thật sự quan tâm các vấn đề của nhau. Nhiều người chỉ chờ đến lượt bản thân được nói và điều này có thể tạo ra cảm giác bạn thấy bản thân mình không quan trọng.

Thế nhưng, liệp pháp online chỉ dừng ở “công tác” đó. Nếu bạn tiếp tục thấy bản thân không ổn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Hãy đến các phòng khám tâm lý từ bệnh viện lớn. Giá tiền tham vấn dao động từ 200.000 đồng trở lên tuỳ vào bác sĩ và bệnh viện khác nhau. 

Không có gì xấu hổ khi đi tìm sự hỗ trợ y tế cho bản thân cả. Và nếu chúng ta không thật sự mắc bệnh thì cũng không sao. Điều này nghĩa là sức khoẻ tâm lý chúng ta mạnh khoẻ nhưng cuộc sống đang quá áp lực và chính bản thân cần sắp xếp lại sự cân bằng của mình. 

Năm học mới, “giắt túi” ngay những bảo bối chống stress này bạn nhé! ảnh 3

“Instagram therapist” - trị liệu bằng các phương tiện social media        

Ngoài những công cụ hỗ trợ tâm lý như đã kể thì hiện tại còn đang dần xuất hiện một dạng trị liệu mới trên Instagram. Những người sở hữu những tài khoản này rất giống những người nổi tiếng mang tầm ảnh hưởng (Influencer) nhưng thay vì quảng cáo các sản phẩm thì họ đem đến những câu chuyện trị liệu cho mọi người. Họ được gọi là Instagram therapist và hiện tại ở Việt Nam chưa thật sự có người nào làm việc ở mảng này. 

Các Instagram therapist chủ yếu hướng dẫn mọi người cách giải toả năng lượng bên trong. Một trong những mảng nổi tiếng chính được đánh mạnh là mảng “thơ trị liệu” và “bài tập trị liệu” hàng ngày. Các bạn có thể tham khảo nhà văn/ nhà trị liệu Lisa Olivera với tài khoản @lisaoliveratherapy để hiểu hơn công việc này. Ngoài ra, nhà thơ nữ nổi tiếng Rupi Kaur với tác phẩm thơ nổi tiếng Milk and Honey cũng sử dụng những bài thơ của mình đăng tải trên mạng xã hội để giúp mọi người hướng vào năng lượng bên trong. 

Có rất nhiều cách và sự giúp đỡ xung quanh chúng ta. Nếu cần, đừng ngần ngại tìm kiếm chúng và chấp nhận sự hỗ trợ. Bạn thật sự quan trọng hơn bạn suy nghĩ đó!

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm