Nam sinh viên ‘Cụt yêu đời’: Phải tự đi trên con đường của mình

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Là một trong những đại biểu tham dự Đại hội Hội Sinh viên TP. HCM, nam sinh Nguyễn Ngọc Nhứt (1999), với biệt danh “Cụt yêu đời” là một tấm gương truyền cảm hứng bởi nghị lực vượt lên nghịch cảnh, bắt đầu lại lần nữa với đôi tay khiếm khuyết.

Biến cố bất ngờ năm 16 tuổi

Biến cố bất ngờ ập đến năm anh 16 tuổi, vào một buổi sáng đi đến công trình làm việc. Sau cơn mưa nhỏ vừa tạnh, khi đang cùng hai người thợ lợp tôn cho mái nhà cách đường điện trung thế khoảng 3 mét, Nhứt bị điện giật rơi từ trên cao xuống.

Cảm nhận trọn vẹn nỗi đau bị điện giật và va chạm ngay cả lúc rơi xuống trong trạng thái tinh thần còn tỉnh táo, Nhứt cũng không biết đây là may mắn hay xui rủi. Trên đường đến bệnh viện, anh thốt lên trong vô thức với bạn của mình rằng “Đời tao xong rồi bây ơi!”.

Nam sinh viên ‘Cụt yêu đời’: Phải tự đi trên con đường của mình ảnh 1
Nguyễn Ngọc Nhứt là một trong 62 đại biểu tham dự Đại hội Hội Sinh viên TP. HCM lần thứ VII. (Ảnh: NVCC).

Thời điểm đó, do chưa đủ kiến thức nên Ngọc Nhứt không rõ ràng về mức độ nghiêm trọng khi bị điện ba pha giật. Đến khi bị vỡ mạch máu tay trái, xém chết lần hai do nơi ở xa phòng phẫu thuật mà lại mất máu quá nhiều, anh mới vỡ lẽ về tình trạng của bản thân. Sau khi chuyển viện lần hai, Nhứt tiến hành phẫu thuật cắt bỏ chi trái. Ca phẫu thuật diễn ra ngay cả khi anh và bác sĩ không biết phải cắt bỏ đến đâu vì phải tiến hành ca mổ để xem tình trạng hoại tử.

“Không còn cách nào sao bác sĩ?”, chàng trai chưa đủ 18 tuổi lúc ấy chỉ biết run rẩy tìm kiếm hy vọng cuối cùng trong sự hụt hẫng.

Nam sinh viên ‘Cụt yêu đời’: Phải tự đi trên con đường của mình ảnh 2
Nguyễn Ngọc Nhứt là sinh viên năm cuối, ngành Marketing, trường ĐH Công nghệ TP. HCM. (Ảnh: NVCC).

Trải qua hơn 5 - 6 cuộc phẫu thuật sau khi chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy để cứu chữa tay phải, Ngọc Nhứt trở nên sợ hãi mỗi khi nhìn vào vết thương. Thay rửa vết thương trở thành nỗi ám ảnh của anh lúc bấy giờ, bởi vì quá đau đớn và ghê sợ với hình ảnh cánh tay chỉ còn là xương.

“Điều mình lo sợ nhất lúc đó là không biết cuộc sống về sau phải làm thế nào. Mình chỉ biết tự an ủi bản thân rằng, mình còn một tay, chắc sau này vẫn có thể làm nghề được”, Nhứt tâm sự.

Nhưng phép màu đã không xảy ra. Sau nhiều lần chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần nhưng tình trạng vẫn không khá hơn, Nhứt ngỏ lời với bố mẹ để bác sĩ cắt bỏ luôn tay phải của mình.

Cú sốc sau tai nạn khiến Nguyễn Ngọc Nhứt tự trách nặng nề, bởi vốn trước đó, anh đã kịch liệt cãi lời bố mẹ, quyết định nghỉ học phụ giúp gia đình, để mẹ anh không cần đi làm tha hương nữa. Nhưng trớ trêu thay, biến cố bất ngờ đã biến mong muốn giúp đỡ trở thành nguyên nhân khiến anh trở thành như hiện tại.

Quyết định đi học lại đầy táo bạo

Trong 2 năm đầu sau phẫu thuật cắt bỏ hai tay, Nhứt loay hoay với cơ thể mới của mình, không biết thích nghi thế nào, không chấp nhận được sự thật, thậm chí tự nhốt mình trong nhà không tiếp xúc với cả những người bạn thân nhất. Từ một người con trai khỏe mạnh, Nhứt phải đứng nhìn bố mẹ làm việc vất vả giữa trưa nắng nóng nhưng không thể làm gì cả. Nhìn vào đôi tay của mình, Nhứt cảm thấy bất lực tột độ. Những khoảnh khắc quá đỗi bình thường ấy đã trở thành nỗi ám ảnh với chàng trai đang trong độ trưởng thành lúc bấy giờ và khiến anh có động lực thay đổi mạnh mẽ.

Ngọc Nhứt bắt đầu lên mạng tìm những trường hợp giống mình để xem cuộc sống họ thế nào. Nhìn những người có cùng cảnh ngộ với mình vẫn sống tốt, Nhứt bắt đầu có lòng tin rằng mình sẽ làm được. Mặt khác, anh không chấp nhận cuộc đời còn lại của mình sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Chàng trai sớm tự lập năm ấy hiểu được gia đình không có trách nhiệm với cuộc đời của anh và một ngày nào đó, họ sẽ phải rời đi. Từ đó, Nguyễn Ngọc Nhứt dần tìm cách tự chăm sóc cho mình, tập lại mọi thứ như một đứa trẻ bằng đôi tay mới.

Nam sinh viên ‘Cụt yêu đời’: Phải tự đi trên con đường của mình ảnh 3
Ngọc Nhứt tự học cách chăm sóc bản thân và sinh hoạt như người bình thường. (Ảnh: NVCC).

Nhiều trường hợp không thể chấp nhận bản thân trở thành người khiếm khuyết và tìm mọi cách để lấy lại đôi tay, bản thân Nhứt đã từng là một trường hợp như vậy. Khoảng thời gian đầu chung sống với cơ thể mới, Nguyễn Ngọc Nhứt không chấp nhận được mình đã mất đi đôi tay, anh cố tìm cách như làm tay giả, thậm chí đã nghĩ đến việc nối tay thật. Nhưng sau cùng, anh nhận ra chính việc không thể chấp nhận mới càng làm anh lún sâu vào vũng lầy đau khổ.

“Không nên cố thay đổi những việc không thể thay đổi. Có những việc có thể thay đổi nhưng những việc mình không thể thay đổi thì nên học cách chấp nhận và tìm cách giải quyết”, Nguyễn Ngọc Nhứt chia sẻ về cách anh đã đối mặt và vượt lên chính mình.

Nam sinh viên ‘Cụt yêu đời’: Phải tự đi trên con đường của mình ảnh 4
Nguyễn Ngọc Nhứt trở thành đại sứ truyền thông cho chiến dịch tình nguyện 'Clean Up Việt Nam' lần 5. (Ảnh: NVCC).

Quyết định đi học lại từ năm lớp 9 đã tạo nên bước ngoặt cuộc đời cho nam sinh viên đầy nghị lực Ngọc Nhứt. Khoảng cách tuổi tác và khiếm khuyết trên thân thể khiến Nhứt không tránh khỏi lo lắng về phản ứng của bạn bè và mọi người xung quanh, nhưng Ngọc Nhứt chọn cách chấp nhận và đối mặt với khiếm khuyết của mình để bắt đầu lại lần nữa.

May mắn thay, ngược với những gì Ngọc Nhứt vẽ ra, thầy cô và bạn bè đều rất nhiệt tình giúp đỡ Nhứt, tôn trọng anh và thường hay trêu đùa để Nhứt trở nên tích cực hơn, gần như không gặp phải những trở ngại mà anh đã tưởng tượng trước đó.

Nam sinh viên ‘Cụt yêu đời’: Phải tự đi trên con đường của mình ảnh 5
Nguyễn Ngọc Nhứt đi tình nguyện tại làng trẻ SOS. (Ảnh: NVCC).

Khoảng thời gian đầu đi học lại, Nhứt bị “hụt hơi” so với các bạn vì thiếu kiến thức nền tảng. Càng muốn học, lại càng không vào đầu, khiến Nhứt vô cùng áp lực. Không bỏ cuộc, Nhứt tự tìm tòi học thêm trên mạng, mua những khóa học của lớp 6, 7, 8 để bổ sung kiến thức. Nỗ lực được đền đáp, cuối năm đó, anh đã theo kịp kiến thức của mọi người. Đó cũng là nền tảng để Nhứt đi hết chặng đường THPT và lên đại học.

Hiện tại, chương trình học đại học đã gần hoàn thành nên Nguyễn Ngọc Nhứt dành nhiều thời gian hơn cho công việc sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, Nhứt còn có một kênh TikTok và fanpage tên Cụt yêu đời, với mong muốn kết nối những người có hoàn cảnh giống như anh để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Bởi lẽ, Nhứt hiểu rõ cảm giác tuyệt vọng của một người đang bình thường, bỗng dưng trở nên khuyết thiếu một bộ phận trên cơ thể sẽ ra sao.

Nam sinh viên ‘Cụt yêu đời’: Phải tự đi trên con đường của mình ảnh 6
Chàng “Cụt yêu đời” trở thành người truyền cảm hứng bằng nghị lực mạnh mẽ cho bạn trẻ. (Ảnh: NVCC).

“Có thể mục đích của mình và người khác giống nhau, nhưng hành trình đi đến mục tiêu của mỗi người là khác nhau. Mình không lấy con đường của người khác để áp đặt cho mình, không bắt buộc bản thân phải đi theo con đường của ai khác mà sẽ tự đi trên con đường của chính mình. Mình mong muốn giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ, để họ thấy có những người giống như họ, vẫn đang sống rất tốt và có thể tự lập, cho họ lòng tin rằng họ có thể làm được”, Nguyễn Ngọc Nhứt chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông' xuất quân

Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông' xuất quân

SVVN - Sáng ngày 24/4, tại Cột cờ Hà Nội, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức Lễ xuất quân Hành trình ‘Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông’, mở đầu cho chuỗi các hoạt động cao điểm của tuổi trẻ hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), với sự tham gia của 550 đại biểu từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Hơn 400 bạn trẻ tham gia Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Hơn 400 bạn trẻ tham gia Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

SVVN - Ngày 22/4, T.Ư Đoàn đã tổ chức họp báo thông tin về Hành trình ‘Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông’. Đây là hoạt động được tổ chức từ ngày 24 - 27/4, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi về mục đích, ý nghĩa, giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Công bố 10 'Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu' năm 2023

Công bố 10 'Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu' năm 2023

SVVN - Từ 34 hồ sơ đề xuất trên các lĩnh vực (học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sáng tạo, phát triển kinh tế; quốc phòng an ninh; thể dục thể thao; văn hóa - nghệ thuật; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng), Hội đồng xét chọn đã lựa chọn 10 'Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu' năm 2023.