Nạn nhân sống sót kể lại phút kinh hoàng 8 bạn bị đuối nước ở Hòa Bình

Lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân lên bờ.
Lực lượng chức năng đưa thi thể các nạn nhân lên bờ.
TPO - Theo cháu bé, cả nhóm phát hiện ra nước xoáy nên cùng nhau bơi vào bờ. Tuy vậy, chỉ có em sống sót, các bạn còn lại cố vùng vẫy, kêu cứu trong khoảng 10 phút trước khi bị nhấn chìm.

Sáng 22/3, gia đình và người thân vẫn tiếp tục chuẩn bị cho lễ tang của 8 học sinh xấu số bị đuối nước chiều hôm trước tại khúc sông Đà đoạn quan phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình).

Vụ đuối nước khiến 8 học sinh tử vong gồm Nguyễn Bình Minh (SN 2004), Đinh Gia Bảo (SN 2005), Bùi Việt Cường (SN 2005), Nguyễn Anh Nam (SN 2009), Nguyễn Trung Kiên (SN 2009), Nguyễn Đức Huy (SN 2007), Nguyễn Anh Minh (SN 2007) và Nguyễn Mạnh Hùng (SN 2008).

Nhóm các em trên đã ra bãi sông Đà đá bóng rồi xuống sông chơi đùa và bị xoáy nước cuốn vào. Chỉ có 2 học sinh trong nhóm sống sót gồm 1 em không biết bơi nên ngồi trên bờ và em Xa Đình Hoàng (SN 2009).

Được gia đình chăm sóc, Hoàng vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc bởi chỉ trong vài phút, 8 người bạn của em đã tử vong, em nói: "Đến giờ, chính em cũng chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra".

Cậu bé kể lại, do được nghỉ học nên khoảng 3h chiều 21/3, Hoàng được các anh rủ ra sông Đà chơi bóng nước. Tại bờ sông thuộc địa phận phường Thịnh Lang, chín em nhảy xuống sông nghịch bóng còn một em ngồi trên bờ.

Nạn nhân sống sót kể lại phút kinh hoàng 8 bạn bị đuối nước ở Hòa Bình ảnh 1

Cả 8 học sinh đều sống gần nhà nhau.

Được khoảng 15 phút, quả bóng bất ngờ bị dòng nước đẩy ra xa, một học sinh lớn tuổi cố bơi theo nhặt bóng nhưng có dấu hiệu bị nước cuốn. Thấy vậy, cả chín em (lúc đó đang cách bờ khoảng 10 mét) liền bắt đầu hò nhau bơi vào bờ.

Hoàng là người gần bờ nhất nên nhanh chóng thoát được dòng nước cuốn nhưng 8 em còn lại không may mắn như vậy. "Em vừa lên bờ thì thấy các anh đang ngấp ngoái kêu cứu. Anh Bảo bơi ngay sau em, đang rất gần bờ thì bất ngờ bị nước lôi đi cùng 7 bạn kia.... Các anh kêu cứu trong 10 phút thì bị cuốn xuống hết. Em hoảng sợ nên chạy đi gọi người đến giúp” - cháu Hoàng nói. 

Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng và người dân có mặt, các cháu đều đã bị nhấn chìm. Em Hoàng nói thêm, cả nhóm từng vài lần ra sông tắm, chơi bóng nước nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng nguy hiểm. 

 Ngược lại, những người lớn tuổi khẳng định khu vực trên hầu như năm nào cũng có người chết bởi dù không chảy siết nhưng sông Đà đoạn này thường có những xoáy nước rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Xuân Thành - người trong gia đình cháu Nguyễn Đức Huy cho biết, do thường xuyên có người đuối nước nên chính quyền cũng ghi biển cấm trẻ em tắm nếu không có người lớn đi kèm nhưng hiện nước lũ đã cuốn trôi tấm biển này. “Các cháu bị xoáy nước rộng khoảng vài chục mét vuông cuốn vào, cả 8 cháu đều không ra được. Các anh công an, cứu hộ chỉ tìm trong khu vực đó là phát hiện tất cả các cháu” - ông Thành nói.

Người đàn ông cũng khẳng định các gia đình trong xóm đều ý thức nguy hiểm nên dù các cháu đều biết bơi, họ vẫn nghiêm cấm việc tự ý đi tắm sông nhưng lần này, họ không thể cứu được con em mình.

MỚI - NÓNG
Lạ lẫm, hoang sơ, lãng mạn không tưởng nơi 'bộ 3 đệ nhất thác'
Lạ lẫm, hoang sơ, lãng mạn không tưởng nơi 'bộ 3 đệ nhất thác'
TPO - Hồ Đa Mi, thác Đá Bàn, huyện Hàm Thuận, Bình Thuận là địa điểm có diện tích gần 200 ha, lấy nguồn nước từ sông La Ngà, ẩn mình trong cánh rừng Đa Mi bạt ngàn, hùng vĩ... đang trở thành điểm đến của du khách trong những ngày nắng nóng, khô hạn. Thú vị hơn, đây là địa điểm chưa được nhiều người biết đến nên cũng còn khá hoang sơ...
Thủ lĩnh đoàn tâm huyết, giữ hồn văn hóa dân tộc Thái
Thủ lĩnh đoàn tâm huyết, giữ hồn văn hóa dân tộc Thái
TPO - Luôn trăn trở bồi đắp những giá trị sống tốt đẹp cho giới trẻ, anh Lãnh Văn Mùi (SN 1990) - Bí thư Đoàn xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An đã dành nhiều tâm huyết, triển khai các hoạt động nhằm lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc. Anh vừa được Tỉnh Đoàn Nghệ An tuyên dương đảng viên trẻ xuất sắc năm 2024.
Sông Sài Gòn đoạn trung tâm TPHCM Ảnh: Phục Lễ
Phong vị Sài Gòn
TP - Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới? Ngay những người hàng ngày hàng giờ sống ở thành phố này đã và đang tự hỏi Sài Gòn có gì lôi cuốn người tại chỗ và khách phương xa?