Nắng nóng, hàng nghìn trẻ nhỏ tại TP.HCM phải vào viện mỗi ngày

0:00 / 0:00
0:00
Dù có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con, nhiều phụ huynh vẫn không giữ được bình tĩnh khi con sốt co giật, li bì.
Nắng nóng, hàng nghìn trẻ nhỏ tại TP.HCM phải vào viện mỗi ngày ảnh 1
Bé trai ngồi chờ lượt khám cùng người thân trước sảnh Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Bích Huệ.

Gần 8h sáng, nắng chưa bắt đầu vàng nhưng thời tiết đã dần dần oi bức, nóng hầm hập. Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TP.HCM) đông nghịt phụ huynh và trẻ nhỏ, kéo dài từ cổng Nguyễn Du sảnh khu đăng ký khám bệnh.

Hơn 4.000 trẻ khám bệnh mỗi ngày

Trao đổi với Zing, bác sĩ Ngô Thụy Minh Nhi, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết không phải mới đây, từ giữa tháng 3, số lượng trẻ đến khám do các bệnh liên quan thời tiết nắng nóng tại đơn vị này đã bắt đầu gia tăng.

Trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 4.000 trường hợp trẻ đến khám do các vấn đề hô hấp, siêu vi và tiêu hóa, tăng khoảng 10-15% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, số trẻ đến khám do bệnh lý hô hấp chiếm 1/2. Gần 1/3 trẻ gặp các vấn đề tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Nắng nóng, hàng nghìn trẻ nhỏ tại TP.HCM phải vào viện mỗi ngày ảnh 2
Trong thời tiết oi bức, mái che ở khu vực chờ làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nóng hầm hập. Nhiều người phải mua thêm quạt cho con. Ảnh: Bích Huệ.

Theo bác sĩ Nhi, số lượng này chỉ là lượng bệnh nhi được ghi nhận trong giờ hành chính. Ngoài ra, số trẻ khám bệnh ngoài giờ, khám đêm chưa có thống kê cụ thể.

"Bệnh lý phổ biến nhất trong các bé đến khám là nhiễm siêu vi hô hấp, viêm hô hấp trên, viêm mũi họng. Tình trạng chung đa phần không quá nặng nhưng số lượng khá nhiều. Có những ngày, nhân viên y tế phải tăng cường bàn khám, làm việc xuyên trưa để hỗ trợ khám, xét nghiệm cho bệnh nhi", bác sĩ Nhi chia sẻ.

Nhóm trẻ khám ngoại trú do hô hấp chủ yếu trong độ tuổi 1-5, nhiều nhất là bé đang học mẫu giáo.

Theo bác sĩ Nhi, trong tháng qua, thời tiết nắng gay gắt và oi bức khiến số trẻ nhiễm siêu vi hô hấp tăng nhiều hơn. Mặc dù vậy, tỷ lệ các em có biến chứng nặng viêm phổi, ảnh hưởng hệ tuần hoàn... không nhiều.

Nắng nóng khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn

Bác sĩ Ngô Thụy Minh Nhi nhận định thời gian chuyển mùa ở khu vực phía Nam là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa nhiều hơn.

Nguyên nhân là mùa nắng, nóng cùng với độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, siêu vi, vi nấm phát triển nhân đôi và lan rộng. Trong khi đó, bệnh thường gặp nhất ở trẻ em do virus, siêu vi rất dễ lây nhiễm khi các con tiếp xúc, vui chơi với nhau tại trường, khu vui chơi.

"Rất nhiều trẻ đến bệnh viện do sốt, sổ mũi, lừ đừ, triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm dẫn đến nôn ói, mất nước… Chủ yếu các bé dưới 5 tuổi", bác sĩ Nhi nhận định chung.

Nắng nóng, hàng nghìn trẻ nhỏ tại TP.HCM phải vào viện mỗi ngày ảnh 3
Bác sĩ Ngô Thụy Minh Nhi, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong tháng 3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phát đi cảnh báo về các ổ dịch siêu vi hô hấp, cúm A có trong trường học. Điều này dấy lên nhiều lo ngại về sự bùng phát các ổ dịch siêu vi trong tháng 4, khi thời tiết tiếp tục nắng nóng, mưa về đêm thất thường.

Tuy nhiên, bác sĩ Nhi khuyến cáo cúm là bệnh lây truyền lưu hành gần như quanh năm. Nhiều chủng cúm gây bệnh nên khiến số trẻ mắc bệnh khá nhiều. Đa số trẻ có biểu hiện nhẹ, chưa gây viêm phổi hay đến mức nhập viện.

"Một lưu ý là cúm mặc dù tồn tại quanh, thời tiết nắng nóng là điều kiện khiến trẻ mắc cúm dễ diễn tiến nặng hơn", bác sĩ Nhi khuyến cáo.

Theo phân tích của bác sĩ Nhi, khi thời tiết nắng nóng oi bức, hoạt động chuyển hóa của cơ thể nhanh hơn, đặc biệt trẻ em có sự bài tiết nhanh hơn nên dễ khiến trẻ kiệt sức, mất nước, mất chất điện giải, trong đó, một số chất điện giải ảnh hưởng hệ tuần hoàn.

Lúc này, hệ miễn dịch chung của trẻ cũng sẽ giảm theo. Do đó, ngay thời điểm nắng nóng, trẻ thường dễ nhiễm cúm, dễ chuyển nặng hơn. Các triệu chứng cũng tăng nặng dần, từ sốt cao, nôn ói rất nhiều, ăn uống kém đến lừ đừ, li bì.

Khi thời tiết dễ chịu, trẻ nhiễm cúm cần ít nhất 3-5 ngày hay một tuần để hồi phục. Tuy nhiên, với điều kiện oi bức, giao mùa, hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, thời gian hồi phục sẽ kéo dài lâu hơn.

Điều này khiến trẻ dễ bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến viêm phổi kèm theo. Do đó, tỷ lệ nhập viện vì triệu chứng nặng ở trẻ vào thời tiết nắng nóng nhiều hơn so với thời gian khác.

Theo Zingnews
MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.