“Nắp biển”: Rong ruổi cùng Banana Yoshimoto để chữa lành trái tim mỏi mệt

“Nắp biển”: Rong ruổi cùng Banana Yoshimoto để chữa lành trái tim mỏi mệt
HHT - Với “Nắp biển”, lại một lần nữa, những ai yêu mến Banana Yoshimoto sẽ nhận ra vì sao mình mãi yêu mến nữ nhà văn Nhật Bản này. Vì văn của Banana Yoshimoto chính là vẻ đẹp của những điều giản dị nhất.

“Ai là người cuối cùng bước lên từ biển

trên bãi biển một ngày Hạ tàn

Người cuối cùng ấy đã trở về nhà

mà không đóng nắp biển

Vì vậy mà

biển cứ mãi mở toang.”

“Nắp biển”: Rong ruổi cùng Banana Yoshimoto để chữa lành trái tim mỏi mệt ảnh 1

Ảnh @milky118.

Nắp biển, những ai yêu thích văn của Banana Yoshimoto sẽ nhận ra rằng, văn của nữ văn sĩ Nhật Bản này đang thay đổi. Không còn chất huyền ảo như đã có trong Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi, N.PBanana Yoshimoto đang tiếp cận những đề tài dung dị đời thường hơn. Dường như chọn rời xa những đề tài xen kẽ sự hư ảo, Banana Yoshimoto đang vẽ những bức tranh đậm sắc đời thường hơn bao giờ hết. Nhưng sự dịu dàng như dòng nước, câu chữ thấm đượm tình cảm vẫn vẹn nguyên như thế, vẫn cứ là Banana Yoshimoto. Và người đọc vẫn thấy mình bị cuốn vào bất cứ thế giới nào mà Banana Yoshimoto tạo nên.

Mari - nhân vật chính của Nắp biển, sau một thời gian sống ở nơi khác đã quyết định trở về quê nhà để mở một tiệm bán đá bào. “Mình đã học ngành sân khấu tại trường mỹ thuật nhưng rốt cuộc cũng chẳng thấy hứng thú lắm. Điều duy nhất mình có thể tự mãn trước mọi người, chắc chỉ có mỗi việc ăn bao nhiêu đá bào cũng không ngán mà thôi. Vì vậy, mình cũng sẽ mở quán bán đá bào.”

“Nắp biển”: Rong ruổi cùng Banana Yoshimoto để chữa lành trái tim mỏi mệt ảnh 2

Ảnh @fuyu_mm.

Cửa hàng đá bào của Mari bán những cốc đá bào ngọt dịu, được làm từ mật si rô trái cây nguyên chất chứ không phải đường và phẩm màu. Cửa hàng đá bào cũng không có vị dâu tây. Chính vì thế mà dù rất cố gắng, Mari vẫn phải chật vật với những mong muốn của các vị khách giản đơn, muốn đá bào phải thật ngọt - mà chẳng cần biết thực ra vị ngọt đó là do đâu, muốn đá bào vị dâu tây... Được làm điều mà mình khao khát, nhưng Mari vẫn thấy lẩn khuất đâu đó sự chán chường.

Và thêm một điều nữa, Mari đã không ngờ rằng khi trở về quê nhà, cô phải chứng kiến quê hương mình đang lụi tàn dần. Sự sầm uất, đông đúc, tràn đầy sức sống, những vị khách du lịch rảo bước trên các con phố trong thị trấn… đã không thể tìm lại nữa. Dường như tất cả chỉ còn sống trong kí ức tuổi thơ của Mari. Vì thế mà cô rất đau lòng. “Dù tôi đã trở về, nhưng những thứ tôi quen thuộc và trân trọng đều đã mất đi cả rồi. Tự dưng cảm giác cô độc xâm chiếm lấy tôi, tôi cứ sững sờ như chàng tiều phu Urashima Taro trở về từ đáy biển.”

“Nắp biển”: Rong ruổi cùng Banana Yoshimoto để chữa lành trái tim mỏi mệt ảnh 3

Ảnh@hanana241.

Còn Hajime là một cô gái nhỏ đến nhà Mari ở một mùa Hè, cũng đang đợi vết thương lòng của mình lành lại. Bà của Hajime vừa mất. Người bà mà Hajime yêu quý đã cứu cô bé khỏi một trận hỏa hoạn và qua đời. Gương mặt của Hajime có vết bỏng. Thế nhưng những gì mà người lớn họ hàng làm lại chỉ là mải mê tranh giành gia tài người bà để lại. Điều đó làm thế giới trong Hajime nứt rạn.

Hai nỗi buồn ở cạnh nhau và tìm về với biển, cùng trải qua một mùa Hè sẽ không thể trải qua lần nữa trong đời.

Mùa Hè ấy có biển, xanh ngắt, sóng vỗ. Mùa Hè ấy có những lời tâm sự, trải lòng, và tìm thấy sự bình yên. Mùa Hè ấy có sự sẻ chia, động viên. Mùa Hè ấy MariHajime, và HajimeMari.

Những suy nghĩ trĩu nặng cõi lòng của MariHajime trong Nắp biển rất bình thường, nhưng cũng rất đời thường, vì thế nó dễ dàng là nỗi lòng của bất kỳ ai. Thực ra những điều khiến chúng ta nặng lòng đều là những vấn đề dung dị xung quanh mình, chẳng xa xôi đâu cả.

“Nắp biển”: Rong ruổi cùng Banana Yoshimoto để chữa lành trái tim mỏi mệt ảnh 4

Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim cùng tên, tên tiếng Nhật là Umi no Futa.

Nắp biển là một cuốn sách mỏng. Nhưng để đọc được nó lại chẳng hề dễ dàng chút nào. Khó mà đọc hết cuốn sách chỉ trong một lần, bởi lẽ mỗi phân đoạn đều cần suy ngẫm và lắng đọng. Cứ chầm chậm, từ từ, và rồi bạn sẽ thấy xung quanh mình là đại dương bao la. Bạn đang trầm mình trong một bể nước khổng lồ, bồng bềnh, vừa thấy xao động, vừa thấy tự do, vừa thấy dũng khí để tiếp tục thực hiện những điều mà trái tim mình mong mỏi.

“Tôi hay tự nhủ rằng, không được phép nghĩ mình sẽ làm được cái gì đó lớn lao. Điều tôi có thể làm được chỉ là chăm sóc tốt chậu hoa của mình để nó nở tràn những bông hoa xinh đẹp. Tôi không thể dùng tư tưởng của mình để thay đổi thế giới. Tôi chỉ có thể sống với cõi lòng bình lặng trong suốt quãng thời gian từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, không hổ thẹn với ông trời, có thể mãi là chính mình, nghe hiểu được lời của những linh hồn cư ngụ sau tảng đá hay dưới bóng cây. Tôi chỉ có thể cố gắng sống trọn đời mà vẫn đàng hoàng nhìn thẳng vào những sự vật xinh đẹp được cuộc đời tạo ra, không nhúng tay vào những việc đáng hổ thẹn.”

“Nắp biển”: Rong ruổi cùng Banana Yoshimoto để chữa lành trái tim mỏi mệt ảnh 5

Ảnh @nhanamthuquan.

MAO LƯƠNG

(Trích dẫn trong bài thuộc bản dịch “Nắp biển” của Dương Thị Hoa dịch, Nhã Nam phát hành tại Việt Nam)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Một thời để nhớ: Một chút khiếm khuyết bên ngoài không thể ngăn cản ai đó tỏa sáng

Một thời để nhớ: Một chút khiếm khuyết bên ngoài không thể ngăn cản ai đó tỏa sáng

HHT - Ngay từ nhỏ xíu, tay phải Hòa đã bị tật. Mọi thứ nó đều làm bằng tay trái. Thế nhưng, nó viết bài nhanh chẳng kém ai. Trực nhật, nó cũng chẳng cần ai giúp. Còn giờ ra chơi, thấy nó bắn bi, đánh cầu lông bằng một tay thì mới thật là dễ nể. Nhưng nuôi một con cún nhỏ xíu đâu phải chuyện giỡn chơi...
Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

Cuốn sách nâng trình kể chuyện "đỉnh chóp" cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ

HHT - Trong thế giới tràn ngập thông tin hiện nay, việc thu hút chú ý và truyền tải thông điệp trở thành thách thức không nhỏ, nhất là với các nhà sáng tạo nội dung thế hệ mới. Trong quyển sách "Kể chuyện hay là chết", tác giả Lisa Cron đã đưa ra nhiều chiến lược hữu ích giúp bạn tạo ra những câu chuyện đầy sức hút.