Thế giới đang trở thành một nơi xanh hơn, theo đúng nghĩa đen, so với 20 năm trước. Và các dữ liệu vệ tinh của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) đã cho biết “nguồn gốc” của phần lớn màu xanh mới này là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nghiên cứu mới của NASA cho thấy, hai đất nước đông dân nhất thế giới đang đi đầu trong phong trào phủ xanh đất đai. Đó là nhờ những chương trình trồng cây và phát triển nông nghiệp rất mạnh mẽ ở cả hai nước. Chỉ trong năm 2017, Ấn Độ đã tự phá vỡ kỷ lục thế giới của chính mình về số cây được trồng mới nhiều nhất, sau khi các tình nguyện viên cùng nhau trồng 66 triệu cây non chỉ trong 12 tiếng đồng hồ!
Kết luận này được đưa ra dựa trên dữ liệu vệ tinh của NASA trong suốt 20 năm qua, vì các nhà nghiên cứu muốn chắc chắn rằng việc Trái Đất trở nên xanh hơn là do các tác động của con người hay do các lý do tự nhiên.
“Tuy nhiên, phần lớn đất trên Trái Đất vẫn đang xuống cấp do khai thác quá mức” – Chi Chen, thuộc Khoa Trái Đất và Môi trường của Đại học Boston (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Việc trồng thêm nhiều cây và mở rộng sản xuất nông nghiệp không chỉ tốt cho môi trường, mà các nhà nghiên cứu cho rằng, ở Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều vấn đề về thực phẩm cũng được cải thiện. Việc sản xuất ngũ cốc, rau quả đều tăng 35-40% so với năm 2000, khiến người dân có nguồn lương thực dồi dào hơn.
Xu hướng làm xanh Trái Đất có thể sẽ thay đổi trong tương lai, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả này là một tín hiệu tốt.
“Bởi vì giờ đây, chúng ta biết được rằng, ảnh hưởng của con người chính là chìa khóa trong việc phủ xanh Trái Đất. Đó là một thông điệp tích cực” – Một nhà nghiên cứu nói – “Mỗi chúng ta đều nên nhận ra rằng mình có thể giải quyết được vấn đề. Chẳng hạn, vào những năm 1990, khi con người nhận ra rằng cần trồng thêm cây cối, thì ngày hôm nay, môi trường ở một số nơi đã được cải thiện”.
Mỗi người đều có thể tạo nên điều khác biệt, chỉ cần chúng ta sẵn sàng hành động, bạn nhỉ!