Ví 4 ngăn - Những dòng tiền khôn ngoan
Tuy chưa thể hoàn toàn tự lập về tài chính nhưng teen nên tập cách có trách nhiệm với số tiền mình được phụ huynh cho, cơ bản nhất là ghi nhớ khoản chi của bản thân mỗi ngày. Nguồn cơn cho sự “cháy túi” chính là những khoản chi mà teen dễ quên. Chẳng hạn như mỗi ngày dành 2.000 để mua khẩu trang y tế, nghe không đáng kể nhưng nếu nhân với tổng số ngày trong tháng, ta sẽ cho ra con số ngang ngửa với mức phí di chuyển bằng xe buýt trong khoảng thời gian tương tự.
Để giải quyết tận gốc, ngay khi nhận tiền tiêu vặt, chị Khánh Chi (chủ shop ViVien Princess, Chie Cosplay, tác giả cuốn sách Bốn chiếc ví của tôi) đã giúp teen hệ thống tiền bạc thành bốn phần nhỏ như dưới đây:
Ngăn Đồng: Dành cho chi tiêu hằng ngày (Ăn uống, di chuyển, thẻ điện thoại...).
Ngăn Bạc: Dành cho các nhu cầu phục vụ bản thân (Mua sắm, mua album của idol…).
Ngăn Vàng: Dành cho các khoản đầu tư bản thân (Tiền học thêm, trả phí tập gym…).
Ngăn Kim Cương: “Quỹ đen” chỉ được đụng tới khi có việc cực nguy cấp. Tốt nhất teen nên tạm thời quên đi sự tồn tại của khoản tiền này để tránh táy máy.
Quản lý tài chính không phải là chuyện một sáng một chiều, mà ngay từ hôm nay, chúng ta đã phải cân nhắc cho nhiều tuần sau và những dịp bất trắc trong tương lai. Việc chia nhỏ khoản tiền sẽ giúp teen “kiềm chế” kịp thời những khoản chi ngoài kế hoạch và có những khoản đầu tư rất đáng chờ đợi trong tương lai. Biết đâu năm năm sau, chúng ta sẽ phải cảm ơn chính mình của quá khứ vì đã chăm chi dành dụm đủ tiền để mua vé concert của idol đúng không nào?
Tuy rất nghiêm khắc với việc phương pháp quản lý tài chính bản thân, chị Khánh Chi cũng thừa nhận rằng chị cũng có sở thích mua sắm, xem phim, ăn vặt… Với độ tuổi teen vẫn còn thích bay nhảy, chị chỉ khuyên chúng ta: Đừng nên sử dụng tiền theo cảm xúc quá nhiều và suy nghĩ kĩ hơn về viễn cảnh “hết tiền sẽ như thế nào” để có cái nhìn thực tế hơn khi mở bóp chi trả cho bất cứ thứ gì.
Những khoản thu tiềm năng
Nhiều teen sẽ “than trời” về việc chia nhỏ khoản tiền tiêu vặt vốn đã bé tí teo của mình - một quá trình dễ nản và gắt gao vô cùng. Để cân bằng với nhu cầu chi và thu tiền, nhiều teen luôn nung nấu ý định đi làm thêm. Là người tự lập về tài chính bằng việc kinh doanh trong lĩnh vực cosplay, chị Khánh Chi từ khi bằng tuổi chúng mình đã biết cách kiếm tiền và đầu tư cho những dự án có lời hơn.
“Cầm trên tay những đồng tiền đầu tiên mình tự kiếm được là cảm giác rất tự hào mà ai cũng muốn mình được trải qua sớm” - chị chia sẻ nhưng cũng không quên nhắn nhủ teen, đặc biệt các bạn dưới 18 tuổi phải cảnh giác với những tin tuyển dụng đội lốt lừa đảo mà chị từng gặp phải trước đây.
Tốt hơn hết, để bảo vệ bản thân, teen hãy bắt đầu việc tiết kiệm tiền trước khi chuyển sang suy nghĩ đến việc kiếm tiền. Còn nếu teen vẫn khao khát trải nghiệm việc kiếm ra tiền bằng chính công sức của mình, chị Chi đã “mách nước” chúng ta cách thỏa thuận với bố mẹ về việc này. Teen hãy trình bày thẳng thắn chi tiêu của bản thân và mong ước được “tăng lương” cùng lời hứa sẽ đạt được thành tích cao trong học tập hay giúp đỡ bố mẹ việc nhà.
Với những phụ huynh lo lắng con em mình sử dụng tiền cho mục đích xấu, teen hãy làm một quyển sổ ghi chép thu chi của bản thân và đưa bố mẹ kiểm tra để tạo lòng tin. Teen nên thông cảm cho sự lo lắng này của bố mẹ vì xã hội bây giờ rất nhiều kẻ xấu đang “rình rập” những bạn teen có tiền để lừa gạt. Một khi đã lấy được niềm tin của phụ huynh và thỏa thuận đã được “thông qua”, teen vừa có thể thấm thía sức nặng của đồng tiền chính tay mình làm ra và cũng trau dồi kĩ năng học, làm việc nhà lúc nào không hay.
Ghi chép tài chính bản thân bằng ứng dụng điện thoại
Một cách để ghi nhớ thu chi dành cho các teen “não cá vàng” hay những tháng “vung tiền” quá tay không gì khác chính là cập nhật trên những ứng dụng quản lý tài chính có ngay trên smartphone như Level Money, Spendee, Mint, Money Lover, PocketGuard...
Cuối tháng, khi nhìn báo cáo từ app, chúng ta sẽ biết được khoản chi nào nên cắt giảm, đồng thời đặt ra hạng mức chi tiêu cụ thể cho từng danh mục. Ngoài ra, việc nhìn thấy tiền bỏ ra càng nhiều, teen sẽ thấy “có lỗi” với bản thân và tự động tiết chế cho những khoản tiếp theo.
Xác định điểm dừng cho nhu cầu giải trí cá nhân
Như đã trình bày trong mục “Ví bốn ngăn”, teen nên đưa ra giới hạn chi tiêu cho bản thân và chỉ được sử dụng trong khoản đó, không lấn sang các khoản khác. Cụ thể, bạn nên vạch trước những thứ cần chi tiêu trong tuần và từng ngày để tính toán dựa trên đó. Ví dụ mỗi tuần các teen được cho 350K thì mỗi ngày được phép tiêu khoảng 50K. Nhưng nếu bạn muốn cuối tuần đi xem phim, với mức vé là 90K thì quỹ tuần chỉ còn 260K, tức là teen sẽ còn khoảng 30K cho một ngày.
Học cách từ chối những cuộc vui tốn kém
Việc đầu tư xây dựng các mối quan hệ giúp ta năng động hơn, có thêm những cơ hội mới và củng cố các mối quan hệ đã có. Tuy nhiên ta nên chọn lọc những cuộc giao lưu thực sự mà bản thân thấy phù hợp và đủ sức chi trả. Thay vì cố gắng tham gia vì sợ mích lòng bạn bè mà tâm trạng không thoải mái, teen nên hẹn riêng người bạn đó bằng một cuộc đi chơi phù hợp với điều kiện tài chính của mình hơn. Nếu là bạn tốt, bạn ấy sẽ thông cảm và đống ý với mình ngay thôi!