Nếu bạn không thấy môn Sử thú vị, lỗi là ở chúng ta mà thôi!

Nếu bạn không thấy môn Sử thú vị, lỗi là ở chúng ta mà thôi!
HHT - Phương pháp dạy và học môn Lịch sử trong các trường vẫn còn khá khô khan, thiếu sự hấp dẫn, không truyền được cảm hứng cho teen. Thay vì chờ đợi sự đổi mới, bạn có thể chủ động tìm hiểu kiến thức qua các cánh cửa thú vị sau.

Vì đâu chúng ta cảm thấy môn Lịch sử “khó nuốt”?

Nói về môn Lịch sử, nhiều teen cảm thấy ngán ngẩm khi phải nhồi nhét rất nhiều những số liệu vào đầu: Tổng số binh lính của địch bị thương vong, tổng số vũ khí của địch bị ta tiêu hủy, những cột mốc sự kiện chi li đến từng phút... Vì hầu như tất cả các kiến thức trong sách giáo khoa đều được quy đổi thành số liệu, không chỉ để giảng giải trong giờ học mà còn dùng trong đề kiểm tra nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Nếu bạn không thấy môn Sử thú vị, lỗi là ở chúng ta mà thôi! ảnh 1

Phổ điểm môn lịch sử trong kì thi THPT Quốc gia 2018 khá thấp

Chính điều này đã vô tình tạo nên áp lực về điểm số, buộc teen phải học thuộc lòng như vẹt, thay vì hứng thú đi tìm hiểu những câu chuyện về lịch sử. Chưa kể, để đảm bảo giáo án không bị “cháy”, nhiều câu chuyện lịch sử bị trình bày một cách sơ sài hoặc cắt bỏ khiến môn lịch sử trở nên khô khan hơn bao giờ hết.

“Chất lượng dạy và học môn Lịch sử đã đến mức báo động, đáng nói nhất là chuyện này thường xuyên lặp lại từ nhiều năm nay mà không có giải pháp nào cụ thể để giải quyết vấn đề này” - Tiến sĩ Hà Thanh Vân (giảng viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhận định.

Nhưng chúng ta đang sống trong thời đại số cơ mà!

Thay vì chờ đợi sự đổi mới cần rất nhiều thời gian, nhiều teen đã chủ động tìm hiểu kiến thức Lịch sử theo cách riêng của mình. Với sự hỗ trợ của công nghệ, mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều “kênh” thú vị để bạn khám phía lịch sử!

Nghe kể chuyện lịch sử trên Facebook: Dựa vào các kiến thức hàn lâm, nghiên cứu sâu trong các sách, tư liệu uy tín, nhiều anh chị đi trước đã dùng giọng văn và phong cách của mình để kể lại câu chuyện lịch sử chính xác mà không kém phần hấp dẫn sinh động rồi chia sẻ lên các page, group Facebook. Nổi bật có anh Dũng Phan (tác giả cuốn sách Sử Việt - 12 khúc tráng ca), Tôn Thất Minh Khôi với trang fanpage Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi chuyên kể về các hậu phi Việt Nam, fanpage Ấm Chè của nhà cố vấn sử học Phan Thanh Nam, fanpage Anh Hoàng của bạn Vũ Đức (Hà Nội) giới thiệu triều phục nhà Nguyễn và đời sống cung đình qua tranh vui...

Nếu bạn không thấy môn Sử thú vị, lỗi là ở chúng ta mà thôi! ảnh 2

Học lịch sử qua phim ảnh: Cách học này được nhiều teen lựa chọn, nhất là khi chất lượng phim lịch sử trên YouTube ngày càng được các bạn trẻ nâng cao, không thua gì phim chiếu rạp. Nổi bật nhất là dự án Việt Sử Kiêu Hùng với các tập phim về trận chiến thành Đa Bang, tái hiện bối cảnh đất nước những năm 1400 và trận chiến lịch sử giữa vua tôi nhà Hồ với giặc Minh xâm lược, Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành... thực hiện theo lối diễn họa đậm chất điện ảnh, có sự hỗ trợ lồng tiếng chuyên nghiệp từ thầy Đạt Phi (chuyên lồng tiếng cho các phim hoạt hình của hãng Disney tại Việt Nam). Mời bạn xem phim tại trang: https://www.youtube.com/user/TEDvnChannel.

Tham gia talkshow tranh biện lịch sử, bỏ túi kiến thức hay: Đến với các buổi talkshow của dự án Sử Talk, bạn không chỉ được nghe các diễn giả là những người nghiên cứu sử học, sử gia sẽ cùng bàn về một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử nào đó, chẳng hạn: Quang Trung - Sống rực rỡ chết cũng rực rỡ, Gia Long - Con đường hoàng đế, Hưng Đạo Vương - Trên cả khúc tráng ca… mà còn có thể tham gia tranh biện để phân tích với góc nhìn đa chiều.

Nếu bạn không thấy môn Sử thú vị, lỗi là ở chúng ta mà thôi! ảnh 3

Các diễn giả đang chia sẻ chủ đề Lệ Chi Viên và hành trình điện ảnh trong một buổi talkshow.

“Do không có nhiều thời gian, với lại kiến thức thường đã được “đóng khung” theo sách giáo khoa nên tụi mình rất ngại tranh biện trong giờ học. Chỉ có tham gia những talkshow cởi mở như vầy, mình mới được thỏa sức bày tỏ ý kiến của mình” - bạn Hồng Nhi (Q.5, TP.HCM) chia sẻ. Qua từng buổi nói chuyện, lượng khán giả ngày một tăng nhanh và theo yêu cầu của nhiều bạn trẻ, diễn đàn Sử Talk sẽ “tiến công” ra miền Bắc trong thời gian tới và mở rộng chủ đề để chương trình thêm phong phú.

Đừng quên đối chiếu thông tin

Bên cạnh tính ưu việt, những phương thức học sử trên vẫn có một số hạn chế mà teen cần phải chú ý. “Cách viết sử của các trang fanpage ở trên khá sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, tuy nhiên, cô nghĩ không nên học theo 100% mà chỉ xem đó là một nguồn tài liệu để tham khảo như rất nhiều nguồn tài liệu tham khảo khác. Bởi vì nhiều tác giả trẻ là những người viết sử nghiệp dư, các bài viết mang tính phổ thông chứ không phải hàn lâm, nghiên cứu sâu nên không thể tránh khỏi những sai sót về kiến thức” - Tiến sĩ Hà Thanh Vân chia sẻ.

Nếu bạn không thấy môn Sử thú vị, lỗi là ở chúng ta mà thôi! ảnh 4

Ví dụ, như trong cuốn Sử Việt - 12 khúc tráng ca tổng hợp các bài viết trên trang cá nhân, tác giả đã nhầm lẫn về miếu hiệu của vua Gia Long, cho rằng Lê Văn Duyệt là tướng nhà Tây Sơn… Cũng theo cô Vân, một người muốn viết sử giỏi, chính xác thì phải biết Hán Nôm mới có thể đọc trực tiếp tư liệu lịch sử từ những thư tịch cổ. Thêm nữa, nguồn tư liệu sử dụng trong các bài viết nên có sự đối chiếu giữa sử Việt với sử thế giới cùng viết về sự kiện, nhân vật nào đó để đảm bảo tính khách quan, phong phú.

Ngoài ra, hiện nay có một số trang fanpage đang lợi dụng việc kể chuyện lịch sử theo quan điểm riêng được nhiều người quan tâm để xuyên tạc, bóp méo thực tế lịch sử. Những trang này thường có những dấu hiệu như: Phủ định một số sự kiện lịch sử Việt Nam, xuyên tạc chân dung các anh hùng dân tộc, dựng lên một số sự kiện có vẻ gây sốc... nhưng sau khi kiểm chứng thì không đúng hoặc không có thật. Và các trang này thường đi kèm với nhiều bình luận mang tính tiêu cực. 

Do đó, khi tiếp xúc với một kiến thức, nhận định lịch sử nào mới, bạn nên đọc bằng thái độ bình tĩnh, khách quan và đối chiếu với những tư liệu lịch sử mà chúng ta biết để phân định đúng sai trước khi học theo nhé!

Theo Trích HHT 1275
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm