Nếu có cơ hội được đi, đừng thờ ơ với những sự thật xấu xí mà bạn đã thấy!

 Nếu có cơ hội được đi, đừng thờ ơ với những sự thật xấu xí mà bạn đã thấy!
HHT - Ai cũng cố nhắm mắt, ngẩng cao đầu lướt qua vô số những xấu xí, những sự thật trần trụi. Có mấy ai bị vướng lại ở bãi biển đầy rác này sau những bước chân tò mò qua khỏi cái đẹp?

Không biết có bao nhiêu bạn sẽ chịu khó xem hết bài viết này, vấn đề được nhắc đến ở đây chính là ô nhiễm môi trường biển, người anh em song sinh của biến đổi khí hậu toàn cầu - vấn đề "nói hoài, nói mãi". Truyền thông ngày nay luôn thôi thúc mọi người đặc biệt là giới trẻ giương buồm vào hành trình tìm kiếm những khoảnh khắc thoả mãn thị giác khi du lịch. Những cảnh đẹp, những món ăn ngon, những góc hình thời trang luôn là cực nam châm trái dấu với ống kính camera của đám đông. Ai cũng cố nhắm mắt, ngẩng cao đầu lướt qua vô số những xấu xí, những sự thật trần trụi phải không? Nhưng có mấy ai bị vướng lại ở bãi biển đầy rác này sau những bước chân tò mò qua khỏi cái đẹp?

Nếu không có những chia sẻ này, mọi người sẽ chỉ biết đến những nơi đẹp đẽ đã đi qua bằng bức hình được post trên Facebook và phủ nhận sự tồn tại của một bãi rác trắng xoá thế này. Muốn thay đổi một vấn đề gì đó bạn nên quan tâm về nó trước tiên thay vì hành động vội vã, quan tâm sẽ dẫn dắt bạn vào con đường tìm hiểu bản chất của vấn đề bạn muốn thay đổi, cho đến khi bạn am hiểu về nó và hiểu điều gì mới thực sự tốt cho nó nhất. 

 Nếu có cơ hội được đi, đừng thờ ơ với những sự thật xấu xí mà bạn đã thấy! ảnh 1

Sau những bức ảnh "đẹp lịm tim"...

 Nếu có cơ hội được đi, đừng thờ ơ với những sự thật xấu xí mà bạn đã thấy! ảnh 2

... là sự thật luôn tồn tại nhưng không phải ai cũng thừa nhận và quan tâm đến nó.

Cứu lấy môi trường biển là một vấn đề quốc tế vì không phải bạn giữ cho biển nước bạn sạch thì rác từ nước khác sẽ không theo dòng hải lưu cập bến. Con số nói ra thì thật là kinh ngạc: Có 5,25 nghìn tỷ mảnh vỡ nhựa trong đại dương. Trong số đó, 269.000 tấn nổi trên bề mặt, và khoảng 4 tỷ vi chất dẻo plastic trên mỗi km vuông xả rác ra biển sâu. Và Việt Nam nằm trong Top 5 nước thải rác xuống biển nhiều nhất trên thế giới theo số liệu của tạp chí SCIENCE, sắp tới đây Việt Nam sẽ "lập thêm kỷ lục mới" khi nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển. Nếu bạn giật mình khi nhìn thấy bãi biển đầy rác ở Đài Loan trong hình trên thì 1 triệu m3 bùn của Việt Nam xứng đáng với cả cơn đột quỵ. 

Không ai trong số chúng ta có thể một mình giải quyết câu hỏi cho ô nhiễm môi trường biển một cách thoả đáng, tuy nhiên ý thức và sự quan tâm của mỗi cá nhân lại có một sức mạnh to lớn. Nếu gạch đầu dòng ra đây thì thật là thừa thãi vì ai cũng biết phải làm gì ở mức độ một cá nhân, ngay từ chính trong ngôi nhà của mình.

Chỉ có khoảng 20% nhựa đại dương xuất phát từ nguồn biển, chẳng hạn như thiết bị đánh cá loại bỏ hoặc hàng hóa rủi ro từ tàu. Khoảng 80% còn lại đổ ra biển từ rác bãi biển hoặc từ hạ lưu ở các sông. Khi bạn nghĩ về biến đổi khí hậu, thật khó để giảm lượng khí thải carbon vì chúng phải trải qua cả một sự thay đổi cơ bản trong nền kinh tế. Với nhựa, việc bạn ném một nắp chai xuống sông là một hành động dễ dàng kiểm soát được. Càng đi nhiều, càng thấy nhiều bạn sẽ biết ô nhiễm biển ở khắp nơi trên thế giới cũng như Việt Nam nó đã đến mức nghiệm trọng thế nào. Nếu bạn có cơ hội được đi, đừng thờ ơ với những sự thật xấu xí mà bạn đã thấy, đó là cơ hội để bạn biến du lịch thành những giá trị làm thay đổi cuộc sống.

CUONG HUY NGUYEN

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm