Nếu muốn tham gia “phi đội bay”, hãy zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công!

Nếu muốn tham gia “phi đội bay”, hãy zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công!
HHT - Hình ảnh anh phi công cơ trưởng kéo va-li luôn là hình ảnh lồng lộng ngầu xị. Nếu bạn cũng muốn tham gia “phi đội bay” thì cùng nhà Hoa zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công nhé!

Profile “người dẫn đường”

Nguyễn Quang Trụ

(Nickname: Cột)

Hiện đang là học viên Alpha Aviation Group Philippines

Nếu muốn tham gia “phi đội bay”, hãy zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công! ảnh 1

Đặc quyền của “tài xế máy bay”

Phi công là một trong những nghề có mức lương khá “rủng rỉnh”, tối thiểu là 50-90 triệu VNĐ/tháng và có cơ hội được vi vu khắp chốn. Ngoài ra, một “ưu đãi” khác khi làm phi công là gia đình sẽ được tặng rất nhiều vé máy bay miễn phí.

Một điểm cộng nữa của nghề “bay” chính là độ tuổi về hưu 65 đối với nam và 58-60 đối với nữ. Điều này cũng đi kèm với yêu cầu là sau 60 tuổi bạn không thể làm cơ trưởng nữa và phải bay với một người trẻ hơn.

“Lăn” qua lời đồn

#Lời_đồn_số_1: Làm phi công là phải đi tối ngày sáng đêm, lễ cũng không được nghỉ

Đúng là làm phi công sẽ đòi hỏi bạn di chuyển nhiều bất kể thời gian nên nhiều lúc sẽ không được ở cạnh gia đình vào cuối tuần hay những dịp quan trọng. Dù vậy, số giờ làm việc của một phi công bay đường ngắn cũng chỉ 8 tiếng/ngày thôi. Và bù lại, phi công cũng là nghề có cơ chế nghỉ phép “oách xà lách” nhất, ví dụ như sau 5 ngày bay sẽ được nghỉ 1-2 ngày, hay sau 2-3 tháng sẽ được nghỉ “tịnh dưỡng” hẳn 1-2 tuần.

Nếu muốn tham gia “phi đội bay”, hãy zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công! ảnh 2

#Lời_đồn_số_2: Con gái “chân yếu tay mềm” nên không phù hợp với nghề lái máy bay

Thực chất, nhiều bạn gái lắc đầu với nghề phi công vì sợ vất vả và không ở nhà nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là công việc cơ trưởng không dành cho phái nữ! Ngược lại, tiêu chuẩn tuyển phi công dành cho phe “kẹp nơ” cũng thấp hơn so với phe “đầu đinh”. Ở trường tớ học có ba bạn nữ người Việt và rất nhiều bạn nữ người Philippines đang theo ngành này đấy!

#Lời_đồn_số_3: Phi công là nghề có môi trường làm việc thuộc dạng “oách” nhất nhì quả đất.

Vừa đúng mà vừa sai. Đúng là vì văn phòng của phi công có đầy đủ các tân thiết bị, và luôn luôn di chuyển giữa các phong cảnh đẹp. Đồng phục phi công cũng rất ngầu. Sai là vì đây là nghề khá mệt mỏi khi phi công phải làm việc bất kể ngày đêm, căng thẳng khi đối mặt với những sự cố và phải luôn ở trong trạng thái cẩn thận, trách nhiệm hết sức có thể.

Có gì trong giảng đường của nghề “bay”

Nếu vẫn còn lăn tăn, mời bạn “nghía” qua một ngày đi học của tớ.

Mỗi sáng, tớ bắt đầu vào học lúc 7 giờ rưỡi, với trang phục là đồng phục của phi công luôn đấy! Ở lớp, tớ học các kiến thức chuyên môn như khí tượng, dự báo thời tiết, nguyên tắc thông gió của cánh quạt hay cấu tạo của mắt, tai, ảo giác. Ngoại ngữ cũng là một môn học “đáng gờm”, vì tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chính của ngành hàng không bất kể ở nước nào.

Nếu muốn tham gia “phi đội bay”, hãy zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công! ảnh 3

Thể lực cũng là một yêu cầu “thép”, vì khi bay tụi tớ phải cầm chiếc cần lái khá nặng trong vòng vài tiếng liên tục. Tụi tớ cũng không được phép say máy bay nữa. Do đó, sau giờ học kiến thức, tụi tớ sẽ có một giờ luyện tập thể lực với những động tác như squat, hít đất, chạy bộ. Trường tớ còn có phòng gym, các phòng tập thể thao… để học sinh rèn luyện thêm. Theo tớ, những bạn từng chơi các môn thể thao đối kháng sẽ có lợi thế hơn, vì ngoài lí do sức khỏe, các bạn đã luyện được sự bình tĩnh và quyết đoán từ thi đấu rồi.

Ngoài ra, nội quy trường tớ khá hay ho và thực tế. Ví dụ tụi tớ phải nói “Good morning sir/ma’am” mỗi khi gặp ai đó trong trường, bất kể người đó là ai, phải tập bỏ những âm lưỡng lự như “ừm”, “ờ” vì nếu nói như thế trên radio sẽ gây khó chịu cho người nghe.

Trước khi chính thức trở thành phi công, tụi tớ phải trải qua một số giờ bay nhất định tùy vào loại máy bay sẽ lái. Ở mức độ căn bản, tụi tớ cần hoàn thành 30 giờ bay giả lập (full-motion), 175 giờ đối với máy bay một động cơ, 25 giờ bay đối với máy bay nhiều động cơ. Con số này có thể tăng hoặc giảm ở các nước khác nhau, nên các bạn nhớ tìm hiểu kĩ nhé!

Nếu muốn tham gia “phi đội bay”, hãy zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công! ảnh 4

Ở nghề phi công, mọi kiến thức mình học sẽ theo mình đến cuối sự nghiệp, do vậy tớ có lời khuyên cho các bạn: Đừng học để đối phó với kiểm tra, thi cử, mà hãy học để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nhiều người bảo nghề phi công sẽ bị “thất truyền” khi các máy bay không người lái được sử dụng. Cá nhân tớ không nghĩ vậy. Máy móc dù thế nào vẫn không thể linh hoạt bằng con người. Khi gặp sự cố máy móc sẽ chỉ phân tích và đưa ra giải pháp dựa trên dữ liệu có sẵn, trong khi ở ngành hàng không, sẽ có rất nhiều sự cố bất ngờ xảy ra mà mình chưa gặp bao giờ. Chẳng hạn như vụ hạ cánh trên sông Hudson nổi tiếng, nếu không có đoàn phi công thì có lẽ máy bay đã bốc cháy khi cố gắng đáp xuống một sân bay nào đó rồi.

Xí một tấm vé vào nghề “bay”

Nhìn chung có ba loại bằng phi công chính: Bằng phi công cá nhân (Private Pilot License), bằng phi công thương mại (Commercial Pilot License) và bằng phi công vận chuyển hàng không (Airline Transport Pilot License). Bằng phi công cá nhân cho phép bạn lái máy bay, nhưng bạn chỉ có thể kiếm tiền nếu bạn có bằng phi công thương mại, và bạn được phép làm cơ trưởng máy bay một động cơ. Nếu muốn làm cơ trưởng máy bay phản lực, bạn phải có bằng phi công vận chuyển hàng không, thêm hai bằng nữa là bằng phối hợp tổ lái (Multi Crew License) và bằng được phép dùng hệ thống lái tự động (Instrument Rating).

Để thành công “xí” một chỗ trong các trường đào tạo phi công, bạn cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đã tốt nghiệp THPT

- Có bằng IELTS 5.5/6.5

- Tự tin, quyết đoán và bình tĩnh

- Sức khỏe tốt

Nếu muốn tham gia “phi đội bay”, hãy zoom vào quá trình học và làm việc của một phi công! ảnh 5

Tùy yêu cầu của chương trình bạn theo học mà bạn sẽ phải nộp giấy tờ phù hợp. Ví dụ: Đối với bằng phi công cá nhân, tụi tớ chỉ cần bằng sức khỏe loại II, nhưng từ bằng phi công thương mại trở lên thì sức khỏe phải đạt loại I mới được theo học. Nhưng nhìn chung, bạn chỉ cần không mắc những bệnh mãn tính như viêm xoang, mù màu, rối loạn tiền đình là được.

Ngoài ra một số quốc gia còn có những yêu cầu riêng biệt. Ví dụ ở vài nước, bạn phải đảm bảo thị lực một bên mắt đạt 10/10 và mắt kia có thể thấp hơn, nhưng ở Việt Nam thì thoáng hơn xíu khi bạn có thể cận nhẹ 2-3 độ vẫn được.

Về các trường đào tạo phi công, ở Việt Nam có trường Đào tạo phi công Bay Việt, ở Indonesia có Perkasa Flight School, ở New Zealand có Ardmore Flying School... Tùy mỗi trường mà thời gian học của bạn có thể kéo dài từ 2-4 năm. Học phí nhìn chung khá “cháy túi”, và mỗi trường sẽ có mức học phí khác nhau, như trường tớ là 95.000 USD/2 năm (xấp xỉ 2 tỉ VNĐ).

Phi công là một nghề học suốt đời, nên các thầy của tớ đều đồng ý rằng học ở trường nào không quan trọng, miễn là mình luôn không ngừng tự học bằng cách đọc thêm sách, lên mạng tìm hiểu những kiến thức liên quan. Quan trọng nhất là bên cạnh những kiến thức chuyên môn, bạn nhớ luyện tập tư duy sẽ luôn gặp những sự cố mới toanh, và sự bình tĩnh khi giải quyết chúng nhé!

Theo Trích HHT 1278
MỚI - NÓNG
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái
Ngày 24/4, sau Lễ xuất quân Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" năm 2024 tại Hà Nội, đoàn hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tuyến số 2 do đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn đã khởi hành tới các địa danh lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Khánh thành công trình Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội ở Điện Biên
Khánh thành công trình Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội ở Điện Biên
Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc lần thứ V, năm 2024 cấp Trung ương; đồng thời phát triển văn hóa đọc, tạo sân chơi tương tác, sinh hoạt Đội cho thiếu nhi tỉnh Điện Biên, ngày 24/4/2024, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức chương trình trao tặng và bàn giao công trình “Không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội” tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?