Ngành BHXH sẽ số hóa toàn bộ hồ sơ, thủ tục hành chính

0:00 / 0:00
0:00
BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ nhận và giải quyết thủ tục hành chính không theo địa giới hành chính. Ảnh trung tâm công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.
BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ nhận và giải quyết thủ tục hành chính không theo địa giới hành chính. Ảnh trung tâm công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.
TP - Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đặt mục tiêu, tới năm 2025, tất cả thủ tục hành chính của ngành được số hoá, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục không phụ thuộc địa giới hành chính, giảm thời gian giao dịch. Để đạt các mục tiêu đó, toàn ngành BHXH đã xác định 5 nhiệm vụ tập trung thực hiện thời gian tới.

Giải quyết thủ tục không theo địa giới

Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 468/QĐ-TTg (Đề án 468). Ngay sau đó, BHXH Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án này. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Kế hoạch đặt ra 3 mục tiêu đạt được đến năm 2025, gồm: Tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ngành BHXH được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính (trừ trường hợp thủ tục yêu cầu phải kiểm tra thực địa; đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở); Tất cả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục được số hóa và kết nối, chia sẻ phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; Giảm thời gian chờ giải quyết thủ tục của người dân, doanh nghiệp xuống còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch.

Để đạt mục tiêu trên, BHXH Việt Nam cũng định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể với các đơn vị trong toàn ngành. Trong đó, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án 468; Tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng quy định.

Ngành BHXH sẽ thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, cơ sở dữ liệu bảo hiểm với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của ngành qua trục liên thông văn bản quốc gia. Qua liên thông để đơn giản hóa và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên môi trường điện tử và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, BHXH sẽ kết nối, tích hợp dữ liệu các phần mềm, ứng dụng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Cuối cùng, ngành BHXH sẽ gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sạch, đủ và chính xác.

Định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Để triển khai các kế hoạch trên, BHXH Việt Nam giao nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả thủ tục hàng năm, từ đó đề xuất phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính. Các đơn vị tập trung đơn giản hoá thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa.

Người đứng đầu các đơn vị được BHXH Việt Nam yêu cầu xác định trách nhiệm trong công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục cho cá nhân, tổ chức.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu giám đốc BHXH các tỉnh thành chủ động, đổi mới công tác chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa. Lãnh đạo BHXH địa phương chịu trách nhiệm quyết định số lượng nhân sự tại bộ phận một cửa. Số lượng nhân sự này phải vừa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và trả kết quả thủ tục không phụ thuộc vào địa giới hành chính, vừa số hóa tất cả hồ sơ tiếp nhận, cập nhật vào Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mạnh nguồn lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, bộ thủ tục hành chính ngành BHXH đã giảm từ 114 thủ tục vào năm 2015, nay chỉ còn 25 thủ tục. Đặc biệt, từ ngày 1/6/2021, cho phép sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - BHXH số thay cho thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh trên toàn quốc đã đánh dấu bước chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành BHXH.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. BHXH Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất tiến tới tích hợp thẻ BHYT vào căn cước công dân có gắn chíp, để thay thế hoàn toàn thẻ BHYT giấy...

Theo BHXH Việt Nam, năm 2020, toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết 87 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chưa kể khoảng 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh trên hệ thống Giám định BHYT). Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết 38,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử. Tính đến hết tháng 7 vừa qua, toàn quốc đã có gần 17 triệu lượt người tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID (đạt 67% kế hoạch).

MỚI - NÓNG