Ngành vi mạch bán dẫn: Điểm chuẩn có cao, ai nên theo học?

TPO - Tính đến thời điểm này, hàng loạt trường đại học mở ngành, chuyên ngành mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực bán dẫn trong tương lai.

Với định hướng phát triển của Chính phủ và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này đang gia tăng rất mạnh.

Hàng loạt đại học mở chuyên ngành vi mạch bán dẫn

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và một số trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mở ngành, chuyên ngành mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực bán dẫn.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành và chương trình đào tạo, tăng gần 600 so với năm ngoái. Trường mở 5 ngành mới, trong đó có Vật lý học (chuyên ngành Vật lý bán dẫn và kỹ thuật).

Tương tự, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM định mở ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Đại học Tôn Đức Thắng mở chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.

Trường Đại học Công nghệ, ba trong bốn chuyên ngành dự kiến mở mới đều liên quan công nghiệp bán dẫn là Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu), Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng Thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử).

Trường Đại học Việt Nhật cũng đang nghiên cứu mở chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, dự kiến tuyển 100 sinh viên cho năm 2025. Còn trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự kiến mở chương trình Công nghệ bán dẫn...

Trước đó, đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo đã mở hoặc chuẩn bị mở các ngành học trong lĩnh vực bán dẫn, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ,...

Lời khuyên từ chuyên gia

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo dự báo thì nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người, đạt trình độ đại học trở lên. Hiện nay chúng ta mới có trên 5.000 kỹ sư thiết kế chip. Do vậy, khá nhiều trường đại học đã mở mới ngành học Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Là chuyên gia nhiều năm trong tuyển sinh, PGS Lập cho rằng, đây là một ngành lai ghép giữa Kỹ thuật điện tử và Công nghệ thông tin. Sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu về: Lập trình; Điện tử; Vật liệu bán dẫn; Công nghệ thiết kế vi mạch.

Ông Lập nhận định, đây là một ngành học khó đòi hỏi một số khả năng nhất định của người học, đó là giỏi về các môn học khoa học tự nhiên (như Toán, Lý, Hóa, Tin học).

“Mặt khác do ngành mới nên chỉ tiêu đào tạo của nhiều trường còn khá khiêm tốn, chắc chắn điểm đầu vào đại học là khá cao. Do vậy, các em học sinh tùy theo sự yêu thích và lực học của mình để tự tin đăng ký ngành học này”- ông Lập nói.

Điểm chuẩn năm 2024 và học phí

Điểm chuẩn lĩnh vực vi mạch, bán dẫn năm học 2024-2025 ở các trường có thương hiệu khá cao từ 24 đến 27 điểm. Một số trường có điểm chuẩn thấp hơn chỉ từ 17 đến trên 20 điểm.

Học phí, điểm chuẩn lĩnh vực vi mạch, bán dẫn năm học 2024-2025 ở các trường cụ thể như sau:

Tên trường

Ngành

Tổ hợp xét tuyển

Học phí (đồng)

Điểm chuẩn năm 2024

Đại học Bách khoa Hà Nội

Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano

A00, A01, D07

24-30 triệu

25,01

Đại học Phenikaa

Kỹ thuật điện tử Viễn thông Chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn

A00, A01, C01, D07

46,2 triệu

24

Đại học CMC

Công nghệ Kỹ thuật điện tử - Viễn thông Chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn

A00, A01, D01

54,6 triệu (hệ chuẩn) 78 triệu (song ngữ Việt - Anh)

23

Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn - Đại học Đà Nẵng

Công nghệ kỹ thuật máy tính – chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn (kỹ sư)

A00, A01, D01, D90

16,4 triệu

27

Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

Kỹ thuật điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế Vi mạch

A00, A01

28,7 triệu

26,31

Đại học Công nghệ thông tin - Đại học quốc gia TP HCM

Thiết kế Vi mạch

A00, A01

35 triệu

26,5

Đại học Cần Thơ

Kỹ thuật máy tính (chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn)

A00, A01

22,7 triệu

24,28

Đại học Quốc tế Sài Gòn

Công nghệ thông tin, chuyên ngành Thiết kế Vi mạch

A00, A01, D01, D07

62 triệu

17

Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học quốc gia HCM

Công nghệ bán dẫn

A00, A01, A02, D90

30,4 triệu

25,10


Thiết kế Vi mạch

A00, A01, D07, D90

31 triệu

25,90

Đại học Bách khoa - Đại học quốc gia TP HCM

Thiết kế Vi mạch

A00, A01

30 triệu

80,03 (*)

Kỹ thuật vật liệu - chuyên ngành Vật liệu nano, bán dẫn và y sinh

A00, A01, D07

30 triệu

68,50 (*)

(*”): Điểm chuẩn phương thức xét kết hợp, theo công thức: = [Điểm ĐGNL quy đổi x 0,7] + [3 x Điểm thi tốt nghiệp THPT x 0,2] + [Điểm học tập THPT x 0,1].

MỚI - NÓNG
Bình luận