Những nhân vật da màu từng bị "tẩy trắng"
Có thể nhắc đến 2 bộ phim là Dragon Ball Evolution (2009) và Ghost In The Shell (2017). Ở Dragon Ball Evolution, dù có cơ hội được chuyển thể một trong những bộ manga nổi tiếng toàn cầu là Bảy Viên Ngọc Rồng, đội ngũ sản xuất đã cho thấy sự thiếu tôn trọng nguyên tác khi hoàn toàn chẳng để tâm đến bản sắc phương Đông dồi dào của bộ truyện.
Justin Chatwin là một diễn viên Canada nhưng lại được chọn vào vai Son Goku. |
Thay vì tìm kiếm một diễn viên gốc Á phù hợp với tác phẩm gốc, đoàn làm phim đã có quyết định khó hiểu khi lựa chọn một diễn viên da trắng để hóa thân thành Son Goku. Từ đó, bộ truyện huyền thoại về quá trình trưởng thành của người anh hùng có trái tim trong sáng và sức mạnh vô song biến thành một bộ phim học đường tạp nham kiểu Mỹ không hơn.
"Dragon Ball Evolution" không được đón nhận vì "phá nát" nguyên tác. |
Một điểm trừ khác khiến khán giả lắc đầu ngao ngán với Dragon Ball Evolution chính là phần kỹ xảo CGI sơ sài đến tạm bợ. Dù ra mắt cùng năm với Avatar, Dragon Ball Evolution chẳng những không bì được với một góc siêu phẩm của James Cameron mà còn không truyền tải được độ hoành tráng mà phiên bản hoạt hình mang lại.
Ghost in the Shell vấp phải sự phản đối dữ dội của người hâm mộ nguyên tác. |
Trường hợp tương tự cũng xảy đến với Ghost in the Shell. Vào thời điểm Scarlett Johansson được công bố sẽ hóa thân thành Thiếu tá Kusanagi Motoko, bộ phim đã vấp phải sự phản đối của người hâm mộ nguyên tác vì lựa chọn sử dụng một nữ diễn viên da trắng để đóng một nhân vật người Nhật Bản.
Bị cáo buộc “tẩy trắng”, đoàn làm phim thỏa hiệp bằng cách định danh phiên bản Thiếu tá do "Góa phụ đen" thủ vai là một... phụ nữ châu Á có bộ não được đặt trong một cơ thể da trắng. Tuy nhiên, cách giải quyết này chỉ càng tạo thêm những phản ứng ngược.
"Ghost in the Shell" bản người đóng cũng không thể để lại dấu ấn đậm nét như bản manga gốc. |
Đạo diễn Rupert Sanders cho biết, sự nổi tiếng toàn cầu của Scarlett Johansson là lý do đằng sau việc chọn cô cho vai chính. Nhưng lời biện minh của anh lại làm nổi bật thách thức mà các diễn viên da màu phải đối mặt:
Nếu các vai diễn được chọn dựa trên tiềm năng doanh thu phòng vé và các nữ diễn viên châu Á hiếm khi có cơ hội chứng minh tài năng cũng như giá trị của họ, thì còn cơ hội nào để họ có thể phát triển sự nghiệp?
Ngày nay "nhuộm màu" nhân vật da trắng
Vấn đề sắc tộc trong nền công nghiệp điện ảnh Hollywood gần đây bỗng có bước ngoặt bất ngờ, nhưng cũng gây tranh cãi không kém. Nếu ngày trước, các bản chuyển thể người đóng bị chỉ trích vì thường xuyên “tẩy trắng” các nhân vật da màu thì ngày nay, xu hướng "nhuộm màu" nhân vật da trắng cũng vấp phải nhiều sự phản đối.
Jake Gyllenhaal trong Prince of Persia từng bị chỉ trích vì "tẩy trắng" nhân vật Hoàng tử Ba Tư. |
Các trường hợp điển hình là các bộ phim chuyển thể người đóng gần đây của Disney. Cụ thể, Disney đã lựa chọn các diễn viên da màu bao gồm Rachel Zegler, Halle Bailey và Yara Shahidi cho những nhân vật vốn có nguồn gốc da trắng là Bạch Tuyết, nàng tiên cá Ariel và Tinker Bell.
Cuộc tranh luận về ba phim chuyển thể người đóng của Disney vẫn sôi nổi trên các diễn đàn. |
Điều này đã khiến dư luận chia thành 2 phe trong việc nhìn nhận vấn đề. Một bộ phận khán giả “chê” nhà Chuột vì cố gắng hoán đổi màu da, được cho là nhằm tìm kiếm danh tiếng và lợi nhuận. Họ lập luận rằng thay vì trao cho những diễn viên da màu một câu chuyện riêng, Disney quyết định biến những nhân vật da trắng thành da đen và tỏ ra mình là những người cấp tiến, ủng hộ mọi sắc tộc.
Tạo hình của nàng tiên Tinker Bell phiên bản mới gây ra vô vàn tranh cãi. |
Một bộ phận khán giả “chê” nhà Chuột vì cố gắng hoán đổi màu da các nhân vật. |
Một bộ phận khác lại bênh vực hãng phim và cho rằng, việc chỉ trích các diễn viên da màu là hành vi phân biệt chủng tộc. Họ nhấn mạnh màu da của các nhân vật chỉ là sự hình dung do thế hệ trước đặt ra và sự sáng tạo nghệ thuật của hôm nay có thể khai thác theo cách mới.
Nhiều người cho rằng sự sáng tạo nghệ thuật của hôm nay có thể khai thác theo cách mới. |
Thế rồi vô hình chung, những câu hỏi khác lại được đặt ra: Sự "tẩy trắng" nhân vật da màu có khác gì việc "nhuộm màu" nhân vật da trắng? Màu da của một nhân vật gắn liền với câu chuyện văn hoá, sắc tộc sâu xa mà nhân vật đó đại diện, vì thế việc "đổi màu da" nhân vật cần được cân nhắc để không làm méo mó giá trị tác phẩm.