Nghệ sĩ Vpop - 'độc lập' đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiện tượng See tình làm nức lòng những người yêu nhạc Việt (Vpop). Nhưng mặc cho bài hát lan tỏa khắp nơi, Hoàng Thùy Linh vẫn “án binh bất động”, hoặc có thể cô ủ mưu hơi lâu... Đây có vẻ như là một trường hợp đã tới kịch trần tiếng tăm mà một nghệ sĩ Vpop có thể đạt được. Nhưng từ “có tiếng” tới thực sự “có miếng” trên trường quốc tế là cả một khoảng cách.

Tất nhiên Hoàng Thùy Linh vẫn thu được tiền qua các nền tảng số nhưng so với con số 1.000 tỷ won mà riêng Gangnam Style (khi đang là hiện tượng YouTube toàn cầu) của Psy từng mang lại thì coi như không.

TẤM GƯƠNG HÀN QUỐC

Để các nghệ sĩ thực sự tiến ra thị trường quốc tế đem về lợi nhuận, Vpop còn thiếu một bệ phóng xứng tầm. Trong khi về chất lượng, có thể đã tiệm cận thế giới. Theo nhạc sĩ Huy Tuấn: “Những sản phẩm âm nhạc thời thượng bây giờ được sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn đạt chuẩn quốc tế. Các bạn trẻ sản xuất, phối khí không thua kém các nước khác. Nếu chỉ may mắn thì thành công không rơi vào Việt Nam nhiều đến thế. Nghệ sĩ Vpop bây giờ đã sẵn chất liệu, đủ chín, và nếu có cơ hội có thể bước ra thế giới”.

Quả thực thời gian gần đây có kha khá bản ghi âm của các nghệ sĩ như Hoaprox, Pháo hay Tăng Duy Tân... lọt vào một số bảng xếp hạng quốc tế hoặc tạo ảnh hưởng nhất định trong khu vực. Sự tăng trưởng đột biến này có thể được lý giải phần nào như một hệ quả của thế giới phẳng. Qua mạng internet, các thế hệ nghệ sĩ ngày nay dễ dàng cập nhật các kỹ năng hơn trước và tác phẩm của họ sau đó cũng dễ được biết đến hơn. Nhưng nếu muốn đứng trên những sân khấu quốc tế cần sự chung sức của những thiết chế lớn - mà nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng "vẫn chưa thực sự đánh giá đúng những nghệ sĩ của thị trường âm nhạc đại chúng" cùng những gì nó có thể mang lại.

Đầu năm ngoái, nhóm nhạc BTS nhận được 42,31% số phiếu ủng hộ để đứng đầu danh sách Những cá nhân làm rạng danh Hàn Quốc. Viện nghiên cứu Hyundai (HRI), cho biết đóng góp của BTS vào GDP Hàn Quốc tương đương hãng hàng không Korean Air. Được biết năm 2019, hiệu quả kinh tế tổng của BTS là 5.560 tỷ won (khoảng 4,5 tỷ USD).

“Việc 1-2 bài hit ra nước ngoài trong thời buổi internet phát triển, 1-2 không khó nhưng nhưng không giải quyết được việc nghệ sĩ có ra nước ngoài được hay không. Để công chúng Mỹ - Anh công nhận nghệ sĩ đấy thì còn nhiều việc phải làm. Nếu Vpop muốn thành công ở ngoài biên giới phải có tập đoàn lớn và cả chính phủ đứng sau”. Nghệ sĩ Phan Việt Hoàng

Tất nhiên ai cũng nhìn ra hiệu quả của mô hình Hàn Quốc và theo nhạc sĩ Phạm Hải Âu thì 5-7 năm về trước, đã nở rộ các công ty giải trí áp dụng mô hình Hàn Quốc từ khâu đào tạo tới quản lý ca sĩ. Sau khi tìm hiểu cũng như trực tiếp tham gia những công ty này, anh rút ra rào cản lớn nhất là tài chính. Phải có tiềm lực đủ mạnh mới có thể như Hàn Quốc- nuôi các thực tập sinh từ khi mới 9-10 tuổi đến khi đủ sức lưu diễn quốc tế.

LỐI ĐI RIÊNG TRONG VPOP

Rút cuộc thì mô hình nghệ sĩ tự thuê quản lý hoặc lập công ty tự quản lý để hoạt động vẫn tỏ ra đắc dụng ở Vpop. Cho dù nó không phổ biến ở những nền công nghiệp âm nhạc lớn mạnh như Anh, Mỹ và nhất là Hàn Quốc.

Nghệ sĩ Vpop - 'độc lập' đến bao giờ? ảnh 1

Cảnh trong MV See tình của Hoàng Thùy Linh. Ảnh: CMH

Ở những thị trường lâu đời này, khái niệm “nghệ sĩ độc lập” (indie artist) chỉ những người tự phát hành sản phẩm, không chịu sự quản lý, định hướng của một hãng đĩa nào. Mục tiêu của họ thường là được các hãng đĩa để mắt tới để có thể bước vào con đường chuyên nghiệp. Ở ta khái niệm này cũng được dùng để chỉ những nghệ sĩ mới, đã có sản phẩm nhưng chưa được đông đảo công chúng biết tới, nhất là trong địa hạt nhạc rap. Thái Vũ từng được gọi là “Hoàng tử indie”. Sau đó đầu quân cho Warner Music và đương nhiên không còn indie nữa.

Nhưng tuyệt đại đa số nghệ sĩ có danh trong Vpop đều “indie” cả vì không chịu sự quản lý chung của một công ty nào và xem ra cũng chẳng công ty nào quản lý nổi. Nhưng trong số đó cũng có những kẻ “độc lập” hơn chút. Đó là các nghệ sĩ tự biên tự diễn mới xuất hiện nhiều thời gian gần đây. Dù gần như vắng bóng trên truyền thông đại chúng, họ vẫn ra sản phẩm, dự án đều và dùng mạng xã hội để “bán hàng” tới tận tay người hâm mộ. Nổi bật trong số này phải kể đến Lê Cát Trọng Lý.

Nghệ sĩ Vpop - 'độc lập' đến bao giờ? ảnh 2

Nhạc sĩ, nhà sản xuất Phạm Hải Âu

Những người như Lý độc lập hơn đa số còn lại ở chỗ tự trang bị cho mình nhiều kỹ năng bao gồm cả một ê-kíp ăn ý, cho nên không bị phụ thuộc vào các mắt xích khác trong thị trường. Họ không chạy show, không xuất hiện trong các chương trình ca nhạc tổng hợp mà chỉ hát nhạc của mình. Nếu xét theo tiêu chí này thì dù đã có công ty quản lý như Vũ, Chillies hay "chưa cùng ai" như Ngọt, Vũ Cát Tường… cũng vẫn là nghệ sĩ độc lập, ít ra về nguồn bài.

Nghệ sĩ Phan Việt Hoàng (Ngọt) cho hay: “Đội độc lập lép vế hơn về quảng bá đầu tư, chứ khía cạnh âm nhạc tôi nghĩ chẳng kém cạnh gì. Hãng đĩa bỏ tiền đầu tư thì sản phẩm phải sinh lời. Cá tính của nghệ sĩ có thể bớt đi chút để phù hợp thị trường hơn”. Warner Music hay Sony khi vào Việt Nam vẫn nhắm vào những nghệ sĩ đã có tiếng để khai thác hiệu quả hơn tại thị trường trong nước. Chứ không lựa chọn con đường tốn kém và bấp bênh như tuyển tài năng rồi đào tạo, lăng-xê như cách Hàn Quốc vẫn làm.

Chắc chắn rằng với tài chính, kinh nghiệm cũng như mạng lưới của họ thì không đối thủ nội địa nào hiện có thể đọ được. Sau này khi Vpop phát triển lên, cần một mô hình quản lý mới thì họ đã có sẵn ở đây rồi và nắm trong tay thế thượng phong?

ĐI XA CẦN “BẠN ĐỒNG HÀNH”

Vấn đề pháp lý, theo Phạm Hải Âu, cũng khiến nghệ sĩ nhất là người mới vào nghề e ngại việc đầu quân cho một công ty giải trí. Nhất là sau những mô hình hợp tác đổ vỡ để lại tai tiếng như Ngô Kiến Huy với công ty của Thanh Thảo, hay gần đây là Lyly, Orange với Châu Đăng Khoa…

Một lý do khiến mọi người không có nhu cầu tìm công ty quản lý: “Thị trường âm nhạc Việt Nam còn nhỏ. Nghệ sĩ hoàn toàn có thể tự bỏ tiền đầu tư ra sản phẩm, tự tìm quản lý, tìm mối quan hệ cho mình. Việc đấy bên Hàn Quốc khó hơn vì họ có rất nhiều công ty lâu đời. Việc lên đài truyền hình KBS, SBS… rất quan trọng, đều cần mối quan hệ cấp công ty”, Phạm Hải Âu cho biết.

Mô hình nghệ sĩ Vpop tự quản lý vận hành tốt chỉ trong phạm vi quốc gia, còn khi tiến ra thị trường quốc tế, theo Phan Việt Hoàng “cần sự đầu tư ở tầm quốc gia, không đơn giản chỉ vài hãng đĩa”. “Con đường đi đến thành công chỉ có một. Rồi thị trường âm nhạc này cũng vào quy trình chuẩn mà thế giới đang làm”, nhạc sĩ Huy Tuấn tiên đoán.

Vấn đề bây giờ chỉ là thời gian. Cho đến khi tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật đối với năng lực cạnh tranh quốc gia được nhận ra. Từ đó xuất hiện những quyết sách lớn làm thay đổi cục diện. Tất nhiên thảng hoặc vẫn có những nghệ sĩ tìm đường ra biển lớn bằng sự giúp sức của nhà sản xuất tầm cỡ quốc tế. Anggun (ca sĩ Indonesia mang quốc tịch Pháp) là một ví dụ. Trước đây Thanh Lam, Mỹ Linh cũng đã từng gõ cửa thị trường Âu Mỹ nhưng vì nhiều lý do đã phải sớm dừng bước. Nhưng nếu nhìn giải trí như một ngành công nghiệp sinh lời cho quốc gia thì sự vận động đầy may rủi của từng cá nhân là không đủ.

“Ngành quản lý ca sĩ của Việt Nam trước nay vẫn đang thành công với mô hình 1 quản lý- 1 ca sĩ hoặc 1 quản lý- nhiều ca sĩ. Trong đó người quản lý chịu trách nhiệm sắp xếp lịch trình, soạn hợp đồng, tìm kiếm các lời đề nghị hợp tác truyền thông hay các tài trợ từ nhãn hàng cho ca sĩ. Việc định hướng dòng nhạc, hình ảnh hầu như do ca sĩ tự nghĩ ra và quyết định. Với mô hình này, ca sĩ vẫn là người làm chủ chứ không giống như các công ty Hàn Quốc toàn quyền quyết định ca sĩ mà họ quản lý phải làm gì. Họ kiểm soát không chỉ về công việc mà còn những vấn đề riêng tư liên quan tới chỗ ở, sinh hoạt và đời sống tình cảm. Các mô hình Hàn Quốc từng áp dụng ở Việt Nam hầu như đều thất bại, dù nghệ sĩ có được đào tạo ở Việt Nam hay Hàn Quốc”- Nhạc sĩ Phạm Hải Âu

MỚI - NÓNG