Ngôi nhà của Mơ

Minh họa:Trương Phương Hoa.
Minh họa:Trương Phương Hoa.
TP - Truyện ngắn của Huệ Ninh thường đậm chất hoạt kê, ẩn phía sau là chất hài lấy từ đời sống thị thành. Một giấc mơ vườn cây giữa những con đường chật người. Một khao khát mùi cỏ cây giữa thế giới đang bị nhân tạo hóa. Tất cả dường như không chỉ là vô vọng mà đã biến thành một cảm thức tự giễu dưới mắt nữ nhà văn. Huệ Ninh vốn là một nhà biên kịch trẻ. Chị sống và làm việc tại Hà Nội.

Mơ mệt mỏi bước vào hàng làm tóc gội đầu. Cô khẩn khoản nhắc chị chủ hàng gội loại gì đừng có mùi, miễn trơn mượt, sạch sẽ là được. Chị chủ vẫn trả lời câu quen thuộc: “Không thì sao trơn mượt”. Mơ bảo: “Nếu vẫn mùi thì thôi vậy”. Thấy khách toan đứng dậy, chị chủ ấn Mơ nằm lại ghế vui vẻ: “Yên tâm, hôm nay tôi gội cho cô loại đầu bảng, giá gấp mười lần bình thường”. Mơ tròn mắt kinh hãi: “Ba trăm năm mươi nghìn á?”. Chị chủ bình thản trả lời: “Chỗ thân tình, lấy giá gốc hai trăm thôi. Mùi dễ chịu vô cùng. Chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên đấy”. Mơ phân vân rồi đành tặc lưỡi nằm lại. Thế nhưng khi gội xong, xì khô, thì thứ mùi “ngây ngất” vẫn ám ảnh. Mơ nhăn nhó thắc mắc:

- Sao chị bảo mùi nhẹ? Kinh chết đi.

- Nàng ơi, không mùi thì có mà gội nước lã à? Dầu càng xịn càng mùi. Vấn đề là mùi có đẳng cấp hay không. Ngửi mùi này dân sành nhận ra nhau ngay.

- Gội lại nước lã liệu có hết mùi không?

- Cô này hâm à?

Nói vậy nhưng chủ vẫn chiều khách, vầy vò đủ kiểu nhưng thứ mùi “nhức mũi” ấy không chịu đi. Chị giải thích “hàng xịn nó vậy, phải một tuần may ra mới bay hết”. Mơ đành trả tiền rồi lao về gội lại bằng thứ dầu ít mùi nhà mình. Lần nào ra hàng gội đầu về cô cũng mím môi thề câu muôn thuở: “Xin kiếu lần sau”. Nhưng mệt quá đâm ra quên mất câu thề. Đúng là… tỉnh hẳn người vì cái mùi kinh khiếp. Nằm khoèo mệt mỏi, Mơ khát khao được tắm gội bằng lá sả, hương nhu. Nhưng bà giúp việc bảo mấy hôm nay không thấy chợ bán. Mấy bụi lá này ở bờ đê cũng trụi rồi. Cái mùi hoàn toàn từ thiên nhiên ấy mới thực quyến rũ, ngọt ngào, mới khiến cô sảng khoái những lúc mệt thế này. Nếu ốm, nó còn như xông. Đúng là thứ mùi như trút gánh nặng trần ai. Mỗi lần tắm gội xong thứ lá ấy, cô lại muốn gần chồng. Mùi sả thay cho lời khoe khoang: “Này, thơm chưa!”. Có điều chồng Mơ chả bao giờ nhận ra. Thi thoảng anh tắm xong tới gần, Mơ thường rú lên đuổi ra xa vì mùi hóa chất. Cái mùi anh luôn miệng tự hào: “X - men hảo hạng đấy”. Mơ thì nhăn nhó: “Xin anh dùng nó trước khi đi làm. Về với em hãy để nguyên bản “cao to đen hôi”! Nếu xưa anh cứ “xịn” thế tán thì chắc em cao chạy xa bay rồi”. Để chiều lòng vợ và được ngủ chung, từ bấy chồng Mơ toàn tắm sáng, trước khi đi làm.

Suốt sáu tháng nghỉ đẻ, nay ra đường Mơ hoa cả mắt, lạc lõng như người cõi  khác. Ở đâu cũng nhà và người, toàn nhà là nhà, toàn người là người. Người đâu lắm thế, nhà đâu nhiều thế. Người thì hằm hè, căng thẳng, bịt chặt khẩu trang kín  mồm, đeo kính kín mắt. Nhà thì lạnh lùng, trơ lì, đua nhau mọc lên cao vút. Một cây số mà mấy chục tòa cao tầng hai bên san sát. Người đầy hự trong các phòng. Xe chen kín dưới tầng hầm. Đến giờ tan tầm cùng nhau đổ ra đường. Nhà nhiều thế, người lắm thế nhưng đường đi thì chỉ có một. Cùng lắm là… một rưỡi! (tính cả cầu vượt). Thế thì bảo sao không tắc! Người thì ngày một nhiều nhưng người thân lại ngày một hiếm. Bạn bè thân thiết chả mấy khi thấy mặt nhau.

Ngày nào, giờ nào, tuyến đường nào cũng tắc. May ra trừ ba ngày Tết cổ truyền. Nắng gay gắt hay mưa tầm tã mà đứng ở giữa đoạn đường tắc, đằng sau cái xe rác thì… ôi thôi. Nhớ lại câu thơ “Chúc Tết” của Trần Tế Xương: “Phố phường chật hẹp người đông đúc – Bồng bế nhau lên nó ở non”. Nhưng non bây giờ muốn ở… to tiền! Người ta xây khu nghỉ dưỡng, resort, vườn sinh thái cả rồi. Trừ khi lên vùng núi xa. Mà núi xa lũ quét một cái thì… Tốc độ sáu tháng phát triển ở Thủ đô hơn vài nghìn năm cộng lại. Cứ thế thì sáu tháng tiếp, rồi sáu tháng tiếp nữa sẽ thế nào? Không, có khi chỉ một tuần thôi ra đường đã khác rồi chứ chả đến sáu tháng.

Sáu tháng nghỉ chăm con, mấy chậu hoa trên ban công của cô cũng chết khô héo gần hết, số còn lại còi cọc, ngắc ngoải. Mơ thèm khát hơn bao giờ hết một mảnh đất để trồng cây.

Ngày nào đi về, để lên đến căn hộ chung cư của mình, Mơ cũng phải chờ thang máy đến nửa tiếng. Khi di chuyển lên xuống thì “dình dình dình” như sắp rơi. Chóng hết cả mặt. Có hôm thang máy đông phải dúi dụi chen chúc, và bị “đấm” vào mũi đủ các mùi hôi nách, hôi chân, hôi mồm, thối tai, mùi cá mú, mùi mít, mùi tỏi… Bất đắc dĩ phải nghe đủ âm thanh từ ho suyễn, khò khè, khạc nhổ, đến các chuyện ba láp, các kiểu chửi thề. Nhiều khi muốn giáo dục con cũng khó.

Trên đường về nhà, ngay sát chung cư cô ở là xưởng gỗ. Mùi gỗ mục thum thủm hàng ngày sộc lên. Lại còn mùi sơn nồng nặc nữa. Những thân gỗ lớn như những thây ma thối rữa nằm la liệt choán cả đường đi. Mơ thấy ngột ngạt….

Ước mơ có một khu đất nhỏ để trồng cây trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nó khiến Mơ phải thực hiện ngay và luôn bằng tất cả khả năng sinh tồn của mình.

Tìm hiểu trên mạng, vẫn còn rất nhiều chỗ đất rẻ cách Hà Nội chừng ba, bốn  chục cây số. Có xe hơi, thì quãng đường như vậy là bình thường. Đi lại ở ngoại thành cũng không tắc đường như trong nội đô. Ở phương Tây, từ nhà tới trung tâm khoảng ba, bốn chục cây số là bình thường. Tất nhiên, hệ thống giao thông công cộng của họ tốt hơn mình. Nhưng chờ đến khi cơ sở hạ tầng của mình giống Tây thì số tiền bỏ ra để mua đất không đủ nữa rồi. Nhiều thứ hàng hóa, kể cả con người ngày một sinh sôi, trừ đất. Nên việc chuyển nhà bây giờ còn khả thi. Hơn nữa, thời buổi bây giờ mạng internet khắp nơi thì khoảng cách đó càng không thành vấn đề.

Mơ tìm trên mạng vẫn có những chỗ đất chỉ có năm trăm nghìn đến hai triệu đồng một mét vuông. Nghĩa là nếu bán căn chung cư hiện tại đi, cô hoàn toàn có thể sở hữu khu đất tầm tầm để làm vườn. Một hy vọng và một nguồn sinh lực mạnh mẽ bỗng đâu chảy về. Cô lên xe máy lao đi khắp nơi quanh Hà Nội. Sục sạo hết các làng mạc. Nhưng gần như tất cả làng đều đã bị bê tông hóa. Nhà sát nhà. Không có building lớn thì các kiểu nhà tầng vẫn chen chúc nhau mọc lên, bên cạnh chuồng lợn, chuồng gà. Vẫn chẳng bóng dáng cây xanh. Các kiểu mùi phân gia cầm, gia súc sực lên khắp làng. Con đường nhỏ hẹp tiến vào các ngõ nhỏ trong làng không đủ cho hai xe hơi đi ngược chiều nhau. Ở đâu cũng khói bụi, nhất là khi chiếc xe công nông phì khói lướt qua. Tiếng ô tô “quá đát” cùng với tiếng xe máy cũ sình thi thoảng lại rộ lên inh ỏi. Đây đó văng vẳng tiếng nhạc xập xình của vài nhà khoe bộ loa mới. Cảnh cây đa, bến nước, con đò, đường đất đỏ, đồng lúa xanh chắc chỉ còn trong tranh ảnh ở viện bảo tàng mà thôi.

Mơ thất vọng nhưng vẫn không thôi ước ao về một mảnh đất mà mình sẽ trồng những loại cây yêu thích, sẽ làm ngôi nhà nhỏ. Nhà tranh, nhà đất, nhà ngói, nhà lá đều được cả, miễn sao không phải sống trong ngôi nhà chung cư giữa phố. Cô nhớ về ngôi nhà cấp bốn bên bờ biển của bố mẹ mình hơn hai chục năm về trước. Đó là nơi ngập tràn trăng thanh gió mát, bên những tán cây rợp bóng, không phải lên xuống cầu thang. Không có tủ lạnh, thức ăn tuy ít nhưng lúc nào cũng tươi ngon. Trời nóng nhưng chả bao giờ cần điều hòa, cũng chả có nước đá. Chỉ cần cho nước sôi để nguội vào chiếc bình tông, nắp kín, thả dây gầu xuống giếng khơi ngâm ở đó từ sáng đến trưa. Khi kéo lên là đủ pha nước chanh uống mát lịm cho cả nhà. Nhưng bây giờ nơi ấy cũng không còn mảnh đất rộng nào trồng nhiều cây nữa. Người ta dành đất cho người và nhà cả rồi. Muốn thấy lại cảnh xưa chắc chỉ còn vào chùa.

Hết ngày này đến ngày khác, Mơ rong ruổi quanh Hà Nội. Sức đã kiệt nhưng lòng vẫn khát. Cô lại phi tới phía Xuân Mai, qua Láng Hòa Lạc, hết đại lộ Thăng Long. Chả biết hỏi ai, cũng chả còn hơi để hỏi. Cô đành dừng bên cây cột điện có số điện thoại chỉ dẫn việc bán đất làm vườn giá rẻ và bấm số. Người chuyên môi giới đất đưa xe hơi cho cô đi thăm thú mấy ngôi làng quanh đó. Cô được giới thiệu tới các vạt đất để bán, được thuyết trình về giá đất và dự án của khu vực này. Nào là các trường đại học bắt đầu được xây dựng ở đây. Nào là tổ hợp y tế chuẩn bị ra đời. Chỗ này là khu công nghệ cao, chỗ kia sẽ là bệnh viện năm sao. Trước mắt cô hiện ra những khu nhà được xây tường bao rộng lớn, thường là vài sào, cây cối um tùm, mát rượi. Anh chàng môi giới đất chỉ trỏ đây là nhà của ông nọ bà kia. “Những chỗ đất được xây tường bao quanh đều là người nơi khác về mua cả. Dân trong làng rất thưa, họ bán đất bỏ ra chỗ không có sổ đỏ ở hoặc đi làm ăn xa hết. Vài nhà ở lại thì bán được đất để xây nhà đẹp, nhưng không còn vườn. Tìm mảnh đất nhỏ như ý em là rất hiếm”.

Mơ dừng lại trước một khu đất rộng chừng bốn trăm mét vuông có rặng tre xanh mướt phía sau. Đứng ở đó cảm giác một không khí khác hẳn, mát mẻ, trong lành, không còn tiếng ồn của phố xá, không bụi bặm, không khói xe. Chẳng lù lù những nhà, hay ngồn ngộn người, chỉ còn bầu trời xanh và không gian rộng thoáng. Làng sạch sẽ, đường đi rộng rãi. Thoang thoảng đâu đó mùi rơm rạ thơm mát, mùi đất ngai ngái, mùi của thinh không choán đầy lồng ngực. Mơ hình dung mình sẽ làm một ngôi nhà đơn sơ, trồng một vườn cây râm mát, xen kẽ trong đó là nhiều giống hoa, giống cây thuốc chữa bệnh, vài luống rau tươi, nuôi một đàn gà. Cô sẽ mặc những bộ quần áo bằng lụa tơ tằm, đi đôi guốc mộc, nằm trên cái chõng tre, vừa làm việc qua mạng, vừa chăm sóc con nhỏ. Tối tối, chồng đi làm về, không phải mất tiền gửi xe hơi mà cho luôn xe vào trong sân, cần thiết thì mới phải ra đường… Ôi, nghĩ mới nghĩ đến thế cô đã thấy sung sướng ngập tràn.

Họ nói khu đất giá sáu trăm triệu. Sau vài lần thăm thú nữa, cô quyết định chọn địa điểm này. Nhưng lúc bàn với chồng thì anh gạt phắt:

- Không hiểu em nữa. Sao lại chọn ở nơi xa xôi như vậy? Con cái thì sắp đến tuổi học hành.

- Ở đâu cũng phổ cập giáo dục mà. Nào cứ học ở phố giỏi hơn ở quê. Mình đều từ quê lên mà có thua kém ai?

- Thời xưa khác. Vì anh học ở quê nên mới thế này. Nếu được đầu tư từ nhỏ bây giờ chắc đã thành sao sáng bên trời Tây rồi!

- Em học hết các bậc học ở đây, bạn em toàn những đứa giáo dục đại học, cho ra lò các cô dạy trẻ, chả lẽ em không dạy được con? Em không muốn nó suốt ngày hít thở khói bụi.

- Đi xa thì càng phải hít khói bụi nhiều. Mấy năm nữa khu vực trên ấy quy hoạch  thì bụi bặm như đây hết. Chả lẽ em không cho nó ra phố mua sắm, rồi khi ốm đau nữa… đằng nào cũng phải đi. Hơn nữa, “dao sắc không gọt được chuôi”, không chỉ việc dạy, học hành còn cần môi trường. Trên vùng sâu vùng xa ấy đua chen với ai?

- Ở đây có mà học đòi. Sống trong căn nhà toàn đồ đạc với các thiết bị điện tử dễ  cận thị, trầm cảm, hoặc hiếu chiến, lúc nào cũng súng ống tên lửa như siêu nhân, bắn nhau ùm ùm, hỏi gì cũng không biết.

- Chốt lại cho nhanh nhá. Muốn ở trên ấy thì tự đi mà mua, tự xây mà ở. Rồi ở một mình. Anh không đi xa thế được nên không tham gia. Người ta ai cũng muốn ở chỗ văn minh nhất, ai cũng mong lao ra phố, chen vào trung tâm, gần nhà hàng, siêu thị, bệnh viện, bến xe. Họ ngu hết, bệnh hết, chết hết cả đấy. Hừ, riêng em thích về vườn nuôi gà trồng rau. Đúng là… người ngoài hành tinh! Ở đây có vài con chuột đã gào toáng lên, về đó tha hồ ở với rắn rết, chuột bọ. Chưa kể đi nhiều thì rủi ro nhiều. Tiền xăng xe quá tội. Đất trên đó biết bao giờ mới lên giá!

- Càng không lên càng tốt, em không muốn sống ở nơi đô thị hóa.

- Buồn cười, cả xã hội phát triển, mình em đi thụt lùi.

- Chúng ta bán nhà đi, chia đôi. Anh thích thì sống ở phố. Em về vườn.

Chồng Mơ đồng ý. Nhưng cô biết thừa rằng anh hoãn binh để khỏi đôi co cho đau đầu, chứ đừng hòng chịu bán nhà. Và chẳng bao giờ anh muốn theo cô tới ở mảnh đất rộng rãi kia. Nhưng cô không bó tay. Bao nhiêu tiền tiết kiệm bỏ ra, trong nhà bán được thứ gì cô bán tuốt, dây chuyền, điện thoại cũng đi tong. Vay mượn thêm, cuối cùng cô cũng lấy được mảnh đất ưng ý và xây được ngôi nhà cấp bốn như mong muốn chỉ trong vòng một tháng. Đêm đầu tiên mơ hào hứng ngủ trong ngôi nhà của riêng mình cùng với cậu con trai. Nhưng cô không sao chợp mắt được, vì mùi phân lợn thốc vào. Hóa ra đằng trước và sát vách nhà cô là hai chuồng lợn mà những lần thăm nhanh cô không để ý. Tiếng chó sủa ran suốt đêm. Tiếng chim lợn từ bụi tre kêu rờn rợn. Vừa chợp mắt vào giấc ngủ mệt mỏi thì tiếng còi điểm danh của doanh trại bộ đội gần đó gầm rú. Tới lúc giật mình nhìn ra bầu trời ửng hồng thì phát hiện ra đoàn xe tải đang ầm ầm tiến lên chân đồi gần đó. Nơi ấy là một vựa đá xanh người ta đang khai thác. Khói từ nhà bên bay mù mịt cả khoảng trời…

Mơ rùng mình kinh hãi. Giờ mới biết mình ngu. Cứ sống thế này không sớm thì muộn cũng phải rời bỏ. Nhưng trước khi tính xem phải bỏ thế nào thì cô cũng phải nhanh nhanh chóng chóng đưa con đi học và lao đến cơ quan cho đúng giờ đã. Mơ ngậm ngùi nghĩ tới cảnh chuyển nhà hoặc phải đối mặt với khó khăn ở chốn quê mùa này suốt chặng đường đi mà chẳng tìm nổi câu trả lời. Thôi thì coi như mình bị lũ cuốn. Người ta bị lũ tay trắng vô vọng. Còn cô thì tự tạo ra lũ, tự làm mình trắng tay nhưng vẫn đầy hy vọng. Dù sao, vẫn có thể chuyển đổi để tới một nơi trong lành hơn. Và đó lại là động lực để cô tiếp tục phấn đấu… 

MỚI - NÓNG