Ngôi trường Campuchia nhận học phí bằng rác

Ngôi trường Campuchia nhận học phí bằng rác
HHT - Tại Campuchia có một ngôi trường đặc biệt với trụ sở làm bằng rác thải tái chế và học phí của các học sinh cũng là những bịch rác.
Ngôi trường Campuchia nhận học phí bằng rác ảnh 1
Học sinh của "Trường Rác" học cách phân loại rác thải. Đằng sau các em là quốc kỳ Campuchia được xếp bằng nắp chai nhựa. Ảnh: AFP.

Có khoảng 65 học sinh đang theo học tại một ngôi trường đặc biệt, với những bức tường phòng học được làm bằng những chiếc lốp xe cũ sơn đầy mùa sắc, và cửa ra vào được trang hoàng bởi một lá quốc kỳ Campuchia làm hoàn toàn bằng các nắp chai nhựa.

Các em học sinh tại đây đang học tập và tiếp thu những tri thức nhân loại tại một nơi được gọi bằng cái tên “Trường Rác” với những khoản học phí đóng bằng rác tái chế thay vì tiền mặt.

Cơ sở này mang đến cho những em nhỏ như Roeun Bunthon, từng làm nghề ăn xin, cơ hội được học tiếng Anh, được làm quen với máy vi tính, toán học và học được giá trị của việc giảm thiểu xả rác cũng như tái chế để bảo vệ môi trường.

“Cháu đã ngừng ăn xin rồi. Giống như là cháu có một cơ hội mới”, Bunthon nói, cho biết học phí của em là một túi các nắp chai bỏ đi.

Tọa lạc ở trong công viên quốc gia Kirirom cách thủ đô Phnom Penh 115km về phía tây, trường Coconut, tên thật của “Trường Rác”, được xây chủ yếu từ rác tái chế và là công trình của anh Ouk Vanday, người cũng có biệt danh “Người đàn ông Rác”. Vanday từng là một giám đốc khách sạn có ước mơ sẽ giúp Campuchia sạch bóng rác thải.

“Tôi giáo dục các em bằng cách yêu cầu các em nhặt rác có thể tái chế về để bọn trẻ hiểu được giá trị của việc sử dụng rác thải một cách hữu ích”, người đàn ông 34 tuổi nói. Trường Coconut được thành lập từ một năm rưỡi trước.

Mục tiêu sắp tới của Vanday là mở rộng các mô hình lớp học này tới các khu vực nghèo ở tỉnh Kampong Speu và nhận 200 học sinh, với các lớp mẫu giáo làm từ chai nhựa vào năm tới. Vanday lạc quan rằng những tâm hồn trẻ trung và còn trong sáng sẽ có thể trở thành đại sứ thiện chí về bảo vệ môi trường trong tương lai.

“Chúng tôi hy vọng chúng sẽ trở thành những nhà hoạt động ở Campuchia sau này và hiểu được cách sử dụng, quản lý, tái chế rác thải”, Vanday chia sẻ.

Hiện trạng thực tế

Ngôi trường Campuchia nhận học phí bằng rác ảnh 2
"Người đàn ông Rác" Ouk Vanday hồ hởi nhận học phí từ các học sinh. Ảnh: AFP.

Động lực thôi thúc Vanday phát sinh từ sau chuyến du lịch xuyên Campuchia. Người đàn ông này đã chứng kiến các điểm tham quan, du lịch ngập trong rác. Cảm thấy cần phải làm điều gì đó, Vanday bắt đầu khởi động dự án thử nghiệm với trường học ở Phnom Penh vào năm 2013 trước khi mở rộng tới địa điểm thứ 2 ở khu vực công viên quốc gia Kirirom như hiện tại.

Ước mong của Vanday là mỗi người dân ở Campuchia có thể có ý thức hơn với việc xả rác ra môi trường. Theo số liệu của Bộ Môi trường Campuchia, nước này xả ra môi trường khoảng 3,6 triệu tấn rác trong năm ngoái, chỉ khoảng 11 % trong số đó được tái chế, và gần một nửa bị đốt hoặc ném xuống sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường.

Phần còn lại của số rác thải được đưa tới các bãi tập kết, khi các đống rác bắt đầu xả ra khí mê-tan và có thể khiến bùng phát các đám cháy bất ngờ và nguy hiểm, chưa kể những tác động tiêu cực tới biến đổi khí hậu.

Vanday cho rằng đây là một viễn cảnh không mấy tươi sáng và trường Coconut đã ra đời với lý do như vậy. Đây là ngôi trường vận hành bằng các nguồn tài trợ, các giáo viên tình nguyện và dành cho mọi đứa trẻ muốn học thêm về bảo vệ môi trường ngoài thời gian học văn hóa ở trường.

Đây cũng là cơ hội để giúp những trẻ em không đủ tiền học phí để tham gia các lớp học phụ đạo có nơi để gặp gỡ, làm quen và chia sẻ kiến thức về bảo vệ môi trường.

Theo AFP, luật pháp Campuchia không thu phí giáo dục công, nhưng phụ huynh vẫn phải trả tiền học phí cho các lớp phụ đạo. Số tiền này có thể dao động từ 5 USD tới hàng trăm USD dựa vào vị trí tọa lạc và mức độ nổi tiếng của trường.

Với những gia đình nghèo ở vùng hẻo lánh, cha mẹ không đủ tiền cho con đi học phụ đạo, sẽ cho những đứa trẻ đi hành nghề ăn xin để tăng thu nhập gia đình. Tại “Trường Rác”, hiệu trưởng Vanday mong muốn anh có thể góp sức để thay đổi hiện trạng này và anh cho biết nỗ lực của anh đã có một số kết quả.

“Giáo viên tiếng Anh không cho phép cháu ăn xin hay chơi cá cược nữa. Cháu thấy vui. Khi lớn lên, cháu muốn trở thành một bác sĩ”, cậu bé Sun Sreydow, 10 tuổi, từng làm nghề ăn xin, cho biết. 

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm