Việt Nam
Xôi gấc chín, bánh chưng xanh, gà luộc hay canh mướp đắng (khổ qua) đều là những món ăn được người Việt quan niệm mang lại nhiều may mắn trong dịp Tết đến Xuân về.
Bánh chưng xanh trở thành một phần trong linh hồn của ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam.
Ở miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết rất nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng không thể thiếu bánh chưng xanh. Trong tín ngưỡng văn hóa, bánh chưng vuông thể hiện sự quy tụ của trời đất, tỏ lòng biết ơn nhớ về tổ tiên cội nguồn. Từ ý nghĩa sau xa này, bánh chưng thành món truyền thống từ ngàn đời của người Việt.
Mâm cơm Tết cổ truyền của người miền Bắc.
Trong khi đó, sắc đỏ của xôi gấc tượng trưng cho may mắn, màu vàng là của cải đầy nhà, canh khổ qua của người miền Nam với ngụ ý "mọi khổ đau sẽ qua", cùng niềm mong ước hướng về tương lai tươi sáng hơn.
Trung Quốc
Sủi cảo có hình như nén bạc, ăn dịp đầu năm với ngụ ý mong muốn sung túc đủ đầy.
Món ăn dịp đầu năm của người Hoa trên khắp thế giới không thể thiếu sủi cảo hấp và cá. Theo quan niệm trong ẩm thực Trung Hoa, sủi cảo là món ăn may mắn, thường ăn vào ngày đầu năm với ý nghĩa đoàn viên. Trong ngày cuối năm, mọi người trong gia đình cùng tụ họp, nặn những viên sủi cảo nhỏ xinh. Chúng có hình dáng gần giống những nén bạc, mang ý nghĩa giàu có sung túc.
Ngoài ra, người Hoa còn ăn cá. Từ "cá" trong tiếng Trung phiên âm là "Yu", đồng âm với dư dả. Với ý nghĩa này, người ta tin rằng ăn cá sẽ mang tới một năm đủ đầy. Bữa cơm đoàn viên còn có cả món bánh gạo nếp "nian gao". Món bánh ngọt làm tự gạo nếp có sự kết dính với ngụ ý kết nối các thành viên trong nhà.
Singapore
Gỏi cá sống Yusheng là món ăn đậm nét Trung Hoa của vùng Triều Châu, nhưng trở thành món đặc trưng ngày Tết của người Singapore.
Món Yusheng ăn ngày đầu năm mới của người Singapore.
Món ăn được chuẩn bị công phu với nguyên liệu từ cá hồi, các loại rau củ, nước sốt và gia vị, trong đó, mỗi thành phần lại tượng trưng cho một ý nghĩa tốt lành. Những lát cá sống thái mỏng tượng trưng cho sự phồn vinh, củ cải trắng mang ý nghĩa làm ăn phát tài, củ cảnh xanh là sự trường thọ, cà rốt mang lại vận may, còn dầu ăn ngụ ý tiền vào như nước. Khi ăn, các thành phần được trộn cùng nhau và rưới chút dầu ô liu lên trên. Mọi người trong nhà cùng lấy đũa đảo đĩa Yu Sheng lên cao rồi cầu ước nguyện cho những điều may mắn khi năm mới tới.
Hàn Quốc
Vào dịp Tết truyền thống, bữa cơm ở xứ sở kim chi không thể thiếu canh bánh gạo truyền thống Tteokguk. Món ăn được chế biến đơn giản từ nước canh xương hầm với bánh gạo thái mỏng. Ngoài ý nghĩa trường thọ, màu trắng của bánh gạo còn mang ý nghĩa thanh khiết, giúp thanh lọc cơ thể.
Canh bánh gạo truyền thống của người Hàn.
Ngoài ra, bữa ăn ngày Tết của người Hàn cũng rất phong phú với bánh pindaettok, món sujonggwa, món Chiage chế biến từ thịt cá nấu mềm và tráng miệng bằng món bánh Yakgwa truyền thống, nhâm nhi siro trái cây Sujeonggwa.
Nhật Bản
Người Nhật không còn phong tục đón tết âm lịch như một số quốc gia châu Á mà chuyển sang ăn tết theo lịch dương như ở phương Tây. Tuy nhiên, họ vẫn có những nghi thức phong tục cùng món ăn đặc biệt trong ngày tết theo truyền thống từ xưa.
Món súp ozoni của người Nhật ăn dịp đầu năm.
Trong đó, món ăn quen thuộc nhất là thưởng thức súp bánh dày ozoni bên những ly rượu sake. Súp bánh gồm các thành phần như mochi, đậu phụ, khoai tây, thịt gà và rau xanh. Bánh mochi làm từ bột gạo nếp, có màu trắng trong, dẻo dai, được bà nội trợ thái lát mỏng, nướng sơ rồi thả vào bát súp ozoni.
Theo: HOÀNG HÀ - Dantri.com.vn