Trung Quốc
Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc thường kéo dài tới... 15 ngày, kể từ ngày 30 Tết đến Rằm tháng Giêng nhưng quan trọng nhất là ba ngày đầu năm mới. Trong ngày mùng Một, người Trung Quốc kiêng dùng dao hay đốt lửa nên sẽ không nấu nướng gì cả, mà sẽ chỉ ăn những món đã nấu từ ngày hôm qua thôi. Thực đơn mấy ngày Tết chắc chắn sẽ không thể thiếu món bánh tổ được làm từ gạo nếp và đường, gần giống với bánh dày nhà mình. Vì gạo nếp rất dẻo, tạo cảm giác dính nên bánh tổ có hàm ý mọi người luôn gắn bó với nhau trong suốt cả năm mới.
Còn khay đựng bánh mứt của người Trung Quốc thường có hình tròn, chia ra làm 8 ngăn và được gọi là khay sum họp. Mỗi món ăn trong đó cũng mang ý nghĩa riêng đấy nhé! Kẹo chúc năm mới luôn ngọt ngào, hạt dưa màu đỏ tượng trưng cho may mắn, lạc (đậu phộng) chúc mọi người sống lâu, quả cam hoặc quýt hàm ý thịnh vượng giàu có… Còn nữa, nếu có muốn đến nhà bạn bè, người thân chúc Tết thì bạn nhớ tránh ngày mùng Ba, vì ngày này dành riêng để mọi người đi ra phố chơi hoặc lễ chùa mà thôi.
Hàn Quốc
Với người Hàn, lễ hội Trung Thu mới là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, nhưng Năm mới cũng rất được chờ đón. Vào ngày cuối cùng của năm, người Hàn sẽ tắm rửa thơm tho sạch sẽ, rồi mặc quần áo truyền thống (hanbok) để thắp hương mời ông bà về ăn Tết. Đặc biệt nhất, người Hàn Quốc sẽ không ngủ trong đêm Giao thừa, vì truyền thuyết kể rằng ai mà ngủ vào thời khắc đặc biệt này, sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả đầu, trí óc cũng kém minh mẫn nữa. Món đồ trang trí nhà cửa của người Hàn không phải hoa lá gì cả, mà là một chiếc xẻng bằng rơm để ngay ngoài cửa, với ý nghĩa dùng để hốt thóc gạo rơi vãi đầy nhà, báo hiệu một năm mới no đủ sung túc.
Nếu nhìn thấy mâm cỗ cúng Giao thừa đúng theo truyền thống Hàn Quốc, bạn sẽ sửng sốt vì độ hoành tráng của nó với hơn 20 món đủ loại. Trong đó nhất định sẽ có kim chi, bánh gạo cay đấy!
Singapore
Có rất nhiều người gốc Hoa sống tại Singapore nên đất nước này gần như có hai cái Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán hoành tráng như nhau. Bữa cơm Tất niên của người Sing nhất định phải có món cá, vì phát âm theo tiếng Hán sẽ có nghĩa là dư dả. Và họ không nhất thiết phải ăn tại nhà đâu, nếu ngại nấu nướng thì sẽ ra tiệm ăn, miễn là cả gia đình cùng quên quần bên nhau. Bên cạnh tiền lì xì, thì người Sing còn tặng cho trẻ em những quả quýt vàng ươm vì nó tượng trưng cho may mắn. Còn nữa, họ sẽ tặng hai bao lì xì hoặc hai quả quýt chứ không tặng một, vì sợ rằng số lẻ không tốt.
Tết Nguyên Đán ở Singapore đặc biệt đông vui hơn nữa với ba lễ hội là thả hoa đăng, lễ hội đường phố Chingay và lễ hội sông Hongbao. Nơi nào cũng được trang trí đẹp mắt với rất nhiều trò chơi, những khu biểu diễn âm nhạc… để mọi người vui chơi thỏa thích, nên khách du lịch đến Singapore vào dịp này vẫn thấy vui như thường.
Mông Cổ
Là dân tộc sống trên thảo nguyên, nên phong tục đón Tết của người Mông Cổ có rất nhiều điểm đặc biệt. Chẳng hạn như ngày 30 Tết, họ sẽ mang toàn bộ bát đĩa ra rửa sạch với sữa ngựa. Món ăn truyền thống ngày Tết toàn là các món chế biến từ sữa dê, sữa bò cùng thịt cừu thịt dê nướng.
Thậm chí câu chúc của họ cũng rất thực tế là “Chúc cho đàn cừu nhà mình béo tốt”. Bởi đối vời người Mông Cổ, tài sản quan trọng nhất chính là đàn gia súc vì chúng cho thịt, sửa để ăn, cho lông để làm len may quần áo giữ ấm, là phương tiện di chuyển qua những dãy đồi rộng mênh mông nữa.
MIU MIU