Người đàn ông nhiễm giun lươn nguy kịch vì chủ quan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một bệnh nhân ở Hòa Bình vừa được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch do nhiễm giun lươn lan tỏa – một dạng nhiễm kí sinh trùng nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở người suy giảm miễn dịch.

Người bệnh là ông B.V.C (72 tuổi), trú tại Hòa Bình. Khi nhập viện, ông trong tình trạng ý thức lơ mơ, sốt cao liên tục, phải thở oxy, thể trạng suy kiệt. Ban đầu, ông được chẩn đoán viêm phổi, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy phát hiện vi khuẩn E. coli – một loại vi khuẩn thường gặp trong đường tiêu hóa, tiết niệu. Đặc biệt, xét nghiệm dịch dạ dày và đờm phát hiện ấu trùng giun lươn, phù hợp với chẩn đoán nhiễm giun lươn lan tỏa kèm nhiễm khuẩn huyết.

Khoảng một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi, sốt kéo dài nhưng chỉ khám sơ bộ và dùng thuốc tại nhà. Sau 10 ngày tự điều trị không hiệu quả, các triệu chứng nặng hơn, người bệnh sốt cao liên tục, rét run, ho nhiều, khó thở nghiêm trọng và phải nhập viện tuyến tỉnh. Sau 6 ngày điều trị không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên.

Người đàn ông nhiễm giun lươn nguy kịch vì chủ quan ảnh 1

Bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch do nhiễm giun lươn

Những yếu tố nguy cơ

Theo bác sĩ Trần Văn Bắc – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, suy tim, suy tuyến thượng thận, thoái hóa khớp và sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài, khiến hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng. Hơn nữa, ông C. làm nghề nông, thường xuyên tiếp xúc với đất mà không có biện pháp bảo hộ, làm tăng nguy cơ nhiễm giun lươn.

Bác sĩ Bắc cảnh báo: "Giun lươn là một loại kí sinh trùng sống trong đất ẩm, ấu trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là vùng bàn chân. Sau khi vào cơ thể, chúng di chuyển theo đường máu tới phổi, xâm nhập vào đường hô hấp, đi xuống ruột và phát triển thành giun trưởng thành. Trong một số trường hợp, ấu trùng có thể xuyên qua thành ruột, tái nhiễm liên tục và tồn tại trong cơ thể nhiều năm. Ở người suy giảm miễn dịch, giun lươn có thể bùng phát mạnh, xâm nhập vào các cơ quan ngoài đường tiêu hóa như hệ thần kinh trung ương, da, gan, tim… gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong".

Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tích cực bằng thở máy, kháng sinh và thuốc diệt kí sinh trùng. Tuy nhiên, tiên lượng vẫn rất nặng và nguy cơ tử vong cao.

Triệu chứng

Phần lớn người mắc giun lươn cấp tính không có triệu chứng rõ ràng. Biểu hiện ban đầu có thể là phát ban ngứa tại vị trí ấu trùng xâm nhập. Nếu nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể đau bụng, tiêu chảy, chán ăn. Nhiễm giun lươn mạn tính thường không có triệu chứng hoặc chỉ có đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch suy giảm – như bệnh nhân ung thư, người ghép tạng hoặc người dùng corticoid kéo dài – giun lươn có thể phát triển mạnh, gây tổn thương đa cơ quan, thậm chí đe dọa tính mạng.

Giun lươn được coi là một trong những loại kí sinh trùng có khả năng tồn tại dai dẳng trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng nhiễm giun lươn rất mơ hồ và đa dạng, khiến nhiều người dễ nhầm lẫn với các bệnh lí khác.

Các biểu hiện bệnh lí do giun lươn gây ra thường được chia thành các dạng sau:

Biểu hiện ngoài da:

Đường ngoằn ngoèo ở da thường xuất hiện quanh thắt lưng và hậu môn.

Mề đay không đặc hiệu kèm theo bầm máu.

Ngứa và nổi sần trên da, đôi khi xuất hiện các vết đỏ giống phát ban.

Biểu hiện đường tiêu hóa: đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội. Đôi khi cảm giác đau có thể giống như bị viêm dạ dày; tiêu chảy từng đợt hoặc kéo dài, dễ khiến cơ thể mất nước và ion cần thiết.

Giảm cân do không thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt từ thức ăn.

Biểu hiện toàn thân:

Mệt mỏi kéo dài, giảm khả năng làm việc và học tập do thiếu máu nhẹ.

Sốt nhẹ không rõ nguyên nhân, thường dễ bị bỏ qua hoặc điều trị nhầm hướng.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh, bác sĩ Bắc khuyến cáo người dân cần giữ vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đất; mang giày dép khi làm việc ở khu vực có nguy cơ nhiễm giun lươn; tránh tiêu thụ thực phẩm sống hoặc chưa qua xử lí đúng cách. Đặc biệt cần kiểm tra sức khỏe định kì, nhất là những người có bệnh nền hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Nhiễm giun lươn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng tránh là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe khỏi nguy cơ nhiễm kí sinh trùng này.

MỚI - NÓNG
Bị cáo Kwok Hakman Oliver Kwok
Luật sư đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ 'phạm tội do lạc hậu’ cho một đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan
TPO - Bào chữa cho bị cáo Kwok Hakman Oliver, luật sư Đặng Kim Chinh đã đề nghị HĐXX xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ ‘phạm tội do lạc hậu’ cho bị cáo này. Bởi bị cáo Oliver là người nước ngoài, đã sinh sống phần lớn cuộc đời ở nước ngoài, dẫn đến kém hiểu biết về kiến thức pháp luật Việt Nam.
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ ở Hải Phòng

Hà Nội đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch

TP - Dịch sởi, tay chân miệng và cúm mùa đang cùng lúc gia tăng số ca mắc tại Hà Nội. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch hiện hữu nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống ngay từ bây giờ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều bệnh nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ.