Người học chưa tin tưởng vào chất lượng giáo dục đại học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua, tại buổi tọa đàm giáo dục đại học (ĐH) Thách thức và cơ hội, đại diện Bộ GD&ĐT cùng các chuyên gia đã nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân thí sinh nhập học thấp so với số người cùng độ tuổi học ĐH (18 - 23 tuổi).

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết rất trăn trở khi tỉ lệ người theo học ĐH so với người trong tuổi học ĐH thấp so với thế giới. Thứ trưởng lý giải có ba yếu tố dẫn đến nguyên nhân này. Đó là nhu cầu nhân lực trình độ cao (tính từ ĐH trở lên) của thị trường kinh tế xã hội Việt Nam chưa cao như các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là với nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nguyên nhân nữa do năng lực các cơ sở giáo dục ĐH còn bị hạn chế bởi nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính nên số lượng không thể tăng nhanh. Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng thừa nhận chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH chưa đồng đều để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Người học chưa tin tưởng vào chất lượng giáo dục đại học ảnh 1

Các đại biểu tham dự tại buổi tọa đàm

Một nguyên nhân quan trọng nữa là người học luôn cân nhắc lợi ích giữa chi phí và lợi ích đạt được. “Đặc biệt, nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng không thể tăng được”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh. Theo ông, trong thời gian gần đây, quy mô tuyển sinh ĐH tăng nhưng chất lượng giữa nhiều trường chưa đồng đều. Thứ trưởng cho rằng việc khó tuyển sinh còn phụ thuộc vào tư duy nhạy bén của các trường. Một số ngành học truyền thống không còn hấp dẫn thí sinh do nhu cầu thị trường lao động thay đổi. Vì vậy, các trường ĐH truyền thống cần đổi mới mạnh mẽ, có chính sách hợp lý song song với việc đảm bảo chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thì sẽ thu hút được người học.

GS.TS Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ nhìn nhận sức hấp dẫn của giáo dục ĐH với thế hệ trẻ ngày càng giảm sút. Trong đó, quy mô tuyển sinh mở rộng hơi quá nên giảm động lực học tập của người học. Theo ông, vấn đề còn nằm ở mức lương sau khi tốt nghiệp không hấp dẫn. Ví dụ như ngành Giáo dục mầm non, tuy tốt nghiệp ĐH nhưng mức lương khởi điểm tính hệ trung cấp. GS Đặng Ứng Vận cũng thừa nhận nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH của nền kinh tế Việt Nam không cao; cơ bản vẫn đang dừng lại ở nhu cầu cần lao động giá rẻ. Trong khi đó, trường ĐH mở ngành theo nhu cầu của người học ồ ạt nên thị trường lao động bão hòa nhanh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay bài toán mà các trường ĐH phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay là phải tự làm mới mình. Trước đây, truyền thống, số năm thành lập được coi là sức mạnh, thì bây giờ có khi truyền thống là lực cản. Sau đại dịch COVID-19, sự thay đổi nhu cầu công việc bắt buộc các trường ĐH phải thích ứng. “Các trường ĐH cần biến đổi, ứng phó, linh hoạt. Còn sinh viên không phải học 1 nghề là suốt đời làm nghề đó, mà sinh viên phải được đào tạo về kỹ năng mềm, tăng khả năng thích ứng để 5 - 10 năm sau có thể làm nghề khác. Đây là thách thức với các cơ sở giáo dục”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ.

MỚI - NÓNG