Từ những quan sát, góc nhìn cá nhân về những hình ảnh, câu chuyện, hiện tượng đời sống, người kể chuyện giỏi có thể khơi gợi được những vấn đề xã hội trong những câu chuyện cá nhân, và ngược lại. Người kể chuyện giỏi sẽ biết cách làm cho những sự kiện, biến cố, con số… sống động trên trang viết. Người Kể Chuyện Tuổi Trẻ là một cuốn sách như thế!
Với 40 bút ký, tác giả Vũ Hoàng Long viết đa góc nhìn, cảm nghiệm sâu sắc về những trải nghiệm tuổi trẻ, nhân sinh quan. Cuốn sách mạn đàm về những điều khiến ta là con người, khi ta đối diện với sự vô nghĩa, trống rỗng, kỳ vọng… Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập đến những vấn đề hết sức thực tế vốn được người trẻ quan tâm, như độc lập tài chính, lao động có phong cách, sống có mục đích… với sự am tường, thông hiểu được thể hiện rõ nét trong cách chia sẻ.
Những chất liệu của đời sống tưởng chừng có thể tầm thường, chìm nghỉm vào thời gian nếu không có (được) ai kể lại. Song với Người Kể Chuyện, một cuộc trò chuyện vắn với bố mẹ, hay khoảnh khắc ngồi vuốt ve vật nuôi, xỏ chân vào đôi giày đã rách, xốc ba lô lên vai, một phần bánh kem bị chê rồi bỏ dở… cũng hàm chứa trong đó những suy tư triết lý, mà khi nhìn sâu vào đó, người ta sẽ thấu rõ hơn sự vận động của đời sống.
Có những điều xuất hiện trong cuộc sống của người viết lẫn người đọc chỉ một lần. Bằng cách lưu giữ và truyền đạt mới có thể tạo ra sự đồng cảm xuyên thế hệ: “À, đã từng có một lối sống như thế”. Có lẽ khi người trẻ viết cho người trẻ, họ sẽ dễ tìm thấy sự đồng điệu hay cả những trải nghiệm khác biệt trong những trang viết.
Nói về sự gánh vác, tác giả Vũ Hoàng Long viết: “Ta chấp nhận mọi thứ mình gánh trên vai. Vì sự gánh vác là trạng thái làm người cơ bản nhất. Nếu bạn không phải gánh sách vở, gánh gạch vữa, gánh con cái, gánh những kỳ vọng xã hội, thì bạn vẫn phải gánh một cơ thể được bố mẹ trao cho và bạn không có quyền lựa chọn. Ta tồn tại, vậy nên ta dám gánh vác.”
Ai cũng có một tuổi trẻ, nhưng vốn dĩ không có khuôn mẫu chung nào định hình. Mốc trưởng thành của tuổi trẻ cũng không phải một thời điểm cụ thể như tròn mười tám đôi mươi hay có công ăn việc làm đầu tiên, mà là chuỗi khoảnh khắc khi mỗi cá nhân biết suy tư mình là ai, mình đã trở thành “mình” ở hiện tại như thế nào, và bước tiếp theo cho cuộc đời là gì.
Người Kể Chuyện Tuổi Trẻ vốn viết về chặng đường tuổi trẻ đã qua. Trong những câu chuyện tuổi trẻ, cũng vì thế cũng đầy gạch xóa, vấp váp, song cũng nhiều hy vọng rằng, ta luôn có thể nhìn đời sống khác đi mỗi ngày, vì bản thân ta - là một phần không tách rời khỏi đời sống này, cũng liên tục chuyển đổi.
Hơn cả, thông điệp đích đến cuốn sách vẫn là sự trưởng thành, khi ta sẵn sàng đương đầu với một chặng đời mới và bình thản khép lại cánh cửa đã qua.