Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống

TPO - Giữa lòng Thủ đô, có một phụ nữ ở độ tuổi 85 vẫn hàng ngày cặm cụi bên những cuộn vải để tạo nên tà áo dài truyền thống thướt tha.
Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 1

Sinh ra trong cái nôi của nghề may áo dài truyền thống nổi tiếng làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội nên từ nhỏ bà Lê Thị Quyến (85 tuổi) đã được tiếp xúc nhiều với nghề và những người may áo dài có tay nghề. Năm lên 12 tuổi, bà Quyến đã bắt đầu theo học nghề và theo cha đi khắp các phố phường Hà Nội để đo, may áo dài cho người dân.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 2

Bà nói: "Ngày đấy bố tôi bảo con nhà nghề thì cũng cần phải biết nghề nên tất cả chị em tôi đều được bố truyền nghề. Ban đầu chỉ là phụ những việc lặt vặt như xỏ kim, khâu cúc áo sau dần là được cầm tay chỉ việc cách may, cách đo... cho đến khi nhuần nghề thì tự làm mọi thứ. Thời ấy, chưa có sẵn những tiệm quần áo như bây giờ. Năm 12 tuổi, khoác trên vai chiếc bồ đà, tôi theo cha đi khắp những phố phường để may đo cho gia chủ".

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 3

Sau khi trưởng thành, được vào làm tại hợp tác xã may đo và bén duyên với chồng là ông Lê Thành Vinh - một thợ may có tiếng cùng làng Trạch Xá, đến năm 1990, bà Quyến bắt đầu tự mở tiệm may cho riêng mình và lấy tên là Vinh Trạch để gợi nhắc về làng nghề mình sinh ra. Tiệm may nhỏ nằm trên đường Lương Văn Can là tiệm may đầu tiên của bà.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 4Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 5

Dù đã 85 tuổi, nhưng hàng ngày bà Lê Thị Quyến vẫn tỉ mỉ khâu từng tà áo dài, từ việc xâu kim, luồn chỉ... bà đều có thể tự mình làm một cách trơn tru. Bà gọi cái nghề này là nghề "làm đẹp cho đời": "Chỉ cần nhìn người ta mặc lên chiếc áo mình may là tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Thực ra mà nói thì nghề này cũng là nghề làm đẹp cho mọi người, một phần nữa là mình cũng không biết buôn bán nên lại càng hăng say với nghề" - bà cho hay.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 6Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 7

Từ tiệm may nhỏ này, bà đã kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống và nuôi lớn 7 người con ăn học thành tài. 7 người con của bà ai cũng tốt nghiệp đại học, có những người con tốt nghiệp đến 2 trường và ai cũng đều có công ăn việc làm ổn định.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 8

Cho đến hiện tại, bà Quyến vẫn giữ cho mình lối khâu tay truyền thống chứ ít khi dùng đến máy may: "Tay khâu như chúng tôi làm phải là tay dọc chứ không tay ngang. Kỹ thuật khâu được truyền từ đời các cụ nên chúng tôi cứ thế mà khâu. Bây giờ, người ta chuộng may máy bởi nó nhanh nhưng đường may sẽ cứng. Ở đây chúng tôi vẫn giữ lối may tay, biết là sẽ lâu hơn nhưng đường may sẽ mềm mại và mình định liệu được 2 tà áo. May tay khi mặc áo vào thì tà áo nó khép, đưa tà vào nhưng nếu may máy thì sẽ bai, không thể đẹp bằng áo khâu tay".

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 9Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 10Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 11

Theo bà Quyến, may áo dài thì công đoạn nào cũng rất quan trọng. Một chiếc áo may rồi không dễ mà sửa được, nếu mà sửa cũng sẽ rất lâu công. Đo chiều dài, rộng ngang cần phải chuẩn để khi lên dáng áo vừa vặn với cơ thể nhưng cũng phải đảm bảo độ thoải mái cho người mặc cử động: "Nhiều khi mình may cho khách thì cũng bảo khách mặc thử luôn khi nhận, nếu khách mặc đẹp thì lần sau mình cứ thế phát huy còn nếu thấy chỗ nào chưa ổn thì mình khắc phục ngay".

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 12Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 13

Hiện nay, không chỉ bà Quyến mà các con bà cũng có nhiều người theo nghề. Không chỉ vậy, bà cũng dạy nghề cho nhiều con cháu trong họ để họ cũng có cái để "kiếm cơm".

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 14

Chính bởi sự tỉ mỉ và tay nghề "lão luyện" mà áo dài bà Quyến may rất "được lòng" khách hàng. Không chỉ có khách trong nước mà du khách nước ngoài cũng rất thích áo bà may.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 15

Những kỷ niệm trong khi làm nghề được bà lưu giữ tại chính tiệm may của mình.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 16

Anh Lê Thành Đạt là con thứ 7 của bà Quyến, hiện tại cũng đang sở hữu một tiệm may áo dài trên cùng con phố Lương Văn Can. Anh cho biết sau khi học đại học, vì muốn tiếp nối lại nghề truyền thống của gia đình nên anh vừa học vừa làm và dần dần trở thành tình yêu, ngấm vào máu mình từ lúc nào không hay.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 17

"Tôi mong muốn rằng chiếc áo dài Vinh Trạch sẽ làm nên thương hiệu để sau này các bạn trẻ có thể tiếp cận được với tà áo dài truyền thống và lưu truyền mãi đến mai sau. Sống với nghề thì phải cũng tìm cách giữ nghề nên tôi cũng truyền lại nghề cho con cho cháu mình như chính cách chúng tôi đã được học từ ông bà, cha mẹ mình vậy. Truyền nghề một cách tự nhiên nhất để cho tình yêu với chiếc áo dài nảy nở dần và ngấm vào máu thế hệ mai sau mới là cách hiệu quả nhất. Tôi hy vọng con cái tiếp nối nghề truyền thống của gia đình và đưa được áo dài vươn tầm thế giới", anh Đạt cho hay.

Người phụ nữ Hà thành dành cả đời cặm cụi may áo dài truyền thống ảnh 18

Áo dài truyền thống của người Việt Nam có cái hay là tôn vinh được vẻ đẹp của người phụ nữ và che được nhiều khuyết điểm. Áo dài mang nét đặc trưng khác hẳn với những thời trang nữ khác. Đến bây giờ, áo dài của Việt Nam ngày càng tân tiến và tiếp cận được nhiều hơn với giới trẻ bởi chiếc áo dài đã được cải biên rất nhiều.