Người Quảng có xấu xí không?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà văn Vũ Hạnh người Quảng Nam, tác giả tiểu thuyết “Con chó hào hùng”. Ông còn viết cuốn “Người Việt Cao Quý” ký tên tác giả giống như của người Ý: A. Pazzi, độc giả cứ tưởng bở người nước ngoài, như vậy có phải là lừa bịp xấu xí? Chắc là không. Tin đồn loan ra là có một kỹ sư hóa học người Ý thật, sống lâu năm ở Sài Gòn đã viết ra cuốn đó.

Thời học trò tôi có lấy bút danh Vũ Thị Phù Sa, làm thơ "ái tình diễm lệ", không phải để tiếp cận làm "dễ lịm" các em gái hậu phương, mà chỉ thích vậy, dùng tên nữ do cho vui, không lừa ai, như vậy có xấu xí không?

Nguyễn Nhật Ánh quê ở Thăng Bình, Quảng Nam, và đây - trên báo Thể thao Văn hóa tháng 11/ 2011 có đăng bài "Nguyễn Nhật Ánh từng ký bút danh “rất sến”: Trong truyện dài “Lá Nằm Trong Lá” có in 10 chân dung do họa sĩ Hoàng Tường “hí họa” các “văn hữu thuở học trò” của Nguyễn Nhật Ánh. Những văn hữu này gồm các nhà văn, nhà báo mà khi nhắc đến tên có nhiều người biết.

Nhưng đây chỉ là tên gọi nổi tiếng của họ, còn thời học trò họ ký các bút danh nghe sặc “mùi kiếm hiệp”, “rất sến”. Chẳng hạn nhà báo Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) có bút danh là Tiêu Phong, Nguyễn Công Khế là Thương Việt Linh, Bùi Chí Vinh là Trần Đại Việt, Huỳnh Như Phương là Lê Hồ Phủ, Nguyễn Thái Dương là Nguyễn Mặt Trời, Nguyễn Đông Thức là Long Nhi, Lê Minh Quốc là Thiên Bất Hủ, Vũ Trọng Quang như trên đã nói, là Vũ Thị Phù Sa... Và đây thơ của "nàng":

Sáng hôm nay em trở vào lớp học

Đứng thật lâu hồn ngơ ngẩn vô cùng

Nhìn vào lớp bỗng dung em bật khóc

Hàng cuối cùng một chiếc ghế bỏ không

(trích Như chiếc ghế bỏ không - VTPS)

Nguyễn Nhật Ánh cũng có bút danh danh sến chảy nước là Hoài Mộng Diễm Thư - Học trò lấy bút danh cho kêu đâu có lừa ai, đâu có gì xấu xí?

Khi cha mất, anh em tôi theo mẹ vào Sài Gòn, lúc đó giọng nói tôi âm hưởng Quảng Nam, bọn nhóc trong xóm nghe không hiểu, trêu chọc tôi: "Ê thằng này không phải người Diệt/Việt mình", vậy tôi đích thị không phải Người Việt Cao Quý, tức là xấu xí, tôi có xấu xí không?

Hồi nhỏ bị sán lãi, bụng hơi bị to, bạn trong trường gọi tôi là "Chín Bụng", tôi giận quá đánh nhau, kết quả thầy bắt cả bọn quỳ trong lớp, "chín bụng" của thằng nhỏ Quảng Nam được xem là xấu xí, danh xưng áp đặt tạm chấp nhận được.

Mẹ tôi thường hay hút thuốc Cẩm Lệ, phụ nữ hút thuốc lá không được, nhưng mùa lạnh mẹ tôi phì phèo cho ấm, có xấu xí không? Vào Sài Gòn mẹ bán giẻ rách cho khách mua về lau xe, ở chợ Khu Dân Sinh thuộc quận nhất (thời chế độ Ngô Đình Diệm nổi tiếng tổ chức cờ bạc Casino, nhiều người thua nhảy lầu tự hủy); vì không có vốn để bán quần áo, vậy mà mẹ nuôi chúng tôi ăn học đàng hoàng. Một người MẸ tuyệt vời; làm sao mà xấu xí được. Tôi có thơ về mẹ:

Một tay ôm con một tay ôm đàn

không còn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng lãng mạn khói lửa

tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu

thở mùi tanh của cá

tắm dòng sông nước đen

(Ngôi nhà, VTQ)

“Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng nguyên quán Quảng Nam, người hay đùa giỡn trong thơ "Thưa em hai hột ba ngàn” (ngài Bàng Dúi chú thích đây là hột vịt lộn, chứ đừng nghĩ sâu xa); hoặc "Ước gì khi tôi chết kỳ nữ Kim Cương ngồi đái trên mộ tôi". Chuyện kể khi dạy về Thúy Kiều, thương thân cô Kiều trầm luân, ông nhảy qua cửa sổ dông mất, một hình ảnh nhân bản vời vời, như vậy có xấu xí không? Nhắc đến Truyện Kiều tôi nhớ câu:

Tiếc thay một đoá trà mi

Con ong đã mở đường đi lối về

Có người bàn: Ở Quảng Nam có huyện Trà My, nghi vấn Kiều là người Việt quê ở đây, bị bắt bán qua Trung Quốc?

Ha ha.

Nhà thơ Thu Bồn ở huyện Điện Bàn - Quảng Nam có những câu thơ:

Các cô nông trường cười chế giễu

Nhà thơ cũng biết chăn bò

Tôi cười đáp lại

Tôi không chăn bò đâu

Tôi chăn đôi sừng nhọn của tôi

Những tiềm lực của đất đai và sữa…

Và thơ văn xuôi

Trường Sa quanh năm tắm nắng mặt trời, ngọn gió nào cũng ngược, cây chịu bão và cây chịu nước, cua còn đỏ cạch như nung. Đàn hải âu mềm mại ung dung - thân xác chúng như làm bằng sóng.

Sáng nay lòng ta sao cháy bỏng - bọn cướp nào đến bóc đất Trường Sa? Tờ báo trong tay trang gió lật qua, rồng phun nước phía Nam, trứng rồng không đắt bằng giá gạo, chuyến tàu lửa Bắc Nam đánh tráo khách lữ hành và những gã lái buôn.

Ngoài thơ có một Thu Bồn khác, một Thu Bồn đục thủng ba lô vác con dọc dãy Trường Sơn, một Thu Bồn nhổ trộm sắn sì sụp nướng ở nông trường, một Thu Bồn còng lưng vác đất đào đắp sông Tô Lịch… Một con người đa tình và đa tài, cá tính như vậy có xấu xí không?

Có câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Định nằm co, Thừa Thiên ních hết”; câu này lỗi tại vần, “cãi” cho hợp với “Ngãi”, thật ra người Quảng hay cãi là người hay tranh luận phản bác thì chẳng có gì xấu xí.

Ca sĩ Ánh Tuyết hài hước những lời hát thành giọng Quảng, những bài Bolero và album Duyên Kiếp vốn rất hấp dẫn người nghe, phù hợp với đám đông ưa thích dòng nhạc cái gọi là “sến” này, lại được chế biến với âm ngữ rất Quảng. Vậy có xấu xí không?

Tôi có người bạn thân là Nguyễn Hải, nói chuyện giọng đặt sệt Quảng Nam, nhưng khi hát thì hát rất hay bằng giọng Bắc, Hải hát bài Quán Thế Âm (Đạo Ca 4) của Phạm Thiên Thư bày tỏ được hồn bài hát, tràn bờ cảm xúc, nghe những ca sĩ chuyên nghiệp tôi không khoái bằng:

Thế rồi, một hôm mẹ chết, hơi mẹ trong trời chưa hết, ôm cả trần gian đầy vơi, Nhân loại đeo tang người.

Tim mẹ thành ra trùng dương, máu mẹ thành sông thành nước,

Ôi đời trầm luân mẹ thương, chiếu ánh sáng từ quang…

Thấy Nguyễn Hải hát hay tôi giới thiệu Hải đến nhà hàng Văn Cảnh đường Calmette, trưởng ban nhạc của nhà hàng công nhận giọng bạn hay có hồn, nhưng ông ấy nói riêng với tôi không thể nhận vào được vì không có ngoại hình, không “đẹp trai number one”. Với giọng Quảng Nôm, tiếng hát chuẩn, không thể là người Quảng xấu xí.

Người Quảng có xấu xí không? ảnh 1
Người Quảng có xấu xí không? ảnh 2
Thi sĩ Bùi Giáng và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – những danh nhân người Quảng Nam

Tôi đã ngồi lại trên cầu Nông Sơn (*) bắc ngang qua sông Thu Bồn thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam, cầu được xây sau sự cố chìm đò ở Cà Tang (mới đây năm 2021 cầu được xây dựng thay thế cây cầu cũ đã xuống cấp sau 16 năm). Ông Võ Nghĩnh 82 tuổi làm lật đò (hay trời đất) bị kêu án 3 năm tù, trước tòa ông nói: "Mà ông trời ác quá tại sao không để cho tui chết thay cho các cháu được không, để tui sống làm chi", tiếng khóc xúc động thương tâm, ông lão chèo đò có xấu xí không?

Còn nhiều chí sĩ yêu nước văn nhân người xứ Quảng Nam như: Tổng đốc Hoàng Diệu (tuẫn tiết trong trận đánh giữ thành Hà Nội), Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Phan Khôi (tác giả bài “Tình Già”, có thể xem ông là người gieo mở phong trào Thơ Mới), Nguyễn Văn Xuân (nhà Quảng Nam học, trước tác từ 1945, mới đây NXB Hội Nhà Văn cho ra mắt Nguyễn Văn Xuân toàn tập 7 cuốn, cuốn nào cũng dày cui); họ là những người tử tế. Dĩ nhiên có một số ít người không đàng hoàng, nhưng không vì thế mà gộp chung trong mệnh đề “Người Quảng Xấu Xí”.

Ở Đà Nẵng có Quán Xấu Xí (455 Âu Cơ) là nơi bán những món; Kem cuộn, các loại chè, bánh tráng trộn... rất được giới trẻ ưa thích, những món tuyệt cú mèo, thì không xấu xí chút nào cả.

Ở Bảy Hiền, quận Tân Bình có chợ Bà Hoa, mà người Quảng Nam tại Sài Gòn đều biết. Chợ là nơi tập hợp những người Quảng nhớ về quê hương, chuyên bán đặc sản dân dã đậm hương vị xứ Quảng như: Bánh đập, bánh Thuẫn, mì Quảng, dưa món, cá nục kho và nghe trao đổi bằng “chi mô rứa hè”... Ôi những hoài niệm đáng trân trọng, mang truyền thống ngoài nớ không thể nào xấu xí được.

Tôi là người Quảng Nam “lưu vong” trên đất Sài Thành. Chuyện nọ xọ chuyện kia, có sao nói vậy người ơi.

Người Quảng xấu xí ?

Phản đề là Không.

MỚI - NÓNG