Có những cái Tết ở những ngày thơ như thế
Ngày bé, khi không khí mỗi sáng bắt đầu lành lạnh, là bọn trẻ chúng tôi đã cảm giác được hương vị Tết rồi. Và nó dần hiện rõ hơn bao giờ hết từ ngày đưa ông Táo về trời. Chúng tôi bắt đầu nôn nao nghỉ Tết, còn người lớn thì tất bật chuẩn bị cho ba ngày đủ đầy - đồng nghĩa với ước mong một năm sung túc.
Nhà thì làm mứt, nhà thì nướng bánh, rồi thì muối cải, gói bánh Tét. Mỗi người một nhiệm vụ, người già hay trẻ con như bọn tôi đều có việc để làm. Đó có thể là trút đậu (đãi vỏ đậu xanh) hay cắt giấy lót bánh bông lan. Xong, họ chia nhau qua lại, cho món ngon ngày Tết thêm phần sung túc. Cái không khí chuẩn bị ấy, ai đã từng trải qua chắc đều không thể quên được.
Những ngày quây quần bên nhau vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ.
Còn với bọn trẻ chúng tôi, háo hức nhất vẫn là quần áo mới. Và hình như chỉ có ngày Tết, chúng tôi mới được có thêm những bộ trang phục mới. Ngày đó, gia đình còn khó khăn, nên những bộ đồ ngày Tết của anh em tôi toàn do mấy cậu mấy dì làm ở thành phố mua cho. Dần dà, sự mong chờ Tết còn là mong chờ ngày họ về để mình được chiêm ngưỡng những thứ mới mẻ, dù là không phải do chính mình chọn lựa. Niềm hạnh phúc, đơn giản thế đấy!
Phong tục mỗi vùng miền khác nhau, nhưng hẳn là ai cũng có những mảng ký ức hạnh phúc, bình dị về Tết như thế.
Cuộc sống hiện đại, có đồng nghĩa chúng ta luôn và phải luôn tiến tới?
Là vì ngày xưa, cuộc sống còn khó khăn, Tết như là một dịp để người ta nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, và được ăn những món ngon bù cho khổ cực đã qua. Nên khi giờ đây, cuộc sống đủ đầy, nồi thịt kho có thể có ở bất cứ thời điểm nào trong năm, quần áo mới thấy thích thì mua, không cần đợi Tết nữa, thì người ta bắt đầu thấy Tết mất đi vai trò của nó? Thậm chí còn là làm ù lì nền kinh tế so với nhịp đập của thế giới?
Tôi không nghĩ vậy. Người ta thấy chán Tết, hẳn là vì người ta không biết cách thưởng thức Tết, thậm chí có khi chưa từng trải qua một cái Tết đúng nghĩa. Hoặc là vì họ vui chơi quá nhiều trong năm rồi, nên điều đó ở dịp Tết trở nên quá bình thường. Hoặc là vì khi đến Tết, người ta vẫn cứ tiệc tùng thâu đêm với đâu đâu ngoài kia, mà không ở nhà để tận hưởng cái không khí giao thời ấy. Bản thân Tết không chán, chỉ có bản thân mỗi người làm nó trở nên chán trong mắt chính mình mà thôi.
Ai trong chúng ta mà không mong mỏi những phong bao lì xì khi Tết đến?
Người ta thấy Tết làm chậm chạp sự phát triển của đất nước, hay là vì thay đổi những thứ khác không được, nên cứ đem Tết ra “gộp”? Nếu năng suất làm việc không cải thiện, thái độ làm việc không nghiêm túc, thì có bỏ hết tết này lễ nọ, chắc cũng chẳng thay đổi được gì đâu. Người Thái họ vẫn đón tết cổ truyền Songkran vào tháng Tư đó thôi. Người Nhật thì lại có hẳn một kì nghỉ dài 7 đến 10 ngày gọi là Tuần lễ vàng vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm với một chuổi các ngày lễ truyền thống. Mà họ vẫn phát triển, vẫn thức thời đó thôi.
Cuộc sống hiện đại, có đồng nghĩa chúng ta luôn và phải luôn tiến tới? Và dù là vậy đi chăng nữa, thì việc cho mình một điểm dừng về thể trạng và tâm hồn, thì có gì sai? Tôi không biết bỏ hay “gộp” Tết là nên hay không. Chỉ nghĩ rằng có nhiều điều sẽ mất đi lắm. Và biết rằng vẫn còn có rất nhiều người ngóng trông nó.
Tết với những biểu tượng truyền thống giống như một điểm dừng cho tâm hồn người Việt.
Tết ở trong tim
Có những nghề, chỉ thật sự bắt đầu khi không khí Tết dần dần tràn về. Có những người, chỉ có thời gian về bên gia đình vào khoảng thời gian rộn ràng này. Và ở đâu đó, có những người bà vẫn cố gói cho kì được những đòn bánh Tét, nấu cho con cháu nồi thịt kho mang màu sum vầy…
Những người bán hoa, trồng mai, làm kiệu vẫn vui nhất là khi Tết về.
Thế nên, dù là Tết nay có nhiều nét khác Tết xưa, nhưng vẫn có những con tim chưa bao giờ lớn, vẫn trông ngóng Tết với vẹn nguyên cảm xúc ấu thơ. Mình phải học hỏi và lớn lên, để đi theo dòng chảy của thời đại. Nhưng mình vẫn phải giữ lại những thứ thuộc con tim, cho riêng mình. Bởi tình thì làm sao có thể lấy thước đo để quy về một mặt, nhỉ?!
Tôi không có lựa chọn của mình. Bởi trái tim đã làm điều đó rồi. Và nó vẫn luôn nhớ những điều này:
“Mùng một Tết cha,
Mùng hai Tết mẹ,
Mùng ba Tết thầy”.
H. HAWLIET - Ảnh trong bài tổng hợp từ Internet
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả