Người ta hẳn có lý do khi nói rằng thất bại chỉ là một phần của học hỏi

Người ta hẳn có lý do khi nói rằng thất bại chỉ là một phần của học hỏi
HHT - Mọi thành công đều đến sau những lần người ta nghĩ: “Ít nhất, mình cũng phải thử cố gắng xem sao”.

Có một câu chuyện nhỏ đầy ẩn ý, không biết bạn đã từng đọc chưa. Chuyện kể rằng một người đàn ông nọ đi ngang qua một đàn voi, và ông chợt dừng ngay lại, vì rất ngạc nhiên khi thấy mỗi sinh vật to lớn này lại chỉ được giữ bằng một sợi dây rất nhỏ buộc vào một chân trước của nó. Không có chuồng. Không có xích. Rõ ràng là bất kỳ lúc nào, những con voi cũng có thể giật đứt sợi dây. Nhưng vì lý do gì đó, chúng lại chẳng làm như vậy.

Người qua đường này không kìm được tò mò, nên đến gặp người huấn luyện voi và hỏi tại sao những con vật hoang dã này lại chỉ đứng đó mà không cố trốn thoát.

- Lý do là thế này - Người huấn luyện voi giải thích - Khi chúng còn rất nhỏ, chúng tôi đã dùng chính những sợi dây cùng cỡ này để buộc vào chân chúng, không cho chúng chạy lung tung. Vì lúc đó voi còn bé, nên sợi dây đó là đủ để giữ chúng rồi. Khi chúng lớn lên, chúng vẫn tin rằng mình không thể giật đứt sợi dây mà bỏ trốn được. Chúng tin rằng sợi dây đó vẫn là đủ để giữ chân chúng, nên chúng không bao giờ cố làm đứt dây mà bỏ đi.

Người qua đường thực sự bất ngờ. Những con vật khổng lồ này có thể về với tự do bất kỳ lúc nào chúng muốn, nhưng chỉ vì chúng tin là mình không thể làm được, nên chúng cứ mắc kẹt ở nơi này.

Những chú voi to lớn chỉ bị giữ lại khi chúng tự nghĩ rằng mình không thể bỏ đi.

Cũng giống như những con voi đó, có bao nhiêu người trong số chúng ta cứ đi mãi trên con đường cuộc sống mà giữ chặt lấy niềm tin rằng mình không thể làm điều gì đó, chỉ đơn giản vì mình đã từng thất bại hoặc làm hỏng việc đó chỉ một lần trước đây?

Còn bây giờ, bạn hãy nghe một câu chuyện có thật khác.

Vào tháng 6 năm 1985, hai nhà leo núi người AnhJoe SimpsonSimon Yates đã thực hiện chuyến leo đầu tiên ở vách phía Tây của ngọn núi Siula GrandePeru - ngọn núi cao 6.400m, phủ đầy tuyết, được coi là một trong những điểm leo núi kinh hoàng nhất thế giới. Đó là một chuyến leo núi cực kỳ khó khăn - nhưng vẫn chưa so sánh được với những gì sẽ diễn ra sau đó. Ngay khi bắt đầu xuống núi, Simpson bị ngã và bị vỡ đầu gối bên phải. Yates đã có thể bỏ lại bạn mình, nhưng ông vẫn cố tìm ra một cách đưa dần bạn xuống núi, bằng cách buộc dây vào bạn và thực hiện một loạt những lần trượt, thả gần như là… trông chờ vào may mắn, vì cả tinh thần lẫn sức lực đều kiệt quệ vì tuyết và lạnh. Nhưng rồi Simpson ngã vào một kẽ núi và cuối cùng, Yates không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt sợi dây buộc vào bạn mình, vì tin rằng giờ thì bạn mình đã chết.

Nhà leo núi Joe Simpson.

Về sau, trong cuốn sách về chuyến leo núi này với tựa đề Chạm vào khoảng không, Joe Simpson đã viết:

“Khi tôi nhìn các băng tích ở phía xa, tôi biết rằng ít nhất mình cũng phải cố thử. Có thể tôi cũng sẽ chết giữa những tảng đá mòn đó. Ý nghĩ này không khiến cho tôi hoảng sợ. Nó có vẻ như là một sự việc rất hợp lý, một sự việc tất yếu. Chuyện đã thế rồi đấy. Thế thì tôi cũng có thể nhắm tới điều gì đó chứ. Nếu tôi chết, ừ, điều đó cũng chẳng mấy bất ngờ, nhưng tôi sẽ không chỉ nằm chờ việc đó xảy ra được. Ở kẽ núi đó, nỗi sợ hãi cái chết không còn tác động đến tôi như trước nữa. Giờ tôi có cơ hội đối diện với nó và chiến đấu chống lại nó. Nó không còn là một cơn kinh hãi tăm tối ảm đạm nữa, chỉ là một thực tế thôi, cũng như cái chân gãy và những ngón tay lạnh cóng của tôi, và tôi không thể sợ những chuyện như thế được. Chân tôi bị thương khi tôi ngã và khi tôi không đứng lên được, tôi sẽ chết”.

Chỉ mình Yates sống sót thôi đã là phi thường rồi. Việc Simpson, bằng cách nào đó, đã tìm ra cách trèo lên khỏi kẽ núi sau 12 tiếng đồng hồ, rồi vừa lê vừa bò suốt sáu dặm để quay về trại, trải qua ba ngày đêm không có thức ăn nước uống, giảm gần 20 kg, nhiễm xeton-axit trong quá trình vượt qua tử thần đó - thì đúng là một câu chuyện viễn tưởng siêu anh hùng, nếu như nó không chân thật đến như thế. Thực tế, sau hai năm và sáu lần phẫu thuật, thì ông thậm chí còn… tiếp tục leo núi. Tất cả là vì, bất chấp hoàn cảnh, ông đã thử cố gắng…

Người ta hẳn có lý do khi nói rằng, thất bại chỉ là một phần của học hỏi, và chúng ta không bao giờ nên bỏ cuộc.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.