Người thay đổi số phận cho mãng cầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chàng trai ở huyện vùng sâu tỉnh Đắk Lắk từng bước mang hương vị trà mãng cầu đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước bằng tâm huyết, đam mê của mình. Anh giúp người dân có đầu ra ổn định khi nâng loại quả giá trị kinh tế thấp lên hàng thương phẩm bằng cách chế biến thành trà.

Đổi đời cho mãng cầu

Trong ngôi nhà cấp 4 ở xã Ea Kly (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1992) kể câu chuyện hành trình đến với trái mãng cầu. “Tôi quyết định khởi nghiệp không phải tự nhiên hay ngẫu hứng. Tôi tìm hiểu các loại nông sản, đọc tài liệu trong nước và nước ngoài, thấy trái mãng cầu có nhiều công dụng. Tôi đam mê sản xuất, chế biến nông sản, nên quyết định nghỉ việc nhà nước, khởi nghiệp với trái mãng cầu”, anh Sơn chia sẻ.

Giữa cơn mưa dầm ở vùng đất đỏ Ea Kly, anh Sơn trải lòng, ở đây người dân trồng nhiều mãng cầu, chất lượng quả tốt, nhưng bán trái tươi nên tình trạng được mùa rớt giá vẫn tái diễn. Vào mùa mưa, thương lái không thu mua kịp, mãng cầu trên rẫy rụng thối đầy gốc. Chứng kiến cảnh ấy, anh muốn thay đổi số phận cho trái mãng cầu nơi quê mình sinh sống.

Năm 2016, tốt nghiệp cao học ngành tài chính trường Kinh tế Đà Nẵng, anh Sơn về quê Đắk Lắk công tác tại một cơ quan nhà nước với công việc ổn định, nhưng giấc mơ khởi nghiệp với trái mãng cầu vẫn thôi thúc anh mỗi ngày. Năm 2018, anh nộp đơn xin nghỉ việc thực hiện đam mê ấp ủ của mình. “Tại địa phương nguyên liệu nhiều nhưng chưa có sản phẩm từ mãng cầu. Tôi làm thử nghiệm các sản phẩm, thấy trà mãng cầu phù hợp nên bắt tay vào sản xuất loại trà trái cây này. Lúc này, gia đình phản đối, họ mong tôi có một công việc tốt nhàn thân, thoát ly khỏi cảnh quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn tận dụng khu vực phía sau nhà làm xưởng sản xuất. Số tiền vay mượn bạn bè, người thân được 60 triệu đồng, anh mua máy móc đơn giản cùng nguyên liệu, in ấn thiết kế bao bì. Là dân tay ngang chuyển qua lĩnh vực chế biến nông sản đầy mới mẻ, thách thức đầu tiên khi sản phẩm liên tục thất bại trong quá trình thử nghiệm. Mất khoảng 6 tháng, tiêu tốn làm hỏng hơn 1 tấn quả mãng cầu tươi, anh Sơn mới tìm được công thức chuẩn cho mình. Giữa năm 2018, thức uống mãng cầu mới toanh với hương vị, màu sắc sản phẩm như mãng cầu tươi nguyên chất mang thương hiệu “Trà mãng cầu Nguyễn Văn” xuất hiện trên thị trường từ một huyện vùng sâu tỉnh Đắk Lắk.

Trong quá trình làm ra sản phẩm, chàng trai trẻ cẩn trọng từng khâu, khắt khe với việc sản xuất. Theo anh Sơn, không phải quả mãng cầu nào cũng có thể làm trà mà phải chọn lọc đúng. Tỉ mỉ từng khâu làm sạch quả, thái quả, sấy khô, sao trà, ủ và đóng gói. Công đoạn sấy và sao rất quan trọng giúp trà có vị thơm ngon, giữ được dược tính trong quả. “Ban đầu chọn trái mãng cầu không đúng độ tuổi nên bị hỏng nhiều. Trong quá trình làm tự rút kinh nghiệm, tôi mới tìm được độ tuổi của trái phù hợp. Để đạt được chất lượng chuẩn cần căn chỉnh nhiệt độ, thời gian phù hợp theo mùa mưa, kích thước lát cắt, độ dày phải phù hợp mới ra được đúng vị”, anh Sơn nói.

Người thay đổi số phận cho mãng cầu ảnh 1

Anh Sơn giới thiệu sản phẩm trà mãng cầu cho khách

Để chủ động nguồn nguyên liệu, ông chủ trẻ liên kết với các hộ nông dân và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho họ. Giá thu mua quả tươi, anh Sơn trả cho người trồng cao hơn giá thương lái thu mua khoảng 3-4 nghìn đồng/kg. “Hiện tổng diện tích liên kết với người dân 15 ha, mỗi hộ từ 5 sào đến 1 ha chủ yếu ở huyện Krông Pắc, Ea Kar. Mỗi năm cơ sở của anh thu mua 35-40 tấn quả tươi”, anh Sơn cho biết.

Lan tỏa hương mãng cầu

Để thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu trà mới chất lượng, anh Sơn tự mình đi lan tỏa hương thơm cho chính mình. “Mới đầu, tìm đầu ra cho sản phẩm rất khó, nhiều người còn chưa biết quả mãng cầu chứ đừng nói là trà. Ở đâu có hội chợ, triển lãm, chương trình kết nối cung cầu nông sản, anh mang sản phẩm tới mời khách dùng thử để giới thiệu. Anh tự mình đến các cửa hàng thực phẩm sạch, đặc sản quà tặng du lịch ký gửi sản phẩm, khi nào họ bán được mới quay lại lấy tiền.

Anh Nguyễn Văn Sơn tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, Trung ương. Năm 2018, anh đoạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk, anh Sơn được hỗ trợ và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối các sản phẩm ở tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh khác. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh hỗ trợ anh sang Hàn Quốc để kết nối sản phẩm.

“Lần đầu tôi ký gửi 10 hộp trà mãng cầu cho một cửa hàng ở Nha Trang, trong lòng cảm thấy rất vui. Sau 1 tháng, họ gọi điện yêu cầu mang thêm 30 hộp xuống. Lúc này tôi nghĩ, họ cho ký gửi tiếp nhưng họ đã thanh toán luôn cả tiền ký gửi lần trước và 30 hộp mới, cảm giác vui sướng vô cùng”, anh Sơn kể về kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Khi sản xuất sản phẩm trà mãng cầu, đối tượng khách nước ngoài anh Sơn nhắm đến là khách Hàn Quốc nên ở trong nước cứ nơi nào có khách Hàn Quốc, anh đều tìm cách tiếp cận để giới thiệu sản phẩm. Khu vực Phú Mỹ Hưng ở TPHCM, anh Sơn đã có một showroom để trưng bày và bán sản phẩm.

Thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ông chủ trẻ phát triển thêm các kênh online, diễn đàn, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… để truyền thông sản phẩm của mình. Nhờ đó, sản phẩm trà mãng cầu Nguyễn Văn đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước… Đồng thời, anh tìm kiếm được khách hàng tại thị trường Hàn Quốc để xuất khẩu sản phẩm.

Người thay đổi số phận cho mãng cầu ảnh 2

Anh Sơn kiểm tra sản phẩm trà mãng cầu

“Đa dạng các dòng sản phẩm từ trái mãng cầu đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị của loại nông sản này, từ đó giúp nông dân không phải bán trái mãng cầu tươi với giá rẻ. Sắp tới, tôi sản xuất thêm những sản phẩm mới từ mãng cầu như mứt sấy dẻo, nước uống đóng chai… Tôi tiếp tục tập trung phát triển mạnh ở thị trường Hàn Quốc”.

Anh Sơn cho biết

Hiện tại, mỗi tháng, xưởng anh sản xuất 2-3 tạ thành phẩm, với giá bán khoảng 1,1 triệu/kg; riêng đơn hàng ở Hàn Quốc, trung bình 100kg/tháng, doanh thu từ trà mãng cầu gần 3 tỷ/năm.

Sản phẩm trà mãng cầu của anh Sơn đạt chứng nhận HACCP (chứng nhận về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế) và ISO 22000; đạt chứng nhận Ocop 3 sao. Giữa tháng 10/2022, anh Sơn sang Hàn Quốc tham gia chương trình về triển lãm thực phẩm lên men.

MỚI - NÓNG