Lượn lờ, kéo một dọc newsfeed trên Facebook lẫn Instagram, Minh Châu (24 tuổi, Hà Nội) nhăn mặt liên tục vì từ bao giờ bảng tin vốn toàn hình ảnh chế hay thông tin về các sự kiện đang hot trên mạng đã bị “chiếm sóng” bởi một loạt ảnh của các em bé sơ sinh, bà mẹ bỉm sữa.
“Mình đã lọc đi số bạn bè trong danh sách còn một nửa mà ngày nào vẫn phải xem những bài đăng liên quan đến chuyện chăm con như thế nào, chồng chiều vợ đang mang bầu ra sao”, Châu kể lại.
Cô gái cho hay mình cảm thấy “bội thực” và “mệt mỏi” khi nhìn mọi người lũ lượt khoe từ ảnh đăng ký kết hôn đến ảnh cưới, ảnh siêu âm của con lên mạng xã hội.
Ra trường muộn hơn các bạn cùng tuổi, trong khi Châu đang loay hoay tìm kiếm công việc phù hợp thì phần lớn bạn bè cô, trải dài từ cấp 2 đến cấp 3, đã bắt đầu khoác lên mình chiếc váy cưới. Song, Châu chẳng mấy hứng thú khi nhắc đến hai từ “lấy chồng”, “sinh con”.
“Càng lớn lên, càng chứng kiến nhiều trường hợp "sát sườn" của bạn bè, người thân nên mình càng cảm thấy việc có con như một nỗi ác mộng”, Châu nói.
Theo lời Châu, vợ chồng anh ruột cô kết hôn khi cả hai chưa có công ăn việc làm ổn định, không hiểu rõ tính cách lẫn lối sống của nhau. Điều kiện gia đình không khá giả khiến khi nhà có thêm đứa con, gánh nặng còn trầm trọng hơn.
“Anh đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn không đủ tiền chi trả việc nuôi con hàng tháng. Mẹ mình lại buộc phải gánh, nuôi cháu thay con. Cuối tuần, hai vợ chồng cũng phải đi làm, mà cũng chẳng đủ tiền để gửi con đi nhà trẻ tư nhân trông hộ, thế là lại gửi sang cho ông bà nội”, Châu cho hay.
“Năm sau, con bé lên lớp 1, chắc chắn lại tốn một đống tiền cho chuyện học hành, chẳng hiểu bố mẹ nó định xoay xở ra sao”, cô buông một tiếng thở dài.
Không hẳn là ghét trẻ con, nhưng với Châu, việc sinh đẻ kéo theo rất nhiều vấn đề khác xảy ra và không phải tất cả mọi thứ đều có thể giải quyết được.
Một thế hệ “lười yêu”, ngại sinh con
Nhiều nghiên cứu chỉ ra thế hệ millennial (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) ngày càng không có hứng thú với chuyện hẹn hò, quan hệ tình dục ít hơn và độ tuổi kết hôn lần đầu cũng muộn hơn tất cả thế hệ trước đó. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn ở những người trẻ hơn.
Năm 2018, độ tuổi trung bình cho kết hôn lần đầu ở Mỹ chạm ngưỡng gần 30 (29,8 đối với nam và 27,8 đối với nữ). Con số đã tăng thêm 5 năm so với số liệu năm 1980, khi mức tuổi trung bình là 24,7 đối với nam và 22 đối với nữ.
Tại Trung Quốc, vấn đề dân số già hóa ngày càng tồi tệ hơn khi tỷ lệ sinh con và kết hôn ở quốc gia này đều đang giảm đáng kể. Tới năm 2030, sẽ có khoảng 1/4 dân số nước này ở độ tuổi trên 60.
Dù chính phủ nước này đã hủy bỏ quy định sinh một con hay đưa ra nhiều chính sách khuyến khích sinh đẻ, tình trạng vẫn chưa được cải thiện là bao.
Theo Washington Post, chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại các thành phố lớn khiến nhiều người trẻ lo cho bản thân có cuộc sống ổn định đã khó chứ chưa nói tới việc “đèo bòng” thêm đứa trẻ.
Bên cạnh đó, việc các bậc cha mẹ Trung Quốc ngày càng tập trung tiền của vào việc đầu tư giáo dục cho con cái khiến nhiều người trẻ quan niệm phải có kinh tế thật vững mới “dám” có con.
Tại Hàn Quốc, chi phí tốn kém khi nuôi một đứa trẻ, tình trạng thanh niên thất nghiệp cao, số giờ làm việc một ngày nhiều dẫn đến ít có thời gian chăm con cái hay việc các bà mẹ gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi sự nghiệp cũng là những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ xứ kim chi “lắc đầu” khi nghĩ tới việc sinh nở.
Theo cuộc thăm dò ý kiến của một tạp chí tài chính và trang web tuyển dụng, hiện gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi việc kết hôn là không cần thiết.
Theo báo cáo của The Guardian, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Có 921.000 em bé được sinh ra vào năm 2018, đây là con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1899. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp nước này có tổng số sinh dưới một triệu.
Công việc bấp bênh, chủ yếu là việc làm bán thời gian của nhiều thanh niên Nhật là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ nước này ngại sinh con.
Bên cạnh đó, đối với một bộ phận có việc làm tốt, ổn định thì lại bị cuốn vào vòng xoáy làm việc đến kiệt sức, không có thời gian dành cho việc hẹn hò, kết hôn hay sinh con.
“Có phải sinh ra là xong đâu”
Suốt 7 năm sinh sống, học tập và làm việc ở Sài Gòn, Nguyên Khôi (25 tuổi, Cần Thơ) không chăm chút ngoại hình, cũng chẳng nghĩ tới chuyện có người yêu. Chàng nhân viên IT nói đùa bạn gái của mình là chiếc Macbook Pro trị giá hơn 40 triệu đồng sắm được hơn một năm.
Khôi cống hiến “cả thanh xuân” cho công việc, rảnh thì đi nhậu hoặc cà phê cùng đồng nghiệp. Anh không nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Sinh con lại càng không.
“25 tuổi, lương mỗi tháng 15 triệu chỉ vừa đủ tiêu, tài khoản tiết kiệm không có. Vợ con gì tầm này?”, Khôi nói.
Nhắc đến vấn đề con cái, Khôi nhớ lại tiếng khóc của Tembin - con trai của chị gái - mỗi khi anh về thăm nhà. Cảnh anh rể 0h vẫn ngồi vừa làm việc, vừa chăm con đang khóc cũng ám ảnh không kém.
Khôi nhìn sang căn phòng của anh chị, bề bộn tã, sữa và đống quần áo chưa giặt. “Nghĩ thôi đã thấy hãi”, 9X kể.
Khôi là con út trong nhà, chị gái, anh trai đều đã lập gia đình và sinh con. Bởi vậy, chuyện cưới vợ, sinh con, bố mẹ anh không ép.
“Thỉnh thoảng ông bà cũng nhắc, nhưng thấy mình không mặn mà chuyện này lắm nên thôi”, Khôi nói.
Cùng chung lựa chọn không vội lấy vợ, Anh Dũng (28 tuổi) vẫn ung dung đi làm, tận hưởng cuộc sống dù người mẹ đã gần 60 tuổi liên tục giục anh lập gia đình.
“Bao giờ mới lấy vợ?”, “Đã dẫn cô nào về ra mặt chưa?” là những câu hỏi Dũng nghe suốt mỗi khi anh có dịp gặp gỡ họ hàng, người quen. Còn “điệp khúc” của mẹ anh là tiếng thở dài “Nhìn con cái nhà người ta ổn định, vợ con hết rồi, con mình thì…”.
Trong thâm tâm Dũng, anh chẳng mấy hào hứng khi nghĩ đến cảnh phải sinh con đẻ cái chỉ nhằm mục đích “duy trì nòi giống” hay “báo hiếu cha mẹ”.
“Mình không thích trẻ con. Mỗi khi ăn giỗ, nhìn các cháu tụ tập chơi đùa với nhau, mọi người cứ xuýt xoa khen đứa này dễ thương, đứa kia đáng yêu. Còn mình thấy bình thường, mình chơi với trẻ con được 5 phút là thấy chán rồi”, anh chàng bộc bạch.
Thu nhập mỗi tháng của Dũng rơi vào khoảng 30 triệu, con số không hề nhỏ, thậm chí cao hơn lương tháng trung bình của nhiều người. Nhưng với anh, chừng ấy vẫn còn ít ỏi để có thể xoay xở một khi đã gánh lên vai trọng trách trụ cột của gia đình.
Hơn nữa, Dũng cho hay bản thân cảm thấy không đủ trách nhiệm để có thể gắn bó và nuôi dạy một đứa trẻ suốt cả đời, chưa kể sinh con kéo theo vô vàn chi phí tốn kém.
Mỗi lần nói ra quan điểm, Dũng lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ mẹ. “Nói như mày, không ai dám lấy vợ, chả ai là sẵn sàng cả, kiểu gì cũng nuôi được thôi” là câu mẹ anh thường nói mỗi khi thấy con trai hời hợt chuyện lấy vợ.
Nhưng với Dũng, quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ” đã quá lạc hậu và lỗi thời.
“Mình lớn lên trong gia đình từng trải qua thời chiến tranh, giai đoạn mà ông bà cứ cố gắng đẻ nhiều, rồi chẳng quan tâm, để con cái cứ tự lớn lên như cây cỏ mọc dại. Nhưng cách nuôi con ấy sai hoàn toàn”, Dũng bày tỏ.
“Có phải sinh ra là xong đâu, phải nuôi, nuôi chưa hết, phải dạy bảo nó nữa. Nếu cảm thấy không thể đem lại những điều kiện tốt nhất cho con, mình nghĩ chỉ nên ở một mình, vì mình không muốn nhìn con thua kém bạn bè hay phải chịu ảnh hưởng từ sự vô trách nhiệm của người lớn cả”, Dũng nói.
“Nghĩ việc đẻ con để có người chăm về già thì thật ấu trĩ”
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy hiện mức sinh trung bình của Việt Nam là khoảng 2,1 con/mẹ. Trên thực tế, nhiều địa phương có mức sinh thấp hơn trung bình cả nước.
Ví dụ, TP.HCM có mức sinh 1,33 con/mẹ; Đồng Tháp là 1,57 con/mẹ hay Cần Thơ 1,58 con/mẹ. Vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (1,5-1,6 con/mẹ).
Theo VTV, nguyên nhân khiến mức sinh của Việt Nam giảm trong những năm gần đây là do chi phí nuôi trẻ ngày càng cao. Nhiều gia đình lựa chọn sinh ít con để có thể nuôi dạy con tốt nhất. Đây cũng là lý do tỷ lệ sinh ở các thành phố lớn giảm.
Bên cạnh chi phí nuôi trẻ cao, áp lực cuộc sống, công việc cũng đang khiến tỷ lệ phụ nữ kết hôn muộn tăng, dẫn đến tình trạng sinh con muộn và ít hơn.
Cũng thuộc tuýp người không ưa trẻ em, Ngọc Huyền (22 tuổi, TP.HCM) thừa nhận chuyện lấy chồng, sinh con luôn là khái niệm khiến cô thấy “rùng hết cả mình” mỗi khi nghĩ tới.
“Mình không phải là mẫu người phụ nữ của gia đình. Ưu tiên hàng đầu là công việc mà chuyện sinh con có thể khiến mình mất đi nhiều cơ hội trong sự nghiệp. Làm việc trong lĩnh vực truyền thông hầu như lúc nào cũng đi sớm về khuya, quỹ thời gian sao mà đủ nếu mà gánh thêm một đứa trẻ”, Huyền nói .
“Chưa kể tới những thay đổi hoàn toàn về cơ thể và nội tiết sau khi sinh như béo phì, rạn da, trầm cảm sau sinh nữa”, Huyền vừa nói vừa nhăn mặt.
Cô gái trẻ thừa nhận mình có phần ích kỷ, không thích ràng buộc trách nhiệm nên chỉ thích yêu đương chứ không thích kết hôn, nữa là việc sinh con.
“Quan niệm phụ nữ là phải kết hôn, sinh con đẻ cái mới vẹn toàn xưa rồi. Mình hạnh phúc hay không thì chỉ có riêng bản thân biết chứ, đâu phải theo thước đo của số đông”, cô cho hay.
Khi được hỏi về việc “trẻ cậy cha, già cậy con”, việc không có con cái bên cạnh sẽ rất khó khăn khi đã ở “dốc bên kia của cuộc đời”, Huyền cho biết cô không lo sợ khi về già phải sống trong cảnh cô đơn, không người thân thiết chăm sóc.
“Vậy những trường hợp đẻ con ra, nuôi con lớn rồi nó vô ơn không chăm sóc cha mẹ thì sao nhỉ? Nếu mọi người chỉ nghĩ việc đẻ con để có người chăm về già thì thật ấu trĩ. Vẫn có những viện dưỡng lão cho người già đó thôi, kể cả con cái cũng có cuộc sống riêng của nó cơ mà”, Huyền bày tỏ.