Người Việt chưa biết quảng bá phim

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người Việt chỉ biết làm phim mà chưa biết quảng bá phim. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại tọa đàm “Chiến lược quảng bá và phát hành phim Việt Nam” thuộc khuôn khổ Liên hoan phim TP.HCM (HIFF) 2024, diễn ra vào sáng 9/4.
Người Việt chưa biết quảng bá phim ảnh 1

Buổi tọa đàm Chiến lược quảng bá và phát hành phim Việt Nam đã mang đến những góc nhìn hữu ích cho điện ảnh Việt Nam.

Phải nghĩ xa hơn

Gần đây, tác phẩm Mai của Trấn Thành đã thu về 2 triệu USD, được coi là con số thần kỳ nếu so với thành tích nghèo nàn của hầu hết phim Việt khi cố gắng thâm nhập thị trường quốc tế. Khi nhìn sang Hàn Quốc, họ vẫn làm những bộ phim mang đậm dấu ấn văn hóa nhưng vẫn đảm bảo yếu tố “ăn nên làm ra”, được phương Tây ưa chuộng. Vậy đâu là điều Việt Nam còn thiếu.

Theo bà Trần Phương Thảo, trưởng bộ phận Kinh doanh của hãng BHD, khác biệt văn hóa chỉ là một phần lý do khiến phim Việt Nam khó để phân phối ra nước ngoài. “Các nhà sản xuất tại Việt Nam chỉ biết tập trung vào thị trường nội địa, và chỉ coi việc đưa phim ra nước ngoài là yếu tố phụ”, bà Thảo nhận định.

Bổ sung vào nhận định trên, bà Winnie Law – nhà sản xuất và phân phối phim có tiếng ở châu Á, người đứng sau thành công của Crazy Rick Asian và từng làm việc với đạo diễn Vương Gia Vệ - cho biết: “Các nhân vật, câu chuyện trong phim Việt chỉ dành riêng cho khán giả Việt Nam. Trong khi Parasite của Hàn Quốc thắng lớn trên trường quốc tế là nhờ có câu chuyện và nhân vật nhiều lớp lang, gần gũi với bất cứ ai. Chung quy lại, một bộ phim càng gần gũi, càng dễ để người xem liên hệ với bản thân thì càng dễ vươn ra toàn cầu”.

Làm phim là một quá trình dài, tốn nhiều công sức nhưng không có gì là chắc chắn cho thành công của tác phẩm sau khi ra mắt, dù chất lượng có hay đi chăng nữa. Theo ông Nguyễn Phạm Hoàng Quân – CEO của ProductionQ, người đứng sau thành công của Quỷ cầu, Kẻ ăn hồn – quảng bá phim cũng chính là có trách nhiệm với bộ phim mình làm ra.

Ông Quân cho rằng: “Hầu hết nhà làm phim Việt Nam vẫn chưa tư duy vượt quá phạm trù ‘làm phim’. Theo tôi, có rất nhiều yếu tố ‘viral’ có thể khai thác từ một tác phẩm điện ảnh như chuyện hậu trường, chủ đề của phim… Vấn đề là không mấy ai nghĩ về điều này và không mấy chú trọng đến chiến lược quảng bá, kinh doanh hay bản quyền.”

Người Việt chưa biết quảng bá phim ảnh 2

Phim Kẻ ăn hồn hiện là một trong những phim Việt Nam phổ biến trên Netflix.

Thích nghi với xu hướng mới

Phim trực tuyến sẽ là xu hướng xem phim chủ đạo trong tương lai. Nhờ Netflix, giờ đây một gia đình ở Canada hay Mexico cũng có thể xem phim Việt Nam. Vì vậy, theo bà bà Winne Law, việc các nền tảng trực tuyến lên ngôi là điều tất yếu, đây là một phương tiện hữu ích và tiết kiệm để phim ảnh Việt Nam dễ dàng được tiếp cận đến thị trường quốc tế.

Nhưng cơ hội cũng đồng thời là thách thức. Cuộc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt khi các quốc gia láng giềng cũng hết mực đầu tư sản xuất phim trực tuyến. Do đó, cuộc chiến sẽ không chỉ đơn thuần là “ai làm phim hay hơn”, mà đó còn là vấn đề “ai quảng cáo phim tốt hơn”.

Bà Trần Phương Thảo cho rằng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, YouTube cũng có thể được coi là các kênh truyền thông rẻ mà hữu hiệu. Chúng ta phải tận dụng để đưa hình ảnh, câu chuyện, nội dung của tác phẩm một cách thật hấp dẫn và nhanh chóng đến với tất cả mọi người.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.