Người Việt muôn phương đón Tết

Người Việt muôn phương đón Tết
TPO - Mùa Xuân đã tràn ngập trên khắp mọi miền của đất nước thân thương. Xuân cũng vượt vạn dặm đường xa đến với những người con đất Việt ở khắp nơi trên thế giới. Hãy cùng Tiền Phong Online đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, mừng năm mới.

> Bí thư TƯ Đoàn chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh vệ
> Tưng bừng sắc xuân Á Châu
> ‘Sao’ đón giao thừa

Tại Hà Nội, dù càng đến giao thừa, nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, nhưng dòng người đổ về Bờ Hồ xem pháo hoa mỗi lúc một đông.

> Chùm ảnh: Pháo hoa lung linh hồ Gươm đêm giao thừa

21 giờ, hàng nghìn người nườm nườm kéo về Hồ Gươm để đón năm mới. Phần đông trong đó là các bạn trẻ, nhưng cũng có những người lớn tuổi, du khách nước ngoài...muốn thưởng thức giây phút thiêng liêng bên Tháp Rùa.

Theo Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, đêm giao thừa, đơn vị bố trí 100% quân số trực, trên các chốt quan trọng, để đảm bảo an ninh cho người dân Thủ đô.

Nhiều bạn trẻ chở nhau trên khắp các tuyến phố, từ Hồ Gươm đến Hồ Tây, rồi ra Lăng Bác..., hoặc đơn giản là nhâm nhi chén trà nóng quanh Nhà Thờ lớn, phố Hàng Trống.

23 giờ, bên Bờ Hồ chật kín người. Dường như cả thành phố đã dồn về đây, chờ thời khắc pháo hoa rực sáng trên mặt hồ, với những hân hoan, lời chúc may mắn...

Khoảnh khắc giao thừa, từng chùm pháo hoa nở rộ báo hiệu một mùa xuân mới đã về.

Người dân Thủ đô hái lộc đêm giao thừa. Ảnh: Hồng Vĩnh
Người dân Thủ đô hái lộc đêm giao thừa. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tại Hải Phòng, đêm giao thừa, khắp các nẻo đường đất Cảng, từ trung tâm đến các thôn xã vùng sâu, vùng xa, cờ hoa, đèn màu được trang hoàng rực rỡ. Đường phố lộng lẫy hơn, ấm áp hơn...

Đêm giao thừa đón xuân Tân Mão năm nay, Hải Phòng đồng loạt bắn pháo hoa tại 11 điểm, diễn ra 15 phút. Trong đó, hai điểm bờ hồ Tam Bạc và bờ hồ An Biên với 1.000 giàn pháo tầm cao và 210 giàn pháo tầm thấp. Tại chín quận, huyện bắn tổng số 525 giàn pháo hoa tầm thấp.

> Hải Phòng: Đêm giao thừa, mía đắt như... tôm tươi

“Mừng Đảng, mừng xuân, mừng thành phố Hải Phòng phát triển bền vững” là chủ đề màn pháo hoa đêm giao thừa. Chủ đề này gồm ba chương: “Mừng Đảng quang vinh”, “Xuân về trăm hoa đua nở” và “Tương lai tươi sáng”.

Mua lộc. Ảnh: Lam Khê
Bán lộc đêm giao thừa tại Hải Phòng. Ảnh: Lam Khê.

Nhân dịp Tết, các sở, ban, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp Hải Phòng đã tặng hàng chục nghìn suất quà Tết cho các gia đình nghèo, chính sách... trị giá hàng chục tỉ đồng.

Nhằm bình ổn giá phục vụ người dân dịp tết Tân Mão, hơn 55.000 tấn hàng hoá các loại trị giá hơn 40 tỷ đồng gồm gạo, đường, thịt lợn, dầu ăn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ... được dự trữ.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hải Phòng được giám sát chặt chẽ nên chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Hơn một tấn pháo nổ các loại đã bị thu giữ, xử lí trong dịp trước Tết này.

Lạng Sơn khai mạc Lễ hội xuân xứ Lạng 2011

20h ngày 2 – 2 (đêm giao thừa), trong không khí chuẩn bị đón giao thừa, đại lộ Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn, tưng bừng trống hội, điệu múa, lời then mừng đảng quang vinh 81 mùa xuân và Khai mạc Lễ hội xuân xứ Lạng 2011.

Chương trình văn nghệ đặc sắc đêm giao thừa tại Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Duy Chiến
Chương trình văn nghệ đặc sắc đêm giao thừa tại Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Duy Chiến.

Hàng trăm diễn viên là nghệ sĩ, nghệ nhân hát dân ca của tỉnh Lạng Sơn tạo nên một không khí tươi vui phấn khởi, đầy màu sắc, đậm đà màu sắc dân tộc.

Bữa tiệc văn nghệ mừng xuân tái hiện những nét xuân xứ Lạng, với làn điệu hát SLi, Then đằm thắm thiết tha của người Tày, Nùng; rộn ràng, hùng tráng vũ điệu của người Dao; lôi cuốn, say mê, huyền diệu là những trích đoạn cúng trời đất, lễ cầu mùa của thầy Mo, thầy Tào.

Kết thúc đêm Văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, Khai mạc Lễ hội xuân, là màn pháo hoa mừng năm mới tại khu vực ven sông Kỳ Cùng thơ mộng.

Đi chợ sắm Tết ở Sydney, Australia

Cộng tác viên Đình Nguyên (từ Sydney, Australia) cho biết, những người Việt ở đây, gồm nhiều lứa tuổi, dù bận rộn với cuộc sống đất khách, vẫn giữ phong tục, tập quán quê hương. Ở nơi xa xứ, người người, nhà nhà nô nức đón Tết.

Tết Việt ở (Australia). Ảnh: Đình Nguyên (từ)
Tết Việt ở Sydney (Australia). Ảnh: Đình Nguyên (từ Sydney).

Dẫu rằng không thể tìm đâu được sắc xuân len từng ngõ phố đường thôn, không có được âm hưởng nhà nhà đón xuân, người người đón xuân, nhưng mỗi gia đình Việt ở đây cũng tìm cho mình được không khí xuân riêng.

> Chùm ảnh: Đi chợ sắm Tết ở Sydney

Hai thứ không thể thiếu được trong mỗi gia đình người Việt ở đây là bánh chưng - bánh tét và hoa. Hoa tết ở đây chủ yếu là Vạn thọ, ngoài ra hoa lay-ơn cũng có, nhưng không được nhiều. Người Việt cũng có thể tìm thấy hoa đào, mai nhưng không nhiều. Không mua được hoa thật, người Việt ở đây trưng hoa mai và hoa đào giả đón Tết.

Đến chợ Tết ở Cabramatta, có thể đem được hương vị Tết về nhà, từ mâm ngũ quả, đến bánh mứt; từ hoa đến câu đối, liễn thờ, tiền, vàng, bạc...

Từ Hà Lan, cộng tác viên Hà Ngọc, Thanh Tùng chia sẻ không khí đón Tết của du học sinh nơi đây.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, bên cạnh việc chuẩn bị một cái tết âm lịch cho những kiều bào xa quê, phối hợp với Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan, tạo điều kiện để các bạn sinh viên Tết.

Du học sinh Việt Nam tại Hà Lan đón Tết. Ảnh: Thanh Tùng (từ Hà Lan)
Du học sinh Việt Nam tại Hà Lan đón Tết. Ảnh: Thanh Tùng (từ Hà Lan).

Sự kiện này năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố The Hague, “thủ đô chính trị” của Hà Lan vào ngày thứ bảy, mùng 5 - 2 (tức mùng 3 tết âm lịch). Chương trình sẽ có sự góp mặt của các sinh viên, đến từ những thành phố trên toàn Hà Lan, Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Hà Lan, cùng bạn bè quốc tế.

Không chỉ tích cực trong khâu trang trí chuẩn bị Tết, các bạn du học sinh còn “miệt mài ngày đêm, không ngại gian khó” luyên tập, chuẩn bị cho những tiết mục văn nghệ đặc sắc để biểu diễn trong dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh các tiết mục tinh thần, màn “ẩm thực quê hương” thu hút nhiều sự quan tâm. Dù ở nơi đất khách quê người thiếu thốn các nguyên liệu chế biến đậm chất cổ truyền, các bạn sinh viên sáng tạo, sử dụng các thứ sẵn có để duy trì món ăn không thể thiếu trong ngày tết như thịt đông, canh măng, nem… và thậm chí cả bánh chưng nữa!

> Chùm ảnh: Du học sinh Việt Nam tại Hà Lan tưng bừng đón Tết

Những món ăn tưởng như rất bình thường, phổ biến trong ngày tết ở Việt Nam ấy lại chính là món quà vô giá đối với những bạn sinh viên. Cùng tụ tập với nhau, gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cơm Tết, cùng nhau thưởng thức… là nguồn động viên an ủi rất lớn.

Ở Phú Yên, chiều 30 Tết, trên dòng sông Đà Rằng thuộc hạ lưu sông Ba, phường 6, thành phố Tuy Hòa, Cty TNHH Dịch vụ - Du lịch Lạc Hồng khánh thành và đưa vào sử dụng du thuyền Lạc Hồng 1. Đây là chiếc du thuyền đầu tiên tại tỉnh Phú Yên và là du thuyền đầu tiên trên thế giới được chế tạo bằng... sọ dừa.

Lạc Hồng 1 do Cty Vinashin Nha Trang thiết kế và Cty TNHH Dịch vụ - Du lịch Lạc Hồng thi công với chất liệu cốt là composite. Tuy nhiên, bên ngoài và các họa tiết trang trí bên trong du thuyền đều được làm bằng sọ dừa.

Thuyền có hình tượng con chim Lạc, dài 25m, rộng 5m và cao 6,5m (hai tầng phục vụ và khoang máy). Sức chứa của du thuyền là 100 người khi chạy và 120 người khi ngừng hoạt động. Hầu hết các chi tiết đều được thực hiện bằng hàng nghìn mảnh sọ dừa rất nhỏ để ghép lại.

Lạc Hồng 1 sẽ phục vụ du lịch dọc dòng sông Đà Rằng. Ngoài dịch vụ ăn uống, trên Lạc Hồng 1 sẽ có dân ca xứ “Nẫu” và thám hiểm những chuyện thần bí của sông Ba.

Từ Yokohama, Nhật Bản, cộng tác viên Việt Hà chia sẻ nối nhớ da diết không khí đón Tết ở quê nhà.

“Trên đất Nhật Bản xa xôi, bỗng nhiên nhớ ngày cuối năm ở quê nhà quá. Nhớ bữa cơm Tất niên với cả nhà. Nhớ không khí linh thiêng giờ khắc giao thừa. Ở đây cũng lạnh như thế, cũng món ăn ấy mà sao vẫn thấy nao nao..." - Việt Hà viết.

> Rộn ràng Tết VYSA

> Tâm sự "Nhớ" đầy cảm xúc của Việt Hà gửi từ Nhật Bản

“Thường thì 30 Tết năm nào, thành lệ, nhà mình sẽ có nem rán, canh măng, xôi, gà, thịt đông, giò chả... Chắc là cũng không khác nhiều nhà khác nhưng phần ăn Tất niên là đã bắt đầu trong chương trình Tết rồi. Ăn cơm tối xong, mấy mẹ con chuẩn bị mâm cơm cúng, bố bày lượt lại bàn thờ, đồ cúng; chuẩn bị quần áo để ra khỏi nhà, trở về xông nhà sau giao thừa”.

Đêm giao thừa, thời khắc của hai năm chuyển giao, thời khắc cho người ta cảm nhận tình yêu và hạnh phúc, thời khắc quên đi những nỗi buồn, hướng đến mùa xuân mới đầy náo nức. Chúc mừng năm mới!

Tại Thừa Thiên Huế, phóng viên Ngọc Văn cho hay, trong khi nhiều gia đình quây quần bên nhau mừng cỗ tất niên và vui đón giao thừa, gần 500 công nhân của Cty Môi trường và Công trình Đô thị Huế vẫn miệt mài lao động giữa giá rét để phố phường ngày Tết thêm sạch đẹp. Công việc của họ diễn ra từ suốt chiều cuối năm Canh Dần đến sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới Tân Mão 2011.

Chia sẻ Tết với công nhân. Ảnh: Ngọc Văn
Chia sẻ Tết với công nhân đêm giao thừa. Ảnh: Ngọc Văn.

Cảm thông và chia sẻ với những thiệt thòi và nỗi vất vả đó, đêm giao thừa, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế phối hợp với Cty Quảng cáo Hoàng Tân Hương (Huế) tổ chức thăm, chúc tết và tặng 30 suất quà, mỗi suất trị giá 300 ngàn đồng, cho công nhân đang làm việc trên các đường phố. Đây là năm thứ ba, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế thực hiện hoạt động chia sẻ Tết ý nghĩa này.

Cũng trong ngày cuối cùng của năm Canh Dần, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Cty TNHH Bia Huế trao 100 suất quà (tổng giá trị 15 triệu đồng) cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 ở Sóc Trăng thật rộn ràng. Năm nay, đời sống của người dân khá hơn bởi trúng mùa được giá. Đặc biệt, đêm 30 tết năm nay, Sóc Trăng tổ chức bắn pháo hoa ở nhiều huyện nên không khí tết càng vui hơn.

Du học sinh tại Pháp gói bánh chưng đón Tết

Đêm giao thừa, cộng tác viên Lê Cảnh Chi (ở Paris, Pháp) gửi cho Tiền Phong Online không khí Tết Việt ở Pháp.

Cũng như mọi năm, nhiều lễ hội Tết được cộng đồng người Việt tổ chức tại Paris cũng như trên toàn nước Pháp. Tối 26 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức tiệc chiêu đãi nhân dịp Tết với bạn bè năm châu và sinh viên, du học sinh, bà con Việt Kiều. Năm nay, hơn 1.000 người đã đến dự và chia sẻ không khí Tết quê nhà trong khuôn viên của Đại sứ quán, tuy không rộng rãi và xa hoa nhưng thật ấm cúng.

Du học sinh tại Pháp gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: UEVF
Du học sinh tại Pháp gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: UEVF.

Dù trời lạnh âm hai độ C từ gần một tuần trước Tết, nhưng người Việt tại đây vẫn háo hức mua sắm ít đồ chuẩn bị Tết. Các cửa hàng đều bán đồ phục vụ Tết: từ lá dong, gạo nếp cái hoa vàng đến bánh chưng, bánh tét, bánh mứt kẹo các loại, hoa mai, hoa đào, cây quất...

> Tết Việt Nam tại Paris
> Chùm ảnh: Du học sinh tại Pháp gói bánh chưng đón Tết

Đi chợ Tết giữa tuần sẽ đỡ đông người và có thể có thời gian thoải mái lựa chọn những gì mình muốn mua. Chúng tôi mua ít chân giò về nấu thịt đông, gấc và gạo nếp về nấu xôi, đậu xanh để nấu chè kho và quan trọng hơn cả là hoa đào.Đào ở đây không được nguyên cành như ở Hà Nội mà chỉ là đào nhánh, nhưng nhánh cũng rất cao và khỏe. Tết xa quê, nhưng không vì thế mà vơi đi ý nghĩa.

Từ Mỹ, bạn Trương Hữu Quang, sinh viên Học viện Wilbraham & Monson, thông tin, năm nay, du học sinh Việt Nam ở đây đón tết cổ truyền sớm để sau đó cùng đi chơi ở Boston. Các bạn ra chợ Việt Nam mua giò lụa và bánh chưng, quây quần bên nhau ngày Tết.

> Chùm ảnh: Rộn ràng Tết Việt ở Hàn Quốc, Mỹ

Còn Phạm Xuân Hoàn (ở Hàn Quốc) chia sẻ, hai năm đón Tết ở xứ người, Hoàn cùng các bạn chuẩn bị, nấu nướng để đợi thời khắc giao thừa.

Du học sinh Việt Nam tại Hàn quốc chuẩn bị đồ ăn đêm 30 Tết.
Du học sinh Việt Nam tại Hàn quốc chuẩn bị đồ ăn đêm 30 Tết. .

Ngay từ 10h sáng ngày cuối cùng của năm (âm lịch), 12 sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Luật và Kinh doanh quốc tế (TLBU – Transnational Law and Business University – Hàn Quốc) cùng nhau nấu nướng chuẩn bị đón giao thừa. Những món ăn không thể thiếu như canh măng, nem, thịt đông, xôi... rất ngon và hấp dẫn.

“Rau sống, mọc nhĩ, nấm hương phải gửi mua từ Việt Nam sang. Còn những thực phẩm khác phải đi khá xa mới mua được nhưng anh em thấy vui và háo hức lắm”- Hoàn cho biết.

Pháo hoa đến vùng nông thôn

Ở "đầu cầu" Cà Mau, phóng viên Nguyễn Tiến Hưng phản ánh: Giao thừa năm nay, tỉnh Cà Mau tổ chức bắn pháo hoa tại bảy điểm. Đó là Trung tâm thương mại Cửu Long, Khu đô thị Hoàng Tâm (TP Cà Mau), huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Năm Căn.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau cho biết, mỗi điểm bắn pháo hoa chi phí gần 200 triệu đồng, không sử dụng kinh phí ngân sách mà vận động các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp để người dân nông thôn có điều kiện thưởng thức pháo hoa nghệ thuật

Đêm giao thừa, các tuyến đường đổ về Trung tâm thương mại Cửu Long rất đông người, để xem chương trình văn nghệ đặc sắc và xem pháo hoa nghệ thuật.

Tỉnh đoàn Cà Mau chính thức khai mạc Hội xuân tuổi trẻ tại Nhà thiếu nhi Cà Mau, với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật. Anh Nguyễn Văn Đen, Giám đốc Nhà thiếu nhi Cà Mau cho hay, thông qua những hoạt động, Tỉnh đoàn Cà Mau, Nhà thiếu nhi Cà Mau khởi động trong chuỗi hoạt động Năm thanh niên 2011.

Từ thành phố Marburg, bang hessen, CHLB Đức, cộng tác viên Tuấn Đức cho hay: Dù ở đây chỉ còn có năm người đón Tết xa quê, và các bạn du học sinh đang trong kỳ thi bận rộn, nhưng họ vẫn không quên quây quần bên nhau khi Tết đến, Xuân về.

19 giờ tối giao thừa (theo giờ Đức), các bạn tập trung nấu bún Huế, gà, hoa quả, mực khô, cá khô… Mỗi người góp một món.

Ngồi bên nhau nâng ly mừng năm mới, bỗng thấy nhớ nhà da diết khôn nguôi. Tến đến, Xuân về, vẫn có những người con xa xứ mong ngóng về quê cha đất tổ…

Theo Viết
MỚI - NÓNG