Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch"

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch"
HHT - Giữa lúc nhiều nước sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, một số lưu học sinh Việt ở đây cho biết cũng muốn được đưa về nước, trong khi số khác nói đó là những cân nhắc khó khăn.

“Theo dõi báo đài thấy số ca nhiễm ngày càng tăng lên, mình thấy hơi bất an”, Từ Phát Cường, 29 tuổi, từ Đại học Sư phạm Hoa Trung, nói với Báo từ Vũ Hán. “Nếu được về, mình cũng muốn về, được cách ly (tới khi) an toàn rồi ở lại bên đó (Việt Nam)”.

“Thêm nữa là nhà trường đã thông báo tạm ngưng học kỳ tiếp theo, không biết bao giờ học lại... Ở đây cũng không được ra ngoài, không thoải mái bằng ở Việt Nam”, sinh viên theo học thạc sĩ ngành giáo dục Hán ngữ nói thêm.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch" ảnh 1
Những công dân Nhật Bản đầu tiên được di tản khỏi Vũ Hán đã hạ cánh xuống thủ đô Tokyo hôm 29/1. Ảnh: Reuters.

Bài toàn nan giải: có muốn được sơ tán hay không?

Mới qua Vũ Hán vào tháng 9/2019, Cường muốn ở lại ăn Tết, du lịch một số nơi ở Trung Quốc, và làm tình nguyện viên ở ga tàu hướng dẫn người dân về quê trong đợt “xuân vận”.

Nhưng Cường phải ở trong ký túc xá nhiều ngày qua, khi Vũ Hán trở thành “tâm chấn” của dịch virus corona chủng mới gây viêm phổi, đến nay đã lan ra tới toàn bộ tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Lệnh phong tỏa được ban bố ở Vũ Hán và nhiều thành phố khác xung quanh, cô lập tới 50 triệu người dân Trung Quốc.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch" ảnh 2
Từ Phát Cường muốn ở lại ăn Tết, tìm hiểu về Trung Quốc nhưng phải ở trong trường vì dịch bệnh. Ảnh: NVCC.

“Trước mắt thấy ở Việt Nam an toàn hơn nhiều so với trung tâm dịch bệnh”, Cường nói.

Tương tự, Trương Hải Đức, 27 tuổi, cũng muốn ăn Tết ở Trung Quốc, và không nghĩ tới việc rời đi trong những ngày đầu khi dịch chưa lan rộng. Nhưng sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán đang tỏ ra lo lắng hơn: “Nếu nguy hiểm quá là em muốn về, nhưng nếu thấy kiểm soát tốt thì cũng có thể ở lại”.

“Một số người dân Vũ Hán, hay bạn bè em,... vẫn ra ngoài mua đồ ăn, ra sân bóng rổ chơi, thấy người ta vẫn lạc quan, không sợ lắm”, Đức nói thêm, cho rằng đôi khi Đức thấy người ở Việt Nam còn lo lắng hơn bản thân mình.

Một số ý kiến khác nói mong muốn về nước là dễ hiểu, nhưng đồng thời có những lo lắng riêng.

“Cũng có một số lưu học sinh nói là về thì người nhà sẽ yên tâm hơn”, Lê Thị Minh Đạo, lưu học sinh tại Học viện Thể thao Vũ Hán, nói với Báo từ Vũ Hán.

“Nhưng về cũng mang nỗi lo về cho xã hội. Một số lưu học sinh các nước, chính phủ kêu về mà họ không về... các bạn chọn phương án ở lại”, Đạo nói thêm, và cho biết muốn bảo vệ người thân. Chị mong mọi người cố gắng mạnh mẽ và bình tĩnh.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch" ảnh 3
Cảnh sát đứng trước rào chắn tại một cây cầu bắc qua sông Dương Tử đến tỉnh Hồ Bắc ở Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, khi đất nước bị loại virus corona mới tấn công. Ảnh: Reuters.

Một sinh viên khác ở Vũ Hán cũng đắn đo, nói nếu có sức khỏe tốt sẽ cân nhắc ở lại, tiếp tục việc học tập, vì về nước vẫn phải sang lại để học tiếp. Về nước có thể tạo thêm áp lực cho y tế trong nước và người thân xung quanh, dù không bị nhiễm bệnh.

“Cũng có một số người từ Vũ Hán về bị kỳ thị, mọi người nói ‘người này người kia ở Vũ Hán về kìa’. Nghe bảo về sẽ bị cách ly 14 ngày để theo dõi thì cái đó hoàn toàn đúng. Nều về mà lỡ may có bị sao thì lại tạo áp lực rất lớn cho y tế ở nhà và cho những người xung quanh”, người này nói thêm.

Một số người cho biết có trường hợp vợ chồng lưu học sinh ở Vũ Hán sắp sinh con, không có người thân bên đó, và đang lo ngại trước việc phải tới viện dù dịch bệnh vẫn ngày một lan rộng.

Cường, sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung, cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đang ghi nhận ý kiến của các lưu học sinh, lên danh sách những ai muốn về. Các lưu học sinh được chỉ dẫn chuẩn bị sẵn sàng để có thể về nếu có thể.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch" ảnh 4
Một cao tốc không một bóng xe ở Vũ Hán do lệnh cô lập. Ảnh: Getty Images.

Các phương tiện công cộng hay dịch vụ gọi xe tư nhân không còn chạy do lệnh cấm đi lại của thành phố Vũ Hán.

“Phương tiện công cộng đóng hết luôn rồi, ra ngoài không còn thấy chiếc xe bus nào, ga tàu điện ngầm không có người, máy bán vé đều ngắt hết... xe riêng chỉ chạy loanh quanh thành phố, đi ra khỏi thành phố (sẽ gặp) các chốt trực 24/24”, Cường nói.

Nhưng anh không lo ngại về xe cộ nếu hai bên chính phủ phê duyệt cho lưu học sinh về nước. “Như trường (Đại học Sư phạm) Hoa Trung của mình, nếu có công văn chính thức nói tụi mình được về, nhà trường sẵn sàng cho xe của trường ra sân bay, các trường khác cũng tương tự”.

“Nhìn không thể biết người nào nhiễm bệnh, người nào không”

“Mỗi khi ra đường tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng... ai cũng đeo khẩu trang, trùm kín mít”, Cường chia sẻ thêm về cuộc sống ở Vũ Hán những ngày qua. “Về phòng mới có thể tháo khẩu trang, chà giày dép, khá phiền phức và vất vả, nên cũng mong muốn nhanh chóng được các cơ quan hỗ trợ về lại Việt Nam”.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch" ảnh 5
Khách hàng trong một siêu thị Vũ Hán đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân trước virus corona. Ảnh: Getty Images.

Những nơi công cộng xung quanh Cường như cổng ký túc xá hoặc thang máy đều có mùi thuốc khử trùng do được phun hàng ngày. Khi thanh toán, mọi người chủ động giữ khoảng cách, hầu như không có bắt tay. Thanh toán đều dùng barcode, không dùng tiền giấy, khiến Cường bớt lo hơn.

Nỗi lo thiếu lương thực chỉ có trong mấy ngày đầu mới có lệnh phong tỏa, còn mấy ngày gần đây hàng hóa “vẫn thấy họ bày ra đầy đủ” nên Cường không có mối lo đó nữa.

“Mình nhìn không thể biết người nào bị nhiễm, người nào không, nên cũng lo lắng, kể cả người trong phòng”, Cường nói thêm. “Mọi người trong cùng tòa nhà gặp nhau cũng chào hỏi ở khoảng cách xa chứ không khoác vai bắt tay như trước”.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch" ảnh 6
“Mình nhìn không thể biết người nào bị nhiễm, người nào không, nên cũng lo lắng”, Cường cho biết. Ảnh: Reuters.

Cô giáo của anh đang yêu cầu điểm danh để từ đó quyết định có mở lớp học online cho học kỳ mới hay không. “Học hành chắc chắn bị ảnh hưởng, không tập trung được như bình thường”, anh cho biết.

“Nếu không có dịch thì trong kỳ nghỉ chắc chắn sẽ gặp nhau, qua phòng nấu ăn chung... Giờ mỗi người phải ở phòng riêng biệt, ra ngoài nhanh chóng đi về, không dám lê la... hạn chế tiếp xúc, quan tâm cũng liên hệ qua điện thoại thôi... mỗi ngày trong phòng cũng khá buồn, và lo nữa”.

Các nước gấp rút sơ tán công dân

Dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, đã làm tử vong 213 người và có 9.692 ca nhiễm (tính đến sáng 31/1) tiếp tục gây ra nỗi lo sợ trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Hàng trăm người đã lên máy bay rời Vũ Hán trong tuần này, về tới Tokyo, Singapore và California trên các chuyến bay được các chính phủ thuê.

Mỹ đã sơ tán 210 công dân Mỹ, bao gồm viên chức ngoại giao, về nước bằng máy bay ít ngày trước. Khoảng 200 công dân Pháp cũng được đưa về nước bằng máy bay quân sự sáng 31/1. Nhật Bản cũng đã có chuyến bay sơ tán công dân về nước.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước nhưng sợ bị kỳ thị "từ vùng dịch" ảnh 7
Người Nhật được di tản khỏi Vũ Hán về tới sân bay Haneda, Tokyo. Ảnh: Reuters.

Australia dự định đưa công dân sơ tán từ Vũ Hán đến đảo Christmas, một hòn đảo xa xôi của Australia gần Indonesia, để cách ly trong hai tuần. Anh có kế hoạch hồi hương công dân từ Vũ Hán vào sáng 31/1 và cũng dự định cô lập họ trong khoảng hai tuần tại một căn cứ quân sự, theo BBC.

Nhiều nước cũng khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc. Một số nước cấm nhập cảnh đối với du khách từ Vũ Hán, hoặc ngừng cấp visa cho công dân Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc cho biết sẽ gửi máy bay để đưa công dân từ Vũ Hán đang ở nước ngoài quay về "sớm nhất có thể".

Trong tuyên bố vắn tắt ngày 31/1, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết động thái này được đưa ra dựa trên "những khó khăn thực tế mà các công dân Hồ Bắc, đặc biệt là những người đến từ Vũ Hán, phải đối mặt ở nước ngoài".

Link bài gốc: https://news.zing.vn/nguoi-viet-o-vu-han-muon-ve-nuoc-nhung-so-bi-ky-thi-tu-vung-dich-post1041468.html

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?