Ngưỡng mộ người phụ nữ dành cả đời đi tìm con cho người khác

Ngưỡng mộ người phụ nữ dành cả đời đi tìm con cho người khác
HHT - GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là người đầu tiên đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, mở ra cơ hội cho biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn.

Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), người đầu tiên đem kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam đã mở ra cơ hội làm cha mẹ cho biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn. Hơn 20 năm trôi qua, cái tình và ân nghĩa mà những gia đình này khi nhắc về bà Phượng vẫn trọn vẹn như những ngày đầu có con, mới thấy được hành trình gian nan, đầy sóng gió mà bà đi tìm con cho họ thật xứng đáng và ý nghĩa. 

Ngưỡng mộ người phụ nữ dành cả đời đi tìm con cho người khác ảnh 1

Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM)

20 năm về trước… Người đàn ông hồi hộp đứng ngoài phòng đẻ, hướng mắt vào trong và chờ điều kỳ diệu. Dù chỉ được nhìn qua lồng kính, nhưng anh như vỡ òa trong hạnh phúc và sung sướng khi trông thấy bác sĩ vỗ mông đứa trẻ để bé khóc. 15 năm đằng đẵng chờ đợi, tưởng chừng như có những lúc tuyệt vọng và bỏ cuộc, cuối cùng vợ chồng anh Mai Văn Phơn đã chạm tay vào ước mơ khi chào đón đứa con bé bỏng. Con trai anh chính là bé Mai Quốc Bảo, một trong 3 đứa trẻ đầu tiên ở Việt Nam sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm năm 1998. Vào giây phút thiêng liêng ấy, người bố đã òa khóc, chắp tay đa tạ vị cứu tinh Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã cho vợ chồng anh được thỏa ước mong làm cha, làm mẹ. 

Những đứa trẻ như Mai Quốc Bảo ra đời, những cặp vợ chồng như anh Mai Văn Phơn được ôm ấp sinh linh bé bỏng trong vòng tay sau bao năm tìm kiếm, chính là kết quả minh chứng xứng đáng cho mồ hôi, nước mắt của những người mang công nghệ từ nước ngoài về như Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và các đồng nghiệp. Hành trình đó biết bao gian nan thử thách.

Từng chứng kiến quá nhiều nước mắt và đau khổ của không ít người hiếm muộn, xót thương hoàn cảnh đó, nên khi đang học tập và giảng dạy tại Pháp, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng quyết định phải bằng mọi giá đưa kỹ thuật và kinh nghiệm làm thụ tinh ống nghiệm của nước bạn về Việt Nam áp dụng. Từ đó, bà bắt đầu dành dụm tiền đi dạy để mua máy móc gửi về Việt Nam. 

Bác sĩ Phượng nhớ lại: "Nếu như năm đó không có tiền thì thực sự không đủ để mua thiết bị máy móc và chưa thể thành lập được đơn vị thụ tinh ống nghiệm với đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại. Nếu như không bắt đầu từ đó thì việc điều trị cho bệnh nhân chậm trễ đi, sẽ kéo dài sự đau khổ của chị em phụ nữ".

Ngưỡng mộ người phụ nữ dành cả đời đi tìm con cho người khác ảnh 2

Hình ảnh sum họp gia đình của bác sĩ Phượng.

21 năm qua, bà Phượng trở thành người bà, người mẹ của hàng trăm đứa trẻ. Trong bữa cơm của những gia đình có con được thụ tinh trong ống nghiệm, thường xuyên nhắc đến tên Giáo sư Phượng, người đã đeo mang tiếng khóc cười của trẻ thơ, mang mầm sống, gieo thêm niềm hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình Việt Nam. Như gia đình anh Mai Văn Phơn, vợ anh đã qua đời nhưng anh đỡ phần nào hiu quạnh, vì anh có người con bên cạnh.

Giờ đây, vẫn tiếp tục có hàng chục em bé của những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nghèo chào đời bằng thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Mỹ Đức, nơi Giáo sư Phượng làm việc thường xuyên sau khi nghỉ hưu. Ở cái tuổi làm bà ngoại, đáng lẽ bà được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già nhưng Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn tất bật làm việc không ngưng nghỉ với quan niệm: bệnh nhân còn cần, bà còn cống hiến.

Theo VOV.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm