Nguy cơ H5N1 xâm nhập, bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gia cầm không được kiểm dịch, không đảm bảo an toàn vệ sinh và không rõ nguồn gốc vẫn được mua bán, giết mổ tràn lan trên lề đường, chợ truyền thống trong bối cảnh dịch cúm A H5N1 trên người đang diễn biến phức tạp tại Campuchia làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát tại TPHCM.
Nguy cơ H5N1 xâm nhập, bùng phát ảnh 1
Nhiều người chọn mua gia cầm sống ở chợ truyền thống rồi nhờ giết mổ tại chỗ vì tiện lợi, tươi ngon. Ảnh: Nhàn Lê

Bắt bệnh của gà qua… mắt thường

“Gà này là gà quê ăn lúa nên thịt ngon, hàng đảm bảo chất lượng. Em chọn con nào chị sẽ cân ký tính tiền rồi làm lông ngay tại chỗ, về là nấu ăn ngay” - một tiểu thương tại chợ Cây Xoài (TP Thủ Đức, TPHCM) chào mời khách, tay chỉ vào chiếc lồng sắt đang nhốt hơn chục con gà sống.

Theo ghi nhận của phóng viên, phía trước cửa hàng trên có một chiếc rổ to đựng rất nhiều lông gà còn dính nước. Trên nền xi măng cáu bẩn là dòng nước thải chảy ra từ việc giết mổ gà và bốc mùi hôi thối. Cách cửa hàng chỉ vài bước chân là các gian hàng rau, củ, quả và kinh doanh ăn uống tấp nập người ra vào giữa khu chợ sầm uất.

Khi phóng viên thắc mắc về nguồn gốc, giấy kiểm dịch của số gia cầm sống trên, tiểu thương này cho biết lấy gà nhiều năm nay từ một mối quen.

“Bán lâu năm nên chị nhìn là biết gà bệnh hay khoẻ rồi lấy về bán, chứ không có giấy tờ. Dịch cúm đang ở tận Campuchia, chứ có ở TPHCM đâu mà sợ. Một ngày chị bán cả chục con, chưa khách nào hỏi về giấy kiểm dịch” - tiểu thương này nói.

Ngoài chợ Cây Xoài, nhiều chợ truyền thống tại khu vực trung tâm TPHCM như Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Xóm Chiếu (quận 4), Tân Lập (TP Thủ Đức), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)... có rất nhiều điểm bày bán tràn lan gia cầm “3 không”: không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh và không kiểm dịch. Bên cạnh đó, nhiều điểm kinh doanh gà, vịt sống chưa qua kiểm dịch cũng được bày bán tràn lan trên vỉa hè nhiều tuyến đường ở TPHCM.

Nhiều nơi còn giết mổ gia cầm ngay tại chỗ khi khách hàng yêu cầu. Những người làm thịt gia cầm thường không sử dụng bao tay, khẩu trang khi làm lông, nội tạng. Một nồi nước sôi nhúng nhiều con gà, chất thải được đổ thẳng xuống cống thoát nước của khu dân cư hoặc trên nền đất của khu chợ.

“Khách chọn mua gà, vịt sống rồi nhờ giết mổ tại chỗ để thịt tươi ngon chứ không chuộng gia cầm làm sẵn. Lông, da, lòng hay phân sau khi giết mổ được dồn vào bao, chờ cuối ngày thu gom”, một tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai chia sẻ.

Theo WHO, vi rút cúm A/H5N1 thường lưu hành ở động vật nhưng có thể lây nhiễm sang người. Trong 20 năm qua, thế giới ghi nhận 882 ca cúm A/H5N1 ở người với 461 người đã tử vong. Tại Việt Nam, từ năm 2003 đến 2013, cả nước có 35 người mắc cúm A/H5N1, trong đó có 29 ca tử vong.

Nguy cơ H5N1 xâm nhập

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm gia cầm H5N1 trên người đang xảy ra tại Campuchia, quốc gia có đường biên giới chung với các tỉnh phía Nam của nước ta. Tính đến hết năm 2023, Campuchia ghi nhận 6 trường hợp mắc H5N1, trong đó có 4 người tử vong. Cúm A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, lây từ động vật sang người, gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao (từ 50 - 60% số người mắc).

Trước tình hình cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở nước bạn, ngày 2/1 trao đổi với phóng viên, BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết: “Campuchia có giao thương với Việt Nam qua nhiều tỉnh, thành. Sự giao lưu giữa các đàn gia cầm có khả năng mang mầm bệnh là vấn đề cần phải đặc biệt lưu tâm bởi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và lây lan luôn ở mức cao”.

Nguy cơ H5N1 xâm nhập, bùng phát ảnh 2

Gà đựng trong lồng sắt được bày bán tại chợ Tân Lập (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Nhàn Lê

Theo BS Nga, người nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thường có những triệu chứng, diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Bệnh nhân có thể sốt cao liên tục trên 38 độ C, cảm thấy rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc, đau ngực, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm...

Cúm A/H5N1 diễn tiến nhanh, chỉ sau 12 giờ kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng của bệnh có thể đã trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi, đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man. Bệnh cúm A/H5N1 có thể gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trước tình hình trên, BS Nga khuyến cáo, việc phòng bệnh của mỗi cá nhân là cần thiết để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang luôn là phương án hiệu quả để phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm gia cầm.

BS Nga kêu gọi người dân không sử dụng gia cầm hoặc các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm, chết để chế biến làm món ăn. Người tiêu dùng cần phải lựa chọn nơi mua gia cầm đáng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Những người có triệu chứng nghi ngờ bị viêm hô hấp cấp tính cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời. Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người lớn tuổi, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, trẻ em...

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, nói: “Sự giao thoa gia cầm, động vật, người và các loài chim di cư làm tăng khả năng lan truyền bệnh cúm giữa các loài và sự xuất hiện các chủng cúm mới. Thống kê cho thấy, trong vòng 20 năm qua đã xảy ra 3 vụ dịch do xuất hiện 3 chủng vi rút mới trên gia cầm gồm A/H1, H5, H7 gây ra”.

TS Thượng dự báo, trong năm 2024, cúm gia cầm sẽ là một trong những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ xuất hiện tại khu vực phía Nam. Trước tình hình trên, ngành y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động thực hiện các biện pháp giám sát người và động vật để tránh nguy cơ cúm gia cầm xâm nhập và lây lan trên diện rộng.

MỚI - NÓNG
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
Hệ thống giao dịch mới 'lỡ hẹn' tác động sao tới chứng khoán?
TPO - Thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng sau kỳ nghỉ lễ. Không còn kỳ vọng giao dịch bùng nổ từ việc vận hành hệ thống mới, thực tế KRX thêm lần lỡ hẹn gây thất vọng với thị trường. Trong khi đó, nhóm ngành điện, bất động sản khu công nghiệp bất ngờ giao dịch tích cực.