Nhà hát đìu hiu: Nghệ sĩ đôn đáo mưu sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sân khấu rơi vào vùng trũng, nhiều nhà hát hoạt động cầm chừng nên thù lao từ diễn xuất của diễn viên không đáng là bao. Nhiều nghệ sĩ thẳng thắn bày tỏ, không thể trang trải cuộc sống nếu chỉ trông chờ vào lương và khoản hỗ trợ sau buổi diễn. Họ phải chạy đôn chạy đáo mưu sinh để nuôi đam mê nghệ thuật.

Hoạt động cầm chừng

Nhà hát Kịch Việt Nam được coi là “cánh chim đầu đàn” trong làng kịch nghệ. Ban lãnh đạo Nhà hát và nghệ sĩ cố gắng tổ chức nhiều suất diễn cố định mỗi tháng tại Nhà hát, cùng với nhiều chuyến lưu diễn phục vụ bà con ở các địa phương. Tuy nhiên rạp hát nhỏ cũng là rào cản lớn khi tổ chức biểu diễn ở Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nhà hát đìu hiu: Nghệ sĩ đôn đáo mưu sinh ảnh 1

Nghệ sĩ xiếc thường xuyên đối mặt với chấn thương nhưng thù lao mỗi buổi diễn khá thấp

Rạp Nhà hát Tuổi trẻ với gần 500 chỗ ngồi, phục vụ chủ yếu vào cuối tuần. Tuy nhiên, dịp hè và các ngày lễ, Tết, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là địa điểm rộn ràng khán giả bậc nhất ở Thủ đô. Nhà hát Chèo Việt Nam có trụ sở khá rộng rãi ở phố Kim Mã (Hà Nội) duy trì mỗi tháng một vở diễn tại Nhà hát. Trụ sở Nhà hát Chèo Hà Nội (15 Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng) chỉ có 200 chỗ không đủ để phục vụ khán giả. Các vở diễn được công diễn tại sân khấu của rạp Đại Nam (89 Phố Huế). Nhà hát Chèo Hà Nội duy trì mỗi tháng một vài buổi biểu diễn.

Thiết chế dành cho biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam tập trung ở TP. HCM và Hà Nội. Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định, rất hiếm nhà hát được đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại để phục vụ công chúng một cách tốt nhất. “Văn nghệ sĩ vẫn khát vọng sáng tạo và có đam mê bỏng cháy để được sống trên sân khấu, được cống hiến, được phục vụ khán giả. Nhưng điều kiện, môi trường còn rất thiếu. Sân khấu của Việt Nam khó có thể tiệm cận được với khu vực chứ chưa nói đến thế giới”, NSND Giang Mạnh Hà nhận xét.

Là nhà hát hàng đầu về nghệ thuật cải lương đất Bắc, nhưng 67 năm qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn chưa có rạp để biểu diễn. Đều đặn mỗi năm Nhà hát dàn dựng 2-3 vở diễn mới, nhưng mỗi lần thuê rạp biểu diễn rất tốn kém, dẫn đến khó khăn khi bán vé. Mức đầu tư thấp cho các thiết chế biểu diễn nghệ thuật ảnh hưởng lớn đến sự thưởng thức của khán giả.

“Nếu nói sân khấu là thánh đường nghệ thuật, với những nhà hát mà chúng ta đã có, sân khấu chưa thể là thánh đường đúng nghĩa. Nếu không có đổi mới, tạo nên sự độc đáo, khác biệt sẽ khó thu hút khán giả”, NSND Giang Mạnh Hà bày tỏ. Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, các vở diễn sân khấu chưa được đầu tư đúng mức, thiếu sức hấp dẫn cho nên không đủ sức cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, giải trí khiến khán giả đến rạp hát ngày càng ít.

Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị hiếm hoi duy trì hoạt động quanh năm, doanh thu vài tỷ đồng mỗi tháng. Dịp cao điểm hè, Nhà hát phục vụ khoảng 4-5 suất/ngày. Nhà hát Múa rối Thăng Long xưa nay vốn thu hút khá đông khách quốc tế, thời gian gần đây chú trọng hơn tới khán giả trong nước. Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long cho rằng, Nhà hát Múa rối Thăng Long may mắn khi là đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội có số suất diễn nhiều nhất trong ngày, bởi vậy, thu nhập của anh em nghệ sĩ cũng nhỉnh hơn nhiều nơi.

“Tiền bồi dưỡng tính theo buổi diễn nên nghệ sĩ không quá thiệt thòi. Tổng thu nhập một tháng bao gồm cả lương, thưởng, bồi dưỡng của nghệ sĩ có thể lên tới gần 20 triệu đồng”, nghệ sĩ Xuân Long nói. Tuy nhiên, anh có nhiều tâm tư với thế hệ kế cận, bởi ít người trẻ mặn mà theo đuổi nghệ thuật truyền thống.

Dù nằm ở vị trí đắc địa, phục vụ lượng khán giả đông nhất trong số các nhà hát ở Hà Nội thế nhưng cơ sở vật chất của Nhà hát Múa rối Thăng Long xuống cấp, hệ thống âm thanh, ánh sáng khó đảm bảo cho những buổi biểu diễn chất lượng cao. Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long mong mỏi các cấp quản lý quan tâm cải tạo cơ sở vật chất, lắp đặt thêm trang thiết bị để phục vụ khán giả tốt hơn, tận dụng triệt để vị trí đắc địa ngay cạnh Hồ Gươm.

Không bất chấp để kiếm tiền

NSND Quốc Anh, nguyên Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ với Tiền Phong, lương cơ bản của các nghệ sĩ trong nhà hát chỉ ở mức “đủ sống” - đó cũng có thể xem là cách nói giảm, nói tránh của nhiều nghệ sĩ. “Mức lương cơ bản của nghệ sĩ nhà hát chỉ có 5-6 triệu đồng/tháng. Nếu có buổi diễn thì sẽ tăng thêm 1-2 triệu đồng/tháng. Mức lương này so với mặt bằng chung xã hội là thấp”, NSND Quốc Anh nói.

Ông khẳng định, nghệ sĩ có thể kiếm thêm ở các chương trình nghệ thuật ngoài nhà hát. Khi còn giữ chức Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Quốc Anh tạo điều kiện lớn để các nghệ sĩ nhà hát tham gia biểu diễn ngoài để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, NSND Quốc Anh nhấn mạnh, chuyện nhận quảng cáo những sản phẩm không rõ nguồn gốc, công dụng thì không được phép.

Nghệ sĩ không sống được bằng nghề

Mức lương cơ bản của nghệ sĩ, diễn viên sân khấu Việt Nam còn nhiều bất cập: thu nhập thấp và chưa theo kịp với sự phát triển, quy luật phát triển kinh tế của đất nước. “So với mức lương cơ bản hằng tháng, bồi dưỡng cho các buổi diễn không tỷ lệ thuận với công sức, sự sáng tạo và đầu tư cho các chương trình nghệ thuật, cho các vai diễn trên sân khấu”, NSND Giang Mạnh Hà nhận định.

Nhà hát đìu hiu: Nghệ sĩ đôn đáo mưu sinh ảnh 2

Cải lương gặp khó khi các vở diễn dàn dựng ra không có rạp biểu diễn, phải đi thuê

Xiếc là môn nghệ thuật đặc thù, đòi hỏi luyện tập gắt gao, cường độ cao và không được phép ngơi nghỉ. Để có vài phút toả sáng trên sân khấu, nghệ sĩ xiếc có khi phải tập đi tập lại một động tác cả trăm lần, liên tục trong vài tháng. Sau ánh đèn sân khấu là nỗi lo cơm áo. Nghệ sĩ xiếc Chu Hồng Thúy - được mệnh danh Công chúa xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam - hé lộ với Tiền Phong mức lương cơ bản 4-5 triệu đồng/tháng. Khoản thù lao biểu diễn được tính riêng, tuy nhiên cũng chỉ dao động ở mức 150 ngàn đồng/buổi diễn. Chị nói đây là mức “trung bình thấp, không thể đủ trang trải cuộc sống”.

“Nghệ sĩ phải co kéo, làm thêm việc khác để cải thiện thu nhập. Giai đoạn COVID-19 khiến các hoạt động nghệ thuật gián đoạn, tôi mở lớp dạy yoga, trung bình mỗi tuần 5-7 buổi, duy trì công việc này tới bây giờ”, chị Thuý kể. Bạn diễn quen thuộc của chị Chu Hồng Thúy là nghệ sĩ xiếc Phạm Thị Hướng cũng trăn trở về mức thu nhập sau khi lập gia đình, nuôi con nhỏ. “Nếu không làm việc bên ngoài, chúng tôi không theo nghề được. Trong người có lửa nghề, còn ham muốn cống hiến cho nên chúng tôi mới đứng vững”, nghệ sĩ Phạm Thị Hướng nói. Rạp đóng cửa vì dịch nhưng nghệ sĩ không lơ là tập luyện.

Sau đại dịch, số buổi biểu diễn xiếc tại rạp tăng trở lại. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay, các buổi diễn hầu như kín chỗ. Liên đoàn bố trí từ 20-25 buổi diễn mỗi dịp 1/6, Tết Trung thu. Tuy nhiên, các nghệ sĩ và ban lãnh đạo vẫn kỳ vọng có sự thay đổi trong cơ chế tính lương, thù lao biểu diễn đối với môn nghệ thuật mạo hiểm như xiếc.

Ở sân khấu kịch, tổng thu nhập của nghệ sĩ cũng khá thấp. Với mỗi đêm diễn, vai phụ được cát-xê khoảng 150 nghìn đồng, vai chính nhận khoảng 400-500 nghìn đồng. Diễn viên Lê Tuấn Anh vừa rời Nhà hát Tuổi trẻ sau hơn 20 năm gắn bó. Kinh tế có lẽ không hoàn toàn là nguyên nhân, song anh cũng tiết lộ nghệ sĩ sân khấu không có nhiều cơ hội làm nghề. “Khi NSƯT Chí Trung -nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - nghỉ theo chế độ và thêm tác động từ đợt dịch COVID-19, khán giả đến sân khấu thưa dần. Một phần do dịch bệnh, một phần do tình hình kinh tế chung và do nhiều loại hình giải trí khác khiến khán giả sân khấu càng ít hơn, chúng tôi cũng không có nhiều cơ hội để cống hiến”, nam nghệ sĩ chia sẻ.

Chuyện nghệ sĩ phải mưu sinh để nuôi nghề không phải câu chuyện mới, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế thị trường, chuyển đổi số và sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình giải trí, nghệ sĩ, diễn viên càng phải đối diện thực tế khốc liệt hơn.

MỚI - NÓNG