Nhà hát Thành phố TPHCM: Thăng trầm thánh đường nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Được khởi công xây dựng từ năm 1898 và đưa vào sử dụng từ năm 1900, Nhà hát thành phố (tên ban đầu là Nhà hát lớn Sài Gòn- L’Opera de Saigon) từng là biểu tượng văn hoá của“Hòn ngọc viễn Đông”. Hơn 100 năm qua, theo dòng lịch sử của Sài Gòn, Nhà hát cũng có nhiều thăng trầm và trở thành một chứng nhân của lịch sử.

Bài 1: Bí ẩn Nữ thần Nghệ thuật

Được gọi là Nhà hát lớn Sài Gòn, nhưng từ khi đi vào hoạt động, người dân Sài Gòn thường gọi Nhà hát Tây bởi ban đầu Nhà hát chỉ vốn dành cho người Pháp. Trên tiền sảnh Nhà hát còn có 2 bức phù điêu của Nữ thần Nghệ thuật bán khoả thân (Dân Sài Gòn còn gọi là bà Đầm). Nhưng một thời Nữ thần đã bị bỏ ra khỏi Nhà hát.

Nhà hát Tây

Năm 1859, thực dân Pháp chính thức chiếm đóng Sài Gòn, mở màn cho công cuộc cai trị, thiết lập chế độ thực dân trên mảnh đất này. Năm 1863, người Pháp đã đưa đoàn hát đầu tiên từ chính quốc sang biểu diễn phục vụ cho quan chức, sĩ quan, binh lính Pháp tại Sài Gòn. Vì chưa có rạp nên đoàn hát phải diễn tạm ở nhà riêng của Thống đốc Nam kỳ La Grandière.

Việc biểu diễn tạm bợ đó không đáp ứng được nhu cầu giải trí tăng cao của người Pháp nên chính quyền Pháp thuộc đã quyết định xây một Nhà hát (Opera House). Do nhiều nguyên nhân, tới năm 1898 Nhà hát mới chính thức được khởi công tại khu đất thuộc đường Catinat (Đồng Khởi, quận 1 ngày nay).

Nhà hát Thành phố TPHCM: Thăng trầm thánh đường nghệ thuật ảnh 1

Nữ thần tại tiền sảnh Nhà hát

Nhà hát lớn Sài Gòn (L’Opera de Saigon) do kiến trúc sư Félix Olivier thiết kế, chính thức đưa vào hoạt động vào năm 1900. Công trình lấy cảm hứng từ Nhà hát Opera Garnier tại Paris, thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc Flamboyant Gothic của thời Đệ tam cộng hòa Pháp thuộc thế kỷ 19, với đặc trưng là sự phối hợp khéo léo giữa điêu khắc và kiến trúc.

Khắp nơi từ bên ngoài đến nội thất bên trong Nhà hát đều được đắp phù điêu, tượng nổi. Đặc biệt, mặt tiền Nhà hát lớn Thành phố chịu ảnh hưởng nhiều bởi nghệ thuật trang trí của Bảo tàng Petit Palais (xây dựng cùng năm tại Paris, Pháp). Ấn tượng nhất là 2 bức phù điêu của Nữ thần Nghệ thuật bán khoả thân được trang trí ở cổng lối vào nhà hát thiết kế theo phong cách Phục hưng.

Sau khi khánh thành, nhà hát lớn Sài Gòn thành nơi biểu diễn cho các đoàn hát từ Pháp sang để phục vụ cho những người Pháp ở Sài Gòn. Vì thế, người dân gọi đây là Nhà hát Tây bởi ít có người Việt có thể được đặt chân vào.

Nhà hát Thành phố TPHCM: Thăng trầm thánh đường nghệ thuật ảnh 2

Vẻ đẹp Nhà hát Thành phố

Theo hồi ký của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, mặc dù là một công trình để phục vụ cho người Pháp nhưng dự án lại không được chính người Pháp ở Sài Gòn ủng hộ, thậm chí rất nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng nhà hát nhỏ, kiến trúc lại rườm rà. Việc mời các đoàn hát từ Pháp qua đều lấy từ ngân sách thành phố nên nhiều đoàn bị phản đối. Vì thế một thời gian Nhà hát gần như không hoạt động. Năm 1918, chính quyền Pháp tại Sài Gòn đã cho phép Nhà hát trở thành nơi biểu diễn cho cả người Việt và người Pháp. “Nhưng ngay cả việc có thêm các chương trình của người Việt cũng không cứu vãn được sự vắng vẻ, vì khách ăn chơi bị các hộp đêm, quán ăn có nhạc, khiêu vũ giúp vui thu hút gần hết, còn một mớ khác lại thích Cine, chớp bóng nói, vừa lạ vừa hấp dẫn hơn” (trích Vương Hồng Sển).

Năm 1944 khi Nhật xâm chiếm Đông Dương, quân Đồng Minh đã bỏ bom khiến Nhà hát bị hư hỏng nặng phải ngưng hoạt động. Mãi tới năm 1955, chính quyền Sài Gòn mới cho sửa chữa nhưng đã thay đổi lại khá nhiều, trong đó mặt tiền nhà hát đã được tu sửa, 2 bức phù điêu Nữ thần nghệ thuật đã biến mất, thay vào đó là 2 chiếc cột đơn giản không họa tiết. Có lẽ những thay đổi nhằm biến Nhà hát thành toà nhà Quốc Hội, những hoa văn, trang trí cầu kỳ nghệ thuật không phù hợp với hoạt động mang màu sắc chính trị của Nghị viện.

Năm 1963, khi chính quyền họ Ngô bị lật đổ, Quốc hội cũng bị giải tán nên toà nhà này được gọi tên là Nhà Văn hoá. Năm 1967, khi Quốc hội được tái lập, chia thành 2 Viện giống như một số nước phương Tây là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện thì Nhà hát lại trở thành toà nhà Trụ sở Hạ Nghị Viện Việt Nam cộng hoà.

Nữ thần Nghệ thuật trở lại

Tới năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, toà nhà mới trở lại đúng với chức năng ban đầu - là nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật với tên gọi: Nhà hát Thành phố HCM. Nhưng mãi tới năm 1998, hai Nữ thần Nghệ thuật mới được trở lại với Nhà hát. Đó là dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn- TPHCM, lãnh đạo TPHCM đã quyết định thực hiện dự án nâng cấp Nhà hát, trùng tu Nhà hát theo nguyên trạng với tổng kinh phí trùng tu phục chế khoảng 25 tỷ đồng. Dự án trùng tu năm 1998 bao gồm các hạng mục chính như: Toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài của Nhà hát được phục chế y như cũ; mái nhà Nhà hát sẽ được thay mới; Nhà hát thay mới và thiết kế lại hệ thống hơn 600 ghế; Hệ thống âm thanh, ánh sáng được nâng cấp, xử lý bằng công nghệ mới….

Năm 2007, Nhà hát Thành phố được sửa chữa lần 2 với kinh phí 1,6 tỷ đồng cho một số hạng mục như nâng cấp ghế khán giả, lát nền, trùng tu các tượng và phù điêu bên trong Nhà hát. Ngoài ra, lãnh đạo TP Lyon (Pháp) còn tài trợ 160 ngàn EURO để trang bị hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật cho Nhà hát.

Theo tư liệu của kiến trúc sư Phạm Trường Giang đăng trên tạp chí Người Đô Thị, ngày đó một số kiến trúc sư trẻ tại TPHCM được mời tham gia dự án. Họ đã tiếp cận, tìm hiểu không chỉ những nguồn tư liệu của Chính quyền cũ mà còn sang tận Pháp để tìm các nguồn tư liệu tại Paris, được nhiều chuyên gia tại Pháp giúp đỡ cho công tác trùng tu. Trong quá trình trùng tu, điều bất ngờ đã xảy ra.

“Tôi vẫn còn nhớ cuộc điện thoại gọi tới của các kiến trúc sư trẻ với giọng nói đầy vẻ vui mừng, nhắn tôi tới ngay Nhà hát Thành phố để chứng kiến một điều vô cùng đặc biệt: Đó là khi những người thợ bắt đầu đập bỏ lớp phù điêu trang trí ở mặt trước của nhà hát, họ đã ngỡ ngàng khi những lớp vữa và gạch rơi xuống thì phía sau đã lộ ra một lớp phù điêu khác còn nguyên vẹn. Thì ra khi tu sửa Nhà hát Thành phố năm 1955, những kiến trúc sư lúc đó đã không nỡ đập bỏ lớp phù điêu nguyên thủy hay dùng vữa đắp đè lên nó mà họ chọn giải pháp xây một bức tường cách phù điêu cũ 20 cm để giữ gìn nguyên trạng.

Có lẽ họ cũng hình dung một ngày nào đó trong tương lai, nếu Nhà hát được phục chế như cũ thì hậu thế không phải mất công sức lẫn tiền bạc cho lớp phù điêu này”, Kiến trúc sư Phạm Trường Giang viết.

337 tỷ cho dự án duy tu, phục hồi Nhà hát Thành phố

Tại kỳ họp HĐND TPHCM giữa tháng 9/2023, các đại biểu đã thông qua chủ trương tu bổ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát Thành phố với kinh phí 337 tỷ đồng. Theo ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng Sở Văn hóa- Thể thao TPHCM, Nhà hát Thành phố sẽ được sửa chữa, tu bổ, phục dựng khối nhà chính, bổ sung các hệ thống kỹ thuật trang thiết bị..

MỚI - NÓNG