Nhà khoa học mang khát vọng giúp nông dân bớt khổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) và GS Võ Tòng Xuân (người Việt Nam) cùng nhận Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Hai ông có chung một khát vọng là thế giới không còn tình trạng thiếu, đói và nông dân bớt nghèo, đồng thời mong muốn dùng tiền thưởng để phát triển các giống lúa mới.

Mong không còn người thiếu, đói

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Ấn Độ, quốc gia vẫn phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn lương thực mỗi năm giai đoạn 1960-1970, chứng kiến tình trạng thiếu đói xảy ra ở nhiều nơi, GS Gurdev Singh Khush trăn trở, làm thế nào tạo ra giống lúa có năng suất cao, để người nào cũng có đồ ăn đầy đủ. Chính điều đó là động lực đưa ông đi theo con đường lai tạo giống lúa mới. Ông kể, khi có cơ hội làm việc tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (trụ sở tại Philippines), ông đã bắt tay vào lai tạo với hy vọng có được một giống lúa lùn hơn, ngắn ngày hơn và năng suất cao hơn để không ai còn sợ hãi nạn đói và các quốc gia có thể tự cung tự cấp lương thực.

Nhà khoa học mang khát vọng giúp nông dân bớt khổ ảnh 1

GS Võ Tòng Xuân (cầm micro) và GS Gurdev Singh Khush (thứ hai từ trái sang) giao lưu với sinh viên tại Trường Đại học VinUni sáng 21/12

Nhờ miệt mài nghiên cứu, GS Khush trở thành cha đẻ của các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao như IR36, IR64... Trong đó, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ…

GS Khush tự hào chia sẻ, từ việc nhập khẩu 10 triệu tấn lương thực mỗi năm, giờ đây Ấn Độ có thể tự cung cấp lương thực cho toàn dân, đóng góp cho cuộc cách mạng xanh. Tuy nhiên, nhà khoa học cho biết, vẫn còn nhiều thách thức cho nhân loại và cho chính bản thân ông trong công việc nghiên cứu bởi những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, trong đó, việc nhiệt độ tăng lên có thể làm giảm tới 10% năng suất lúa gạo toàn cầu. Vì vậy, ông cho rằng vẫn còn nhiều công việc chờ đợi cộng đồng khoa học ở phía trước như làm thế nào lai tạo ra giống lúa có khả năng chịu mặn tốt hơn, chịu lũ lụt tốt hơn, có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, chứa nhiều vi chất tốt cho sức khỏe như kẽm, sắt…

GS Khush chia sẻ, ông và GS Võ Tòng Xuân có chung mục đích là muốn sử dụng số tiền từ giải thưởng VinFuture để đầu tư vào việc phát triển những giống lúa tiềm năng trong tương lai. Ngoài ra, hai ông cũng muốn sử dụng số tiền này để hỗ trợ chương trình đào tạo và phát triển năng lực trong khoa học nông nghiệp tại quốc gia của mình, như hỗ trợ học bổng cho sinh viên theo học ngành này.

“Giải thưởng VinFuture hướng đến sự phát triển của nhân loại, tương lai của nhân loại. Vì thế, chúng tôi rất muốn dùng số tiền này để phát triển tương lai của ngành khoa học lúa gạo nói chung”, GS Khush nói.

Nhà khoa học trẻ cần nghiên cứu vấn đề của cuộc sống

Chia sẻ sau khi nhận giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này, cho biết, ông cảm thấy rất vinh dự bởi VinFuture vinh danh các nghiên cứu ứng dụng góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều người.

GS Xuân kể, ông đi theo con đường nghiên cứu và lai tạo giống lúa vì muốn người nông dân Việt Nam giàu hơn. “Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá, mà người nông dân nước mình lại nghèo. Cần làm gì để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó tôi xác định mục tiêu học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề”, ông nói.

Tại lễ trao giải VinFuture năm 2023, hai nhà khoa học nổi tiếng được vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra và phổ biến giống lúa kháng bệnh, được trồng ở nhiều quốc gia châu Á, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Ông từng có thời gian xin Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đóng cửa trường hai tháng để đưa sinh viên về với người nông dân, cấy trồng, chăm bón và chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân. Nhờ vậy, chỉ từ 5gam hạt giống được các đồng nghiệp từ Viện Lúa quốc tế chuyển giao, giống lúa IR36 kháng bệnh đã được nghiên cứu phù hợp với điều kiện Việt Nam và nhân rộng ra nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết vấn đề mất mùa nghiêm trọng thời điểm vừa sau chiến tranh.

Chính từ câu chuyện của mình, ông khuyên các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam thay vì tập trung vào các vấn đề cao siêu, hãy bắt đầu từ chính cuộc sống. Ông trăn trở, khuynh hướng của thế giới hiện nay là các nhà khoa học nghĩ tới các vấn đề rất mới, cao xa, nghiên cứu để đăng được các bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế. Làm như vậy thì tốt cho sự nghiệp của bản thân, nhưng đối với xã hội, nhất là những xã hội đang khó khăn, phát triển như Việt Nam, rất nhiều đề tài sẽ không thể sử dụng được.

Ông cho rằng, mỗi nhà khoa học cần phải tìm hiểu xã hội của mình có gì khó khăn, hướng giải quyết như thế nào. Các bạn trẻ phải học tập thật tốt rồi mang những kiến thức, hiểu biết của mình phân tích, mổ xẻ các vấn đề của xã hội để thấy cái gì cần ưu tiên giải quyết trước. Rồi từ kiến thức khoa học tìm ra hướng nghiên cứu, giải pháp, ứng dụng vào những vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. “Tôi hy vọng các nhà khoa học trẻ theo định hướng này”, GS Xuân nói.

MỚI - NÓNG